Tết Chôl Chnăm Thmây - vẻ đẹp của sự hòa hợp văn hóa

11/04/2024 - 09:51

Chôl Chnăm Thmây - Tết cổ truyền của cộng đồng người Khmer tại Việt Nam đã trở thành nét đẹp của sự hòa hợp văn hóa các dân tộc sinh sống trên đất nước Việt Nam. Năm 2024, Tết Chôl Chnăm Thmây của dân tộc Khmer sẽ diễn ra từ ngày 13 - 16/4/2024 (dương lịch, nhằm ngày mùng 5 - 8/3 âm lịch).

A A

Các nghi lễ của Tết Chol Chnam Thmay chủ yếu diễn ra tại các ngôi chùa của đồng bào Khmer. (Nguồn: TT)

Đồng bào Khmer rộn ràng đón Tết Chôl Chnăm Thmây

Một năm, cộng đồng người Khmer sống tại Việt Nam đón hai cái Tết lớn: Tết Nguyên đán và Tết Chôl Chnăm Thmây. Nếu Tết Nguyên đán là sự hòa mình vào niềm vui chung đón năm mới của người dân cả nước thì Tết Chôl Chnăm Thmây cũng là tiễn năm cũ đi, đón năm mới đến theo quan niệm của người Khmer. Cũng như Tết Nguyên đán, đồng bào Khmer đón Chôl Chnăm Thmây lại tiếp tục sửa sang, quét tước, trang trí nhà cửa sao cho khang trang, tinh tươm.

Năm 2024, Tết Chôl Chnăm Thmây của dân tộc Khmer sẽ diễn ra từ ngày 13 - 16/4/2024 (dương lịch, nhằm ngày mùng 5 - 8/3 âm lịch). Theo lịch chung, ngày 14/4 bắt đầu các lễ chính tại chùa. Khi ấy, người dân sẽ diện quần áo đẹp, bày mâm cỗ, lễ vật đến chùa để lễ Phật và làm các nghi thức cúng năm mới.

Ngày 15/4, các gia đình Khmer làm cơm dâng cúng dường các vị sư vào buổi sáng và trưa. Sau khi hoàn thành, bà con được các sư tặng lại thức ăn gọi là lộc và cùng nhau ăn tại chùa. Trong buổi chiều, ngày 15 sẽ diễn ra lễ đắp núi cát - một nghi lễ mang ý nghĩa tích phúc lành.

Ngày 16/4, lễ tắm tượng Phật, tắm sư sẽ được tiến hành, cũng là nghi lễ kết thúc những ngày Tết Chôl Chnăm Thmây.

Thời điểm này, không khí tết cổ truyền đã đến từng nhà của đồng bào Khmer sinh sống mọi nơi trên đất nước Việt Nam, đông đảo nhất là khu vực Nam Bộ, Tây Nam Bộ. Tại mọi phum sóc, người dân đang háo hức sửa soạn đón một cái Tết Chôl Chnăm Thmây vui tươi.

Điểm khác biệt của Tết Chôl Chnăm Thmây là các hoạt động chủ yếu diễn ra tại các ngôi chùa. Về phần người dân, ngoài việc chăm sóc nhà cửa, còn có mua sắm lễ vật chuẩn bị đem lên chùa, lễ vật sẽ bao gồm nhang đèn, hoa quả tươi ngon. Các nghệ nhân thì tập trung chỉnh sửa dàn nhạc ngũ âm, đội múa thì rộn ràng luyện tập các bài múa cổ truyền chờ đến dịp lễ sẽ biểu diễn tại chùa.

Trước Tết diễn ra, bà con rủ nhau đến chùa để cùng nhau quét tước, trang hoàng mọi khu vực trong chùa sao cho thật lung linh.

Tùy vào mỗi ngôi chùa, các nghi thức lễ, hội cũng sẽ có đôi chút biến tấu khác nhau. Như năm nay, tại chùa Khmer Hoa Sơn (Long Khánh, Đồng Nai), chương trình đón Tết là bà con đến chùa ở thời khắc đón giao thừa để thực hiện lễ cầu an, cầu siêu cho người đã khuất, thực hiện nghi thức tắm Phật, rải nước cho người dự lễ. Ngoài ra là chương trình văn nghệ truyền thống của đồng bào Khmer với biểu diễn nhạc ngũ âm, múa lâm thôn, các trò chơi dân gian...

Còn tại chùa Buôl Pres Phek (chùa Bốn Mặt) ấp Phước Thuận, xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Sóc Trăng), ngôi chùa nổi tiếng trong cộng đồng người Khmer, năm nay được trang hoàng thật lộng lẫy với cờ xí, cảnh quan nhằm thu hút bà con đến tham quan. Ngoài các hoạt động nghi lễ truyền thống, năm nay, Ban quản trị chùa phối hợp với xã tổ chức một số môn thể thao như bóng chuyền, kéo co, nhảy bao, đập bóng nước với sự tham gia của đông đảo người dân. Tương tự, nhiều ngôi chùa Khmer khác cũng có những chương trình riêng rất đặc sắc. Dịp này, hầu hết các chùa cũng tổ chức tặng quà cho người dân Khmer có hoàn cảnh khó khăn.

Nét đẹp Chôl Chnăm Thmây

Theo quan niệm của đồng bào dân tộc Khmer, Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây diễn ra vào thời điểm kết thúc mùa nắng chuẩn bị bước sang mùa mưa. Đây là thời điểm trời đất giao hòa, muôn cây xanh tốt, đâm chồi nảy lộc. Cái Tết biểu trưng cho lời cầu nguyện khởi đầu cho một năm mới, mùa màng mới tươi đẹp, bắt đầu một cuộc sống ấm no, sung túc, hạnh phúc.

Tết Chôl Chnăm Thmây là quan niệm của người Khmer về chu kỳ vận chuyển của năm, cũng là dịp để mỗi người dân trong cộng đồng hiểu hơn về truyền thống cha ông, dịp thể hiện tấm lòng hiếu thảo, thành kính với tổ tiên, sự đoàn kết, gắn bó, yêu thương nhau trong cộng đồng, “lá lành đùm lá rách”. Điều đặc biệt là mỗi dịp Tết Chôl Chnăm Thmây, niềm vui không chỉ gói gọn ở cộng đồng người Khmer mà người dân khu vực có cộng đồng người Khmer sinh sống cũng sẽ “vui lây”, được cùng ăn Tết, được mời sang nhà chơi, đến chùa cùng tham gia lễ hội...

Năm nào cũng thế, cứ Tết Chôl Chnăm Thmây, chính quyền và các sở, ban, ngành tại các tỉnh có đồng bào Khmer sinh sống sẽ tổ chức các đoàn đi thăm hỏi, tặng quà các điểm chùa, salatel (nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng), ban quản trị, ban hoằng pháp, các vị sư, sãi, achar (người có uy tín, người quan trọng), hộ nghèo, hộ cận nghèo, cán bộ hưu trí, gia đình chính sách, thương binh, liệt sĩ, người có công, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang là người dân tộc Khmer; các điểm có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống…

Theo số liệu của Uỷ ban Dân tộc, đồng bào Khmer có trên 1,3 triệu người, chiếm 4,45% tổng dân số khu vực Nam Bộ. Đồng bào Khmer sinh sống thành cộng đồng, đan xen với các dân tộc Kinh, Hoa và một số dân tộc khác, tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ. Cũng như Tết Nguyên đán của người Việt, Tết Nguyên tiêu của người Hoa, Tết Chôl Chnăm Thmây là một lễ hội cổ truyền của người Khmer, nhưng cũng là lễ hội chung vui của cộng đồng các dân tộc khác sinh sống cùng một mảnh đất. Mỗi một dịp lễ, Tết như thế, chính là dịp để đồng bào các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa,… thắt chặt tinh thần đoàn kết, cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng giàu, mạnh.

Theo NGỌC MAI (Pháp luật Việt Nam)