Tâm tình người giữ rừng

20/04/2021 - 16:20

Bước vào mùa khô, cũng là lúc lực lượng giữ rừng bận rộn, vừa tập huấn, thực hành, vừa tuần tra, canh rừng bất kể ngày đêm... Có trải qua cảm giác đi dưới cái nắng gắt, ướt mồ hôi khi len lỏi giữa những cánh rừng mới cảm thấy thương và quý mến tinh thần lạc quan, đầy trách nhiệm của những người từng ngày âm thầm góp sức giữ cho rừng màu xanh bất tận.

A A

Căng sức bám rừng

Ðến hẹn lại lên, cán bộ, lực lượng kiểm lâm, tổ máy, người dân sống trong khu vực lâm phần rừng tràm đều gác lại mọi việc gia đình để vào cuộc giữ rừng như thông lệ.

Mùa khô năm nay không khắc nghiệt như mọi năm nhưng các anh, những người giữ rừng, không buông lơi hay mất cảnh giác, lơ là với “giặc lửa” mà tinh thần luôn sẵn sàng, đặt nhiệm vụ lên trên hết. Những chuyện phiếm thường ngày được đổi bằng chủ đề liên quan tới việc giữ rừng: ngày nào trực, phân trạm chốt ở đâu, trực với ai...

Ðến mùa hạn, chủ rừng, dân sống trong lâm phần thay phiên nhau lên chòi canh lửa, giữ rừng.

Xã Nguyễn Phích (huyện U Minh) có diện tích rừng tương đối lớn, hơn 3.700 ha, trong đó phần lớn tập trung ở Ấp 15, 16 và một phần Khu 26B - Ấp 20. Ðầu tháng 10-2020, việc đắp các đập, đóng cống, trữ nước trên lâm phần được thực hiện ráo riết.

Anh Nguyễn Văn Yên, kiểm lâm phụ trách địa bàn xã Nguyễn Phích, cho biết: “Mùa khô năm nay tương đối, không gay gắt nhưng mỗi anh em, chủ rừng không vì thế mà chủ quan, xem nhẹ. Hiện nay, trên địa bàn xuất hiện những cơn mưa trái mùa nặng hạt. Ðối với công tác phòng cháy chữa cháy cũng là thách thức lớn, khi nước mưa rửa trôi lớp phèn trên thảm thực vật, dễ dẫn đến nguy cơ cháy cao hơn. Mặt khác, ngay từ đầu mùa khô, chúng tôi đã đắp đập giữ nước, do đó ở những đường mương, kênh dành cho phương tiện chữa cháy lưu thông vẫn duy trì ở mức 1,5-1,7 m”.

Cùng đó, xã thành lập 2 tổ máy túc trực 24/24, đóng ở nhà dân tại Ấp 15 và Ấp 20, cùng các chủ rừng, người dân địa phương giữ cho rừng an toàn qua mùa khô hạn.

Thành viên tổ máy được lựa chọn từ nhiều nguồn, bình thường họ là kiểm lâm, cán bộ xã, công an, dân quân tự vệ, trưởng ấp... Khi bước vào mùa khô, với vai trò là thành viên của tổ máy, họ lại vào cuộc canh giữ rừng.

Anh Lý Hồng Duẫn, công chức Khoa học - Giao thông - Lâm nghiệp xã Nguyễn Phích, tổ viên tổ máy, cho biết: “Công việc tổ máy khá đơn giản, nhưng đảm bảo phải túc trực 24/24. Mỗi tuần chúng tôi sẽ kiểm tra, vận hành các trang thiết bị. Những loại máy móc này luôn được bố trí sẵn sàng trên vỏ, trên các phương tiện di chuyển, đề phòng trường hợp khẩn cấp. Ngoài ra, hàng ngày, thành viên tổ máy còn luân phiên tuần tra rừng bằng đường thuỷ lẫn đường bộ. Trong quá trình tuần tra, đem theo dụng cụ phát quang, xử lý, dọn dẹp những tán rừng khô, các chướng ngại vật, tạo đường thông thoáng cho lực lượng, động cơ tiếp cận đám cháy khi xảy ra sự cố”.

Lực lượng tổ máy xuyên rừng tuần tra.

“Bí kíp” giữ rừng

Không chỉ lực lượng quản lý rừng tăng cường giữ rừng, mà đây còn là nhiệm vụ của những chủ rừng, hộ dân sinh sống trong lâm phần, kể từ khi được giao khoán đất. Việc thực hiện phân lô giao đất rừng cho người dân quản lý, khai thác nguồn lợi không chỉ giảm nguy cơ tàn phá rừng nguyên sinh mà còn thúc đẩy tái sản xuất, trồng rừng phủ trọc. Người dân có điều kiện phát triển kinh tế, ý thức bảo vệ tài sản gắn liền với bảo vệ rừng từng bước được nâng lên, góp phần thực hiện công tác phòng, chống cháy rừng thêm hiệu quả.

