Tập trung dự án đường bộ cao tốc, gỡ nút thắt hạ tầng vùng ĐBSCL

06/02/2023 - 10:01

Đến năm 2026, khu vực ĐBSCL sẽ có khoảng 554km đường cao tốc. Hiện, các bộ, ngành và các địa phương đang nỗ lực, quyết tâm cao, tập trung triển khai thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo tiến độ, tạo đột phá về hạ tầng giao thông vùng…

Hơn 94.000 tỉ đồng đầu tư cao tốc

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra khu tái định cư quận Cái Răng (Lô 16B) dự án Cần Thơ - Cà Mau, ở phường Tân Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1-9-2021, khu vực ĐBSCL được quy hoạch 6 tuyến cao tốc (3 tuyến trục dọc, 3 tuyến trục ngang) với tổng chiều dài khoảng 1.166km, quy mô từ 4-6 làn xe. Trong đó, 3 tuyến cao tốc trục dọc với tổng chiều dài 575km gồm: cao tốc Bắc - Nam phía đông dài 245km (Bến Lức - Trung Lương dài 40km, Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51km, cầu Mỹ Thuận 2 dài 7km, Mỹ Thuận - Cần Thơ dài 23km, cầu Cần Thơ 2 và đường dẫn 2 đầu cầu dài 15km, đoạn Cần Thơ - Cà Mau dài 109km); cao tốc Bắc - Nam phía Tây dài 180km (đoạn Đức Hòa - Thạnh Hóa dài 33km, Thạnh Hóa - Tân Thạnh dài 16km, Tân Thạnh - Mỹ An dài 25km, Mỹ An - Cao Lãnh dài 26km, Cao Lãnh - Lộ Tẻ dài 29km, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi dài 51km); cao tốc TP Hồ Chí Minh - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng dài 150km. Ba tuyến cao tốc trục ngang với chiều dài khoảng 591km gồm: cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 191km; cao tốc Hà Tiên (Kiên Giang) - Rạch Giá - Bạc Liêu dài 212km và cao tốc Hồng Ngự (Đồng Tháp) - Trà Vinh dài 188km.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Duy Lâm cho biết: Đến thời điểm hiện nay, ĐBSCL đã hoàn thành và đưa vào khai thác theo quy mô giai đoạn 1 (4 làn xe) với tổng chiều dài 171km cao tốc, gồm: đoạn Bến Lức - Trung Lương dài 40km; Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51km; Cao Lãnh - Lộ Tẻ dài 29km; Lộ Tẻ - Rạch Sỏi dài 51km. Trong đó đoạn Cao Lãnh - Lộ Tẻ hiện tổ chức giao thông hỗn hợp, đoạn Lộ Tẻ - Rạch Sỏi sử dụng mặt đường láng nhựa để chờ lún; các tuyến này Bộ GTVT đang tiếp tục đầu tư để khai thác theo quy mô cao tốc. Còn 8 dự án đang thực hiện thi công và hoàn thiện các thủ tục đầu tư để triển khai bảo đảm cơ bản hoàn thành trong kỳ trung hạn giai đoạn 2021-2025, đưa vào khai thác toàn bộ các dự án trong năm 2026 với tổng chiều dài 463km, tổng mức đầu tư khoảng 94.400 tỉ đồng. Như vậy, đến năm 2026, khu vực ĐBSCL sẽ có khoảng 554km đường cao tốc, các tuyến cao tốc còn lại sẽ được đầu tư trong giai đoạn 2026-2030.

Ưu tiên các dự án cao tốc

Mới đây, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành, địa phương về tiến độ triển khai thực hiện các dự án đường bộ cao tốc vùng ĐBSCL. Theo ý kiến tại cuộc họp, 2 vấn đề khó khăn của các dự án cao tốc trong khu vực là nguyên vật liệu đắp nền đường và công tác giải phóng mặt bằng.

Theo Bộ GTVT, vật liệu đá, đất đắp lề cơ bản đủ trữ lượng, chất lượng, công suất khai thác đáp ứng nhu cầu các dự án. Tuy nhiên, nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường của các dự án giai đoạn 2021-2025 là rất lớn, khoảng 47,81 triệu m3. Các địa phương đã có kế hoạch bố trí đủ nguồn vật liệu đắp nền đối với các dự án do địa phương là cơ quan chủ quản. Riêng dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Cà Mau, tổng nhu cầu cát đắp nền khoảng 18,5 triệu m3, hiện mới có tỉnh An Giang dự kiến cung cấp khoảng 1,1 triệu m3 cát từ nguồn tăng 50% công suất các mỏ đang khai thác. Với tổng công suất khai thác hiện nay của 24 mỏ trong khu vực (An Giang 5 mỏ, Đồng Tháp 14 mỏ, Vĩnh Long 5 mỏ) khoảng 6,17 triệu m3/năm, nếu tăng công suất khai thác các mỏ thêm 50% trong 2 năm và dành 100% phần tăng thêm thì vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của dự án.

Để giải quyết việc đắp nền, theo Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, Bộ GTVT và Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã nghiên cứu triển khai thử nghiệm cát biển sử dụng cho các dự án hạ tầng giao thông khu vực, dự kiến sẽ có kết quả đánh giá vào cuối năm nay. Do đó, nguồn cát san lấp cho các dự án trong 2 năm tới vẫn là cát sông. Vật liệu san lấp để làm cao tốc phải là vấn đề của cả đồng bằng chứ không của riêng địa phương nào. 2 Bộ đã làm việc và đề nghị các địa phương rà soát, nâng công suất các mỏ đã cấp phép khai thác, rà soát các khu vực chưa cấp phép để bổ sung nguồn vật liệu cát, cung cấp phục vụ thi công.

Công tác giải phóng mặt bằng dự án cao tốc vẫn còn những khó khăn, vướng mắc như một số hộ dân chưa thống nhất với phương án bồi thường, di dời hạ tầng kỹ thuật vướng thủ tục phức tạp... Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm, đối với dự án Cần Thơ - Cà Mau, Bộ đề nghị các địa phương khẩn trương chỉ đạo các đơn vị liên quan giải quyết các vướng mắc, ưu tiên bàn giao mặt bằng tại các vị trí tiếp cận công trường đảm bảo đường tiếp cận cho máy, thiết bị thi công; đẩy nhanh tiến độ di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xây dựng khu tái định cư, đảm bảo bàn giao mặt bằng trong quý II-2023. Đối với các dự án thành phần thuộc cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng bám sát tiến độ đã lập để thực hiện các công việc liên quan. Đảm bảo có thể bàn giao 70% diện tích mặt bằng các gói thầu khởi công trước ngày 30-6-2023 và cơ bản bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31-12-2023…

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: ĐBSCL có 2 "nút thắt" phát triển về hạ tầng và nhân lực. Việc phát triển hạ tầng giao thông, trong đó có các tuyến cao tốc sẽ giúp vận chuyển hàng hóa, con người, giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa, nông sản, giúp người nông dân thoát nghèo và làm giàu; mở ra không gian phát triển mới, các khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ; tạo công ăn việc làm để người dân được học tập, làm việc theo tinh thần "ly nông bất ly hương". Từ tầm quan trọng như vậy, chúng ta không bàn lùi, không chần chừ, không do dự, phải làm bằng được, đạt kết quả cụ thể, cân đong đo đếm được. Bộ GTVT phối hợp với các cơ quan, địa phương thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư khẩn trương, chất lượng, khoa học, chặt chẽ, đúng quy định, sát thực tế. Chậm nhất phải hoàn thành trong 6 tháng đầu năm 2023 để khởi công đồng loạt các dự án còn lại. Các bên liên quan giải quyết nhanh các vướng mắc liên quan để tạo thuận lợi nhất cho nhà thầu tập trung nhân lực, phương tiện, tổ chức công việc khoa học, triển khai các dự án bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn lao động, vệ sinh môi trường, không đội vốn bất hợp lý, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Các địa phương cần chủ động khẩn trương xây dựng các dự án xây dựng các tuyến kết nối với các dự án cao tốc, trình cấp có thẩm quyền quyết định và nhanh chóng triển khai…  

Theo Báo Cần Thơ