Sống, gắn bó với quê hương !

14/01/2022 - 09:19

Vùng đất Thạnh Hòa - Thạnh Xuân, Phụng Hiệp - Châu Thành tỉnh Cần Thơ, nơi đây trong hai cuộc kháng chiến có nhiều chiến tích lịch sử mang tầm cỡ quốc gia và địa phương, in đậm chiến công của Quân - Dân Cần Thơ. Tiêu biểu đó là: 4 trận Tầm Vu oai hùng, chiến thắng Chày Đạp, Phú Xuân, Một Ngàn. Cũng chính vùng đất quê này đã sản sinh ra nhiều người con làm rạng rỡ quê hương, có thể nói đến điển hình như: Lư Văn Điền (Tám Thanh); Lê Nam Giới (Năm Giới), Trần Thanh Mẫn, Đại tá Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Lê Hiền Tài, đã có 102 Mẹ Việt Nam Anh hùng; 531 liệt sĩ; 144 gia đình có công với cách mạng - biểu tượng sinh động chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Người trước ngã, người sau tiếp tục đứng lên… làm cho vùng quê tràn đầy sức sống cho tương lai.

A A

Anh Lê Nam Giới (người thứ hai từ trái qua) là người gần gũi khi đi công tác.   (Ảnh tư liệu)

Chuyện kể về đồng chí Lê Nam Giới (Năm Giới) sinh ra ở làng quê hẻo lánh, nhiều khó khăn, chiến tranh tàn phá ác liệt; là con thứ năm trong gia đình, được cha mẹ, anh em thương yêu. Lúc nhỏ học trường làng, sau đó học tại Cái Tắc và thi đậu vào Trường Trung học Phan Thanh Giãn (nay là Trường Châu Văn Liêm - Cần Thơ) ước mơ cháy bỏng: Cố gắng học tập thật tốt để sau này giúp ích cho đời. Hồi ấy, thấy bạn bè cùng lứa mặc quần “Tây”, áo “sơ mi trắng”, giày ba-ta đi xe đạp đến trường, anh thèm thuồng lắm nhưng không dám hở răng - bởi thương cha mẹ gia đình còn nhiều khó khăn.

Thấu hiểu nỗi khổ của quê hương, đất nước bị kẻ thù giày xéo, sự khắc nghiệt của chiến tranh đã sớm khơi dậy tinh thần yêu nước trong anh. Đặc biệt là hai sự việc bi hùng: Tháng 4-1962, cậu Hai bị giặc bắn chết; tháng 4-1963, mẹ bị giặc bắn chết. Hai sự việc bi hùng đó đã thôi thúc anh Lê Nam Giới rời ghế nhà trường năm đệ tứ, xếp bút nghiêng vào lực lượng vũ trang Quân khu 9 lúc tuổi đời vừa tròn 17. Rồi lần lượt được phân công chức vụ ở các đơn vị khác nhau: Phó bí thư, Bí thư Xã Đoàn, Bí thư Huyện Đoàn Phụng Hiệp - Châu Thành, Bí thư xã, Bí thư Huyện ủy, Bí thư Thành ủy Cần Thơ (trực thuộc tỉnh Cần Thơ) và sau này là Chủ tịch UBND tỉnh Cần Thơ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, Bí thư Tỉnh ủy - và sau khi chia tách là Bí thư Thành ủy thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương.

Được phân công, giao nhiệm vụ ở nhiều cương vị khác nhau, anh luôn trăn trở đau đáu trong lòng với những đơn vị, địa phương còn nhiều khó khăn, nhất là đời sống tại địa phương, Nhân dân nghèo, gia đình chính sách, đồng bào các dân tộc. Anh còn luôn quan tâm đối với cơ quan, đơn vị, địa phương có những vấn đề chưa nhất quán nhau trong nhận thức công việc. Tôi còn nhớ, lúc anh còn là Bí thư Đảng ủy xã Đông Phước, Châu Thành, nội bộ có dấu hiệu mất đoàn kết, anh đã cùng tập thể tìm ra nguyên nhân để giải quyết ổn thỏa. Lúc đảm nhiệm Bí thư Thành ủy thành phố Cần Thơ (trực thuộc tỉnh), anh cùng tập thể Thường vụ Thành ủy, gần gũi, sâu sát phường An Lạc, phường Bình Thủy đang phát triển, sau đó, lại nảy sinh tình hình cán bộ chủ chốt có vấn đề, anh kịp thời giải quyết có hiệu quả… Có thể nói, đối với đồng chí Lê Nam Giới, với tôi dù chưa thật sự biết nhiều về anh, vì trong kháng chiến chống Mỹ không có hoạt động chung với anh - tôi hoạt động ở Cà Mau; sau giải phóng ở ngành giao thông, rồi đi làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia, mãi đến năm 1989 về nước. Tôi rất cảm kích về anh, một tấm gương sáng về trách nhiệm, tận tụy với công việc, luôn cùng tập thể phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Suy nghĩ về anh, tôi còn nhớ: Khi đã nghỉ hưu, trong nhiều lần gặp anh tâm sự, anh luôn trăn trở, nhắc nhở tôi khi tôi là Chủ tịch UBND tỉnh, rồi Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang. Anh bộc bạch: “Bảy Chánh à! Mình “làm việc cho đàng hoàng, chơi cũng phải đàng hoàng” là tốt em ạ”!

Một lời dặn dò mang đậm tính nhân văn về quê hương đó là: “Quê hương mình đã nhiều năm giải phóng rồi, nhiều thế hệ đã đóng góp sức người, sức của rồi, mà gia đình chánh sách, người có công còn nghèo quá, đường sá đi lại còn nhiều khó khăn; em nói anh em ta phải cố gắng thực hiện cho thật tốt - như một việc làm tri ân và trả ơn”! Lời nói chân tình, mộc mạc, nghĩa tình của anh đã nhắc nhở chúng tôi tiếp tục thực hiện cho đến ngày nay.

Khi nói về “quê hương”, tôi liên tưởng đến một đoạn của bài hát, do nhạc sĩ nào đó sáng tác “Quê hương là chùm khế ngọt… quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nỗi thành người…”. Nói đến văn học nghệ thuật thì tôi không tường tận cho lắm, nhưng về tình cảm của mình, tôi nghĩ ai cũng có một quê hương, nơi đó có thể là đang phát triển tốt hoặc còn nhiều khó khăn, nhưng nơi ấy mãi mãi là một ký ức, cội nguồn, kỷ niệm đẹp của một con người… Vì chính nơi ấy là nơi chôn nhau cắt rốn, sinh ra, cưu mang, đùm bọc nuôi ta lớn khôn, cho nên việc trân trọng, giữ gìn phát huy là một cách suy nghĩ mang tính nhân văn, việc làm có ý nghĩa trong mỗi chúng ta.

Đồng chí Lê Nam Giới (anh Năm Giới), năm nay đã ngoài 70 (53 tuổi Đảng) ở cái tuổi “nhơn sinh thất thập cổ lai hy” sức khỏe có phần giảm sút, nhưng vẫn minh mẫn, vẫn thường xuyên tham gia góp ý cho lãnh đạo địa phương nhiều việc làm hết sức có ý nghĩa và mang đậm tính khoa học, thiết thực, trách nhiệm.

Anh sống rất hạnh phúc cùng chị, các con anh đều ngoan, có việc làm ổn định; trong nhà có một không gian trưng bày ngoài việc thờ cúng ông bà ra, trang nghiêm hơn hết là không gian tôn kính Bác Hồ, các vị anh hùng giải phóng dân tộc. Có lẽ, chính nơi đây nhiều lúc anh thư giãn để suy nghĩ về các công thần có công “Dựng nước, giữ nước” và luôn trắc ẩn trong lòng về đất nước, con người của vùng đất Tây Đô anh hùng và nguyện mãi sống, gắn bó với quê hương!

TRẦN CÔNG CHÁNH

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang

Theo Báo Hậu Giang