Sóc Trăng: ​Thêm cơ hội cho ngành tôm

08/08/2023 - 16:23

Doanh nghiệp ngành tôm đón nhận tin vui từ Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản quy mô 15.000 tỷ đồng. Người nuôi tôm cũng có thêm phần phấn chấn khi giá tôm đang tăng lên từ tuần cuối tháng 7 đến nay. Cả 2 như tiếp thêm động lực, để ngành tôm phát huy thế mạnh, vượt qua khó khăn, nắm bắt tốt cơ hội khi thị trường hồi phục.

Nhờ phát huy thế mạnh hàng giá trị gia tăng, giúp doanh nghiệp có được đơn hàng giá tốt, hỗ trợ giá tôm trong nước tăng trở lại.

Với sự tăng dần kim ngạch xuất khẩu từ tháng 4 đến nay, cho thấy thị trường xuất khẩu thủy sản đang hồi phục dần và theo dự báo sẽ hồi phục vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024. Thực tế cũng đang ủng hộ cho dự báo này, khi giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 7 của tỉnh Sóc Trăng ước đạt 102 triệu USD, tăng 14,72%. Một số doanh nghiệp tôm lớn của tỉnh như Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm Sao Ta, doanh số xuất khẩu tháng 7 đã tăng 18% so với tháng 6 và là tháng thứ 4 liên tiếp có doanh số tăng. Do đó, ở thời điểm này, doanh nghiệp rất cần vốn để duy trì sản xuất, sẵn sàng nguồn nguyên liệu khi thị trường tiêu thụ hồi phục, nên gói tín dụng này sẽ giúp một số doanh nghiệp giữ được khách hàng, duy trì sức cạnh tranh trên thị trường, nhất là đối với những doanh nghiệp nhỏ trong ngành tôm.

Với những diễn biến như trên, nên phần lớn doanh nghiệp ngành tôm đón nhận gói tín dụng trên một cách tích cực. Tuy nhiên, cũng có một số doanh nghiệp cho rằng, gói tín dụng trên là hơi chậm và nhỏ so với nhu cầu của toàn ngành. Tuy tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm toàn ngành tôm trong những năm gần đây chưa vượt quá 2 con số nhưng sự sàng lọc từ thị trường là khá lớn, nên đa phần số doanh nghiệp hiện tại đều có sức khỏe tài chính khá tốt. Điều này giúp ngành tôm không ít lần vượt qua khó khăn, mà gần nhất là từ quý III/2022 đến nay.

Dù chưa như kỳ vọng, nhưng với tín hiệu tăng trưởng trở lại của xuất khẩu tôm trong các tháng gần đây cùng với nguồn tôm nguyên liệu không còn nhiều đã kéo giá tôm tăng liên tiếp trong những ngày gần đây. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, giá bán tôm vẫn chưa cải thiện nhiều, chủ yếu là nhờ có các đơn hàng giá trị gia tăng tốt, nên doanh nghiệp mới có thể mua tôm nguyên liệu với giá cao hơn. Các doanh nghiệp cũng dự báo giá tôm sẽ còn tiếp tục tăng vì thiếu hụt nguyên liệu do người nuôi đã ngưng thả giống khá nhiều.

Ông Võ Văn Phục - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam cho biết: “Mọi năm, thời điểm này tôm rất nhiều, nhưng năm nay gần như đã hết tôm do số diện tích ngưng thả giống khá nhiều. Vì vậy, theo dự báo của cá nhân tôi, giá tôm sẽ tiếp tục tăng và gây khốn đốn cho những doanh nghiệp không có hoặc có ít nguồn tôm dự trữ. Nếu tình hình này kéo dài đến quý I năm sau sẽ rất căng cho các doanh nghiệp ngành tôm”.

Theo ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, việc triển khai gói tín dụng 15.000 tỷ đồng với mức ưu đãi lãi suất thấp hơn 1 - 2% so với mức lãi suất cho vay cùng kỳ hạn trong giai đoạn này tuy không lớn và có phần hơi muộn nhưng hết sức cần thiết và quý giá. Nguyên nhân là do sức tiêu thụ chậm, dẫn đến hàng tồn kho lớn, trong khi hạn mức tín dụng gần như đã sử dụng hết, nên một số doanh nghiệp buộc phải bán hàng với giá rẻ, thậm chí là rất rẻ, chấp nhận thua lỗ để có vốn xoay sở xở, bởi nếu để lâu thêm nữa, ngân hàng chuyển qua gói nợ xấu thì doanh nghiệp càng khó hơn. Ông Lực nhận xét: “Ở thời điểm này, việc được cấp thêm tín dụng đối với doanh nghiệp là tốt lắm rồi. Bởi khi nguồn vốn này đến được kịp thời, một mặt sẽ giúp doanh nghiệp tháo gỡ được nút thắt né nợ xấu; mặt khác, có thêm nguồn vốn giúp hạn chế tình trạng bán tháo tôm giá rẻ, giảm thiệt hại cho doanh nghiệp và cho cả ngành tôm”.

Hầu hết các doanh nghiệp thủy sản đều có đánh giá tích cực về gói tín dụng 15.000 tỷ đồng hỗ trợ lâm sản, thủy sản của Chính phủ. Và gói tín dụng này giúp ngành tôm có thêm động lực, thêm cơ hội để sớm vượt qua khó khăn, củng cố vị thế và năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Theo TÍCH CHU (Báo Sóc Trăng)