Những ngày này, ở cương vị Trưởng Ấp 15, xã Nguyễn Phích, kiêm thành viên tổ máy, kiêm thành viên tổ chống cháy, ông Nguyễn Thành Công chẳng lúc nào ngơi việc, bởi phải cùng dân vào cuộc giữ rừng.

Theo đó, vào đầu mùa khô, ông Công rà soát, lập danh sách các hộ sinh sống trong lâm phần phân công trực chòi canh, xong thì đi đến từng hộ vận động, thông báo, nhắc nhở luân phiên lịch trực. Tới ngày trực lại đến từng chòi canh kiểm tra báo cáo tình hình, sĩ số về tổ máy... Công việc nhìn chung khá đơn giản nhưng bắt buộc phải có tính tự giác, trách nhiệm cao, đồng nghĩa khi mùa khô đến thì ông không được đi đâu khỏi địa phương, gác lại công việc riêng để phục vụ việc chung.

Ông Công cho biết: “Bước vào mùa khô, mình tuyên truyền cho bà con hiểu, cảnh giác những việc làm có thể gây cháy rừng: đốt đất ven rừng, đốt đất nông nghiệp, hầm than, ăn ong... để cùng thực hiện. Ngoài ra, mỗi hộ nên tự túc những phương tiện chữa cháy nhỏ lưu động để khi có sự cố xảy ra thì đây cũng là lực lượng chữa cháy, mặt khác có thể trưng dụng các dụng cụ để hỗ trợ dập lửa khi cần thiết”.

Anh Trần Quốc Pho, 27 tuổi, Ấp 16, xã Nguyễn Phích, cho biết: “Công việc hàng ngày của người dân ở đây chủ yếu gắn liền với cây rừng.  Thường thì trồng tràm hay keo lai phải 6 năm mới bắt đầu khai thác nên trong thời gian đó tôi đi làm thuê, như vác cây, đốn cây cho các chủ vựa tràm để kiếm thêm thu nhập”.

Nói về chuyện trực rừng, như thói quen hàng năm, anh Pho kể: “15, 16 tuổi tôi bắt đầu đi trực rừng, con nít ở đây hễ lội rừng được là bắt đầu đi trực rừng. Trực rừng là trực 3 tháng mùa hạn, chừng nào mưa xuống mới nghỉ, còn nắng là còn trực xoay vòng. Tới hộ ai thì người đó trực, thời gian từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều. Leo lên chòi canh quan sát, nếu phát hiện những đám khói, cháy thì xác định vị trí rồi báo về cho tổ máy. Có khi say nắng thì leo xuống kiếm chỗ bóng mát ngồi nghỉ 5, 10 phút rồi leo lên tiếp, không bỏ được. Dù cực nhưng phải cố gắng, vì đây là bổn phận, trách nhiệm, ai cũng như mình”.

Cũng là hộ được phân công trực rừng mùa hạn, chưa tới ngày trực nhưng mấy ngày này ông Phạm Văn Kiến (62 tuổi, Ấp 15) lân la quanh các chòi canh để quan sát tình hình. Với bổn phận là người hưởng lợi từ rừng, ông Kiến nghiệm ra: “Trực rừng không có gì vui, nhưng nếu rừng có sự cố, xảy ra cháy rừng thì buồn lắm. Trực rừng nói đơn giản vậy mà căng thẳng lắm, phải quan sát bao quát, chủ yếu bằng mắt thường thôi, nên tới lượt trực là phải ngủ sớm để giữ trạng thái tỉnh táo nhất. Rừng là tài sản chung, bảo vệ rừng đồng nghĩa bảo vệ tài sản của chính mình, vừa có lợi cho Nhà nước mà cũng lợi cho mình”.

Bà Lưu Kim Em (61 tuổi, Ấp 16, xã Nguyễn Phích) bộc bạch: “Ðàn bà không đi trực rừng thì mình tiếp sức bằng cách ở nhà lo cơm nước, dọn dẹp khu mình ở cho thoáng. Mùa mưa tới thì chuẩn bị dụng cụ trữ nước, trữ càng nhiều nước càng tốt, ít nhiều thì lúc cần cũng có nước từ mọi phía, toàn lực dập lửa”.

Không quân phục, thế nhưng những người dân sống trong lâm phần bằng cách góp công, góp sức trữ nguồn nước, mỗi ngày đi thêm vài bước chân xung quanh các tuyến đường ven rừng. Hay chỉ đơn giản là trực chòi canh khi tới lượt, góp phần không nhỏ trong việc giữ an ninh, giữ màu xanh cho rừng. Ðó cũng là cách để phát huy sức mạnh tập thể trong việc giữ gìn nguồn tài nguyên vô tận dưới tán rừng.

Theo YẾN NHI (Báo Cà Mau)