Cần Thơ đang nỗ lực đầu tư hạ tầng kết nối vùng ÐBSCL. Ảnh: A.KHOA
Chuyển động từ các chính sách động lực
Trong định hướng phát triển TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025, tăng trưởng GRDP đạt mức 7,5-8%/năm, vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10-12,5%; giai đoạn 2026-2030, GRDP tăng 7-7,5%, vốn đầu tư toàn xã hội tăng 9-11,5%/năm. Ðến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt 6.200-6.800 USD/người/năm; đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt 9.400-11.000 USD/người/năm… Ðể đạt các mục tiêu này, thành phố cần nguồn lực đầu tư rất lớn. Vì vậy, các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ (Nghị quyết 59-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 45/2022/QH15…) đều xác định ưu tiên nguồn lực cho Cần Thơ đầu tư các công trình hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, thương mại để thúc đẩy kết nối vùng, tạo động lực cho sự phát triển của trung tâm vùng cũng như cả BÐSCL.
Mới đây, tại lễ công bố báo cáo kinh tế thường niên ÐBSCL năm 2022, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: “Thành phố đang đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng. Ðây còn là cơ sở để TP Cần Thơ phát huy vai trò trung tâm động lực phát triển vùng; đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế”. Theo ông Trần Việt Trường, Cần Thơ cũng đã có kế hoạch tập trung phát triển các hạ tầng cho ngành thương mại dịch vụ, kết nối với cả vùng ÐBSCL như Trung tâm Logistics hạng II, Trung tâm liên kết sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ÐBSCL, đô thị sân bay. Hệ thống logistics được xem là xương sống tạo nên năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp ÐBSCL, thành phố đang triển khai gấp rút hoàn thiện quy hoạch trung tâm logistics của vùng với quy mô 242ha, tạo điều kiện cho ngành nông nghiệp và chế biến nông thủy sản nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực cho các ngành sản xuất tăng trưởng mạnh. Thành phố đang khẩn tương hoàn thiện đề án Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ÐBSCL trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ðồng thời tập trung thực hiện Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ, nhanh chóng nạo vét luồng Ðịnh An, khơi thông vận tải biển, kêu gọi đầu tư vào thành phố sân bay, trung tâm logistics hàng không tại TP Cần Thơ.
Cùng với tập trung đầu tư cho các công trình hạ tầng kết nối, TP Cần Thơ còn chú trọng phát triển khoa học công nghệ, để đưa công nghệ trở thành động lực phát triển kinh tế, cải thiện khả năng cạnh tranh trên thị trường, nâng cao mức sống người dân trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay. Ðồng thời cải thiện môi trường kinh doanh nhằm nâng cao thứ hạng các chỉ số như cải cách hành chính, hiệu quả hành chính công, sự hài lòng của người dân, chỉ số PCI… Tuy nhiên, sự phát triển của TP Cần Thơ hiện vẫn chưa vượt qua các thách thức nội tại, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối chưa đồng bộ trong nội đô và kết nối liên vùng đã trở thành điểm nghẽn lớn cho sự phát triển của thành phố. Tới đây, nhiều công trình, dự án giao thông lớn được Trung ương giao các địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư cần nguồn lực rất lớn, nếu không huy động được nguồn lực đầu tư sẽ rất khó cho Cần Thơ. Bên cạnh đó, quy mô nền kinh tế thành phố vẫn chưa tương xứng vị trí trung tâm vùng, nguồn thu ngân sách chưa đủ lớn để tạo tác động lan tỏa vùng. Thành phố cần gỡ những điểm nghẽn lớn này để tạo động lực phát triển mới trong tương lai.
Tạo điểm hội tụ đồng bằng
Trong các định hướng phát triển của Trung ương, thì Cần Thơ là trung tâm, điểm hội tụ về kết nối giao thông, trung tâm thương mại, chế biến nông sản, công nghiệp công nghệ cao, trung tâm y tế vùng… Cụ thể, về phát triển đô thị sẽ phát triển Cần Thơ thành trung tâm đô thị vùng nam sông Hậu, đô thị đặc trưng sông nước. Về tổ chức không gian phát triển kinh tế nông nghiệp, Cần Thơ là trung tâm cấp vùng, tổng hợp đa chức năng: thương mại, đào tạo, R&D và chuyển giao công nghệ, sản phẩm cao cấp. Trung tâm logistics hạng II đặt tại cảng Cái Cui - Cần Thơ…
Hiện các chính sách của Trung ương tạo động lực cho sự phát triển của Cần Thơ và toàn vùng ÐBSCL đã có, nhưng vấn đề còn lại là các địa phương tận dụng tốt chính sách hay không. Nói về nâng cao chuỗi giá trị nông nghiệp ÐBSCL và vai trò là trung tâm chế biến nông sản vùng của Cần Thơ, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng, theo quy luật phát triển thì các địa phương phải dành nguồn lực đất đai cho phát triển hạ tầng, công nghiệp, thương mại… nên đất nông nghiệp sẽ giảm. Vì vậy, không thể chạy theo tư duy sản lượng đối với sự phát triển nông nghiệp của vùng ÐBSCL, mà cần dựa vào công nghệ để phát triển những mô hình nông nghiệp đa giá trị; tích hợp không gian sản xuất chồng nhiều giá trị với nhau. Nông nghiệp là nền tảng phát triển công nghiệp chế biến và thương mại dịch vụ. Và ngược lại sự phát triển của công nghiệp chế biến, thương mại dịch vụ sẽ giải quyết tốt bài toán đầu ra của sản phẩm nông nghiệp, tạo nên chuỗi giá trị bắt đầu từ nông nghiệp, kết thúc là thương mại dịch vụ và đoạn giữa là công nghiệp chế biến. Vậy nên, nhất thiết phải chuyển từ mục tiêu đơn giá trị sang đa giá trị và thay đổi tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp cần mang tính hệ thống, có cơ chế chính sách thúc đẩy sự chuyển hướng này dựa trên mô hình chuyển đổi phù hợp.
Theo ông Lê Minh Hoan, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập Văn phòng điều phối nông nghiệp, nông thôn tại TP Cần Thơ với mong muốn kết nối để tạo ra các chuỗi giá trị nông nghiệp bằng những mô hình thực tiễn ở các địa phương vùng ÐBSCL. Thực tế, những mô hình đa giá trị này đã xuất hiện ở các địa phương, nhưng còn rời rạc. Nếu thông qua Văn phòng điều phối này để kích hoạt được những điểm sáng còn đang rời rạc này sẽ tạo ra các giá trị mới cho nông nghiệp. Bộ cũng mong muốn thông qua Văn phòng điều phối để thu hút các ý tưởng phát triển của các chuyên gia, nhà khoa học nhìn về điểm nghẽn phát triển, sức sống của đồng bằng để có giải pháp vượt qua thách thức, tạo động lực phát triển lan tỏa.
Theo các chuyên gia, Cần Thơ đã được định vị là trung tâm vùng ÐBSCL thì nguồn lực đầu tư cho thành phố cần đủ lực để khơi thông sự phát triển. Ðồng thời thành phố cần tận dụng tốt các cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính, đầu tư để thu hút các nguồn lực đầu tư vào thành phố; đặc biệt là nguồn lực từ khối tư nhân, khối FDI. Các chuyên gia cũng cho rằng, mắt xích quan trọng để cải thiện tình trạng thu hút đầu tư cho Cần Thơ và cả vùng ÐBSCL chính là ưu tiên hàng đầu trong 10, thậm chí 20 năm tới là khẩn trương hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông. Chỉ khi giao thông thuận lợi, chi phí vận tải và logistics có tính cạnh tranh, đồng thời kết nối thuận lợi với các thị trường chính, cả trong nước và xuất khẩu, thì ÐBSCL mới có sức hút với các nhà đầu tư. Và vai trò trung tâm thương mại, logistics vùng của Cần Thơ mới được phát huy đúng mức; tạo sự gia tăng cơ hội việc làm và mức sống cho lao động; đồng thời còn duy trì được nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của vùng.
Theo GIA BẢO (Báo Cần Thơ)