Thêm yêu đất và người châu thổ Cửu Long

20/07/2021 - 16:15

Đồng bằng sông Cửu Long hay miền Tây Nam Bộ là đồng bằng lớn nhất khu vực Đông Nam Á, là vựa lúa của cả nước. Nơi đây đất đai màu mỡ, sông ngòi dày đặc, khí hậu mát mẻ tạo nên những đồng lúa bát ngát và những vườn cây bốn mùa hoa trái; vùng biển, đảo rộng lớn với nhiều sản vật phong phú, không ít đảo còn lưu giữ nét hoang sơ mời gọi du khách thập phương đến hòa mình vào thiên nhiên.

A A

Hơn 300 năm hình thành và phát triển kể từ khi các bậc tiền nhân xuôi về phương Nam mở cõi, người dân đồng bằng vẫn giữ vẹn nguyên nét phóng khoáng, hào hoa/hào sảng dẫu đời sống chưa hết khó khăn. Ấy là nhờ những chiều kích văn hóa thấm đẫm vào máu thịt, vào hơi thở từ thuở lọt lