... Như sống lại hồn Cao Văn Lầu
Người yêu mến nghệ thuật ĐCTT, cải lương ở Nam bộ hẳn là ai cũng biết bản Dạ cổ hoài lang và nhạc sĩ Cao Văn Lầu - người gắn liền với nghệ thuật ĐCTT Nam bộ. Nhắc đến nhạc sĩ Cao Văn Lầu, mọi người thường nhớ đến Bạc Liêu - nơi ông sinh sống gần trọn cuộc đời và có nhiều hoạt động nghệ thuật nổi bật. Tuy nhiên, ít người biết rằng, nhạc sĩ được sinh ra tại huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Nhạc sĩ Cao Văn Lầu sinh ngày 22/12/1892 ở xóm Cây Cui, thôn Thuận Lễ, tổng Thạnh Hội Hạ, huyện Tân Thạnh, phủ Tân An (nay là xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành).
Tượng đài nhạc sĩ Cao Văn Lầu
Thuở nhỏ, do hoàn cảnh khó khăn, gia đình ông trôi dạt nhiều nơi trước khi dừng chân tại Bạc Liêu. Với sự hướng dẫn những bước đi đầu tiên của nhạc sĩ cổ nhạc Lê Tài Khị, tài năng của một người nhạc sĩ lớn trong ông đã được phát triển. Nhờ có tư chất thông minh, siêng năng, ông nhanh chóng sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ và không lâu sau trở thành nhạc sĩ nÖng cốt trong ban cổ nhạc của thầy.
Năm 21 tuổi, Cao Văn Lầu lấy cô vợ hiền dịu, nết na là Trần Thị Tấn nhưng 3 năm chung sống mà vẫn chưa thể sinh con. Theo tục xưa, cha mẹ buộc ông phải trả vợ về nhà cha mẹ đẻ. Ông Cao Văn Lầu dù rất thương vợ nhưng vì chữ hiếu đành phải ngậm ngùi chịu “rẽ thúy chia loan” với người bạn đời. Bản Dạ cổ hoài lang ra đời trong những buổi đầu vợ chồng chia ly. Đây là tác phẩm có nhiều ảnh hưởng đối với âm nhạc và nghệ thuật Việt Nam, gắn liền với sự ra đời và phát triển của dÖng nghệ thuật sân khấu cải lương.
Từ bản Dạ cổ hoài lang, để rồi nghệ thuật ĐCTT Nam bộ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2012”, được UNESCO vinh danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” vào tháng 12/2013. Đây là minh chứng rõ nhất về giá trị của loại hình âm nhạc này cũng như công lao của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã cống hiến, đóng góp cho nền âm nhạc dân tộc Việt Nam.
Khu mộ của gia đình cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu
Khu lưu niệm Nghệ thuật ĐCTT Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu thuộc phường 2, TP.Bạc Liêu. Được biết, khu lưu niệm trước đây là khu mộ của gia đình nhạc sĩ, sau được tu bổ và xây dựng thêm các công trình nhằm tổ chức các sự kiện quan trọng; đồng thời, làm nơi tiếp đón du khách phương xa. Với tổng diện tích hơn 12.500m2, khu lưu niệm được xem là điểm du lịch thú vị của Bạc Liêu, nơi khẳng định vị thế của bản Dạ cổ hoài lang và tôn vinh tài hoa của nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Đây là nơi lưu giữ những hình ảnh, hiện vật về ĐCTT Nam bộ nói chung và cuộc đời, sự nghiệp của nhạc sĩ Cao Văn Lầu nói riêng. Đến năm 2014, khu lưu niệm được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Khúc ân tình nối hành trình du lịch
Trong bối cảnh Việt Nam luôn coi trọng, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là những di sản văn hóa để xây dựng thành sản phẩm du lịch, vừa giúp quảng bá văn hóa, vừa góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của di sản thì một nhạc phẩm “sống mãi trong lÖng người Việt khắp năm châu” như Dạ cổ hoài lang (lời của cố GS.TS Trần Văn Khê) sẽ làm nên chuyện! Không dừng lại ở sự trân trọng, tôn vinh mà đối với Bạc Liêu, Dạ cổ hoài lang còn là một nguồn lực “vàng” khi tỉnh đang tận dụng các giá trị, di sản văn hóa bản địa phục vụ đường hướng phát triển du lịch. Khu tưởng niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu bao gồm nhiều công trình như khu mộ nhạc sĩ Cao Văn Lầu cùng những người thân, tượng bán thân nhạc sĩ Cao Văn Lầu, khu trưng bày hình ảnh, hiện vật của các ông tổ trong nền cải lương Nam bộ, khu vực biểu tượng cây đờn kìm, sân khấu ngoài trời,...
Khi vừa đi qua cổng chính, du khách sẽ bắt gặp tượng đài ống tre hiện ra sừng sững nằm ngay chính giữa khu lưu niệm, phía sau đài phun nước. Tượng đài này chính là chiếc đờn kìm - biểu tượng của ĐCTT Nam bộ - gắn liền với hình ảnh nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Đờn kìm được cách điệu từ đốt tre, phần đờn kìm được đục lõm tạo sự huyền bí, thiêng liêng, gợi lên sự hoài niệm và tưởng nhớ về những người đã khuất. Đây cũng là nơi du khách thắp hương tưởng niệm.
Tượng đài là chiếc đờn kìm - biểu tượng của đờn ca tài tử Nam bộ
Dẫn lên đài tre là lan can cầu thang bằng đá xanh Thanh Hóa được khắc họa hình dáng rồng hướng lên theo bậc thang kết hợp với vân mây tạo nên sự sinh động, hài hòa. Đằng sau biểu tượng chiếc đờn kìm là tượng đài nhạc sĩ Cao Văn Lầu với nhạc phẩm Dạ cổ hoài lang được khắc ngay phía sau. Kế đến là khu công viên với biểu tượng các loại nhạc cụ trong nghệ thuật ĐCTT Nam bộ như sáo, đờn cò, đờn tranh, đờn bầu, guitar phím lõm,... Điểm khác biệt của "vườn" nhạc cụ này là các nhạc cụ hoàn toàn được tạc bằng đá xanh, nhìn rất vững chắc và có hồn.
Nếu muốn chiêm ngưỡng những tư liệu quý về nghệ thuật ĐCTT hay ngắm nhìn hình ảnh của các nghệ sĩ, nghệ nhân cải lương tiêu biểu của Bạc Liêu thì khu trưng bày là nơi hứa hẹn sẽ làm hài lòng du khách. Tại đây, phục trang sân khấu của nhiều nghệ sĩ cải lương nổi tiếng, những cảnh phục dựng ĐCTT bằng sáp hay những nhạc cụ cổ của các nghệ nhân đều có mặt. Cùng với nhiều hạng mục kể trên, một trong những nơi tại khu lưu niệm cố nhạc sĩ không thể không nhắc đến chính là khu mộ của gia đình cố nhạc sĩ. Khu mộ là nơi nằm cạnh nhau của thân sinh, thân mẫu và người vợ đoan trang của cố nhạc sĩ. Đến viếng ngôi mộ, điệu nhạc nhẹ buồn, không gian như làm cho người ta thấy yêu và khâm phục hơn trước tài đức của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu.
Vượt qua bao thăng trầm của cuộc sống, nhiều biến cố lịch sử, bản nhạc vẫn sống trong lòng cuộc đời. Trong chuyến du lịch miền Tây, nếu có dịp dừng chân trên mảnh đất Bạc Liêu, du khách đừng quên dành thời gian thăm Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu để nghe những câu chuyện về sự ra đời của bản Dạ cổ hoài lang./.
Theo Báo Long An