Sóc Trăng: Phát huy tiềm năng du lịch cù lao, sông, biển gắn với liên kết vùng

15/05/2023 - 14:22

Liên kết vùng là một trong những giải pháp trọng tâm để thu hút và đẩy mạnh thị trường du lịch nội địa, nhằm hướng đến mục tiêu phát huy thế mạnh cạnh tranh của từng địa phương vào việc xây dựng sản phẩm du lịch và thương hiệu du lịch vùng. Theo đó, tỉnh Sóc Trăng cũng rất chú trọng phát huy tiềm năng du lịch cù lao, sông, biển gắn với liên kết vùng.

A A

Với điều kiện thuận lợi về tự nhiên và sự ưu đãi từ thiên nhiên, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) là nơi hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.

Chúng tôi có dịp đến Khu du lịch sinh thái ẩm thực Apsara, tọa lạc tại ấp Võ Thành Văn, xã An Thạnh Nam (Cù Lao Dung), ngoài thưởng thức những món ăn miền quê đặc sản đồng bằng sông Cửu Long còn được tham gia các hoạt động giải trí với những tiết mục văn nghệ đặc sắc mang đậm nét văn hóa của đồng bào Khmer.

Đồng chí Nguyễn Văn Sử - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã An Thạnh Nam chia sẻ: “Địa phương cũng đang khai thác tiềm năng phát triển loại hình du lịch trải nghiệm homestay. Du khách đến đây được tận hưởng không gian thiên nhiên như: đi cầu tre xuyên rừng, bắt ốc len, bắt vọp, câu cua biển, thưởng thức dừa nước mật ong, trực tiếp nướng vọp, sam, đạp xe đạp tham quan bãi cá thòi lòi. Đặc biệt là khu vực bãi bồi cung cấp dịch vụ tắm bùn thiên nhiên, du khách sẽ được trải nghiệm trò chơi dân gian “ném bùn, đạp mong”; tại bãi nuôi nghêu cung cấp dịch vụ cào nghêu, bắt nghêu cho khách du lịch. Ngoài ra, còn có dịch vụ đi thuyền ra cửa biển câu cá, dùng cơm trên thuyền kết hợp đờn ca tài tử… Đây là sự trải nghiệm ấn tượng và được nhiều du khách quan tâm nhất”.

Đến với Khu du lịch sinh thái ẩm thực Apsara, du khách sẽ được thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc mang đậm nét văn hóa của đồng bào Khmer. Ảnh: THẠCH PÍCH

Cù Lao Dung với hệ thống rừng bần phòng hộ rộng hơn 1.700ha, phong phú các loài động vật, thực vật và thủy hải sản; bãi bồi rộng hơn 26.000ha, nơi tổ chức nhiều hoạt động để trải nghiệm của khách du lịch và phát triển kinh tế biển; 4 di tích lịch sử văn hóa các cấp gắn liền với tên tuổi các anh hùng dân tộc và các sự kiện văn hóa lịch sử đi vào huyền thoại.

Đồng chí Trần Văn Nguyên - Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung cho biết: “Tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên lĩnh vực du lịch của huyện có sự chuyển biến khá rõ nét. Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển du lịch đều được triển khai sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Hoạt động quảng bá, giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của địa phương luôn được quan tâm; nhiều cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh đã đến nghiên cứu, khảo sát để kịp thời tuyên truyền, phổ biến một cách rộng rãi, thường xuyên về các giá trị văn hóa, lịch sử, tiềm năng, thế mạnh du lịch của huyện. Huyện cũng mong muốn phát triển du lịch homestay, farmstay và du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với kinh tế vườn. Tăng cường xây dựng chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), gắn với việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của từng vùng, địa phương”.

Du khách tham gia các hoạt động giải trí. Ảnh: THẠCH PÍCH

Để phát triển du lịch miệt vườn, hay du lịch cù lao, sông, biển, ngoài công tác quy hoạch, cần phải có cơ chế chính sách để thu hút, kêu gọi đầu tư. Đặc biệt là công tác tuyên truyền để mọi người hiểu rõ phát triển du lịch mang lại hiệu quả như thế nào đối với gia đình những người làm du lịch cũng như toàn xã hội. Bên cạnh đó, nhằm tạo cơ sở cho du lịch phát triển và nhất là để kêu gọi các nhà đầu tư, huyện đã chú trọng hoàn thiện hệ thống hạ tầng phục vụ du lịch. Trong đó, phải kể đến các tuyến đường giao thông; nhiều hạng mục, công trình hạ tầng được tỉnh hỗ trợ, đầu tư xây dựng phục vụ cho phát triển du lịch huyện như: xây dựng 2 bến đò tại xã An Thạnh 1 và An Thạnh Nam; 1 bến đỗ xe tại xã An Thạnh 1; hỗ trợ 2 tấm pin năng lượng, 25 chiếc xuồng composite, 20 xe đạp; hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ xây dựng 2 nhà vệ sinh phục vụ khách du lịch trị giá trên 60 triệu đồng. Đặc biệt, khi cầu Đại Ngãi hoàn thành, kết nối liền mạch với tuyến Quốc lộ 60, cùng với việc nâng cấp đồng bộ theo Dự án WB9, các doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ có nhiều cơ hội đến để nghiên cứu, đầu tư, khai thác tiềm năng, thế mạnh của huyện.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng Phạm Văn Đâu cho biết: “Theo Đề án tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng, từ nay đến năm 2030 sẽ tập trung quy hoạch phát triển 10 sản phẩm du lịch chủ lực, 6 sản phẩm du lịch bổ sung và 4 không gian du lịch cùng với các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư từng giai đoạn theo cụm trên địa bàn tỉnh. Trong đó, sản phẩm du lịch chủ lực như: du lịch sinh thái biển Mỏ Ó huyện Trần Đề; du lịch sông nước miệt vườn cồn Mỹ Phước huyện Kế Sách; du lịch sinh thái biển Cù Lao Dung; du lịch sinh thái biển Hồ Bể Vĩnh Châu… Sản phẩm du lịch bổ sung như: du lịch cộng đồng cồn Phong Nẫm, huyện Kế Sách; du lịch sinh thái sông nước miệt vườn tại xã An Thạnh 1 và An Thạnh Tây, huyện Cù Lao Dung; du lịch điện gió Vĩnh Châu - Trần Đề - Cù Lao Dung…”.

Với mục tiêu thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 2/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch của tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, các địa phương sẽ tập trung quy hoạch tổng thể, quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông, tập trung khai thác và tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm du dịch có giá trị, mang nét đặc trưng riêng để thu hút ngày càng nhiều du khách đến tham quan. Hứa hẹn trong những năm tới, tỉnh Sóc Trăng sẽ là điểm đến lý tưởng của nhiều du khách trong và ngoài nước; sớm trở thành một điểm đến tiêu biểu trên bản đồ du lịch đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Theo THẠCH PÍCH (Báo Sóc Trăng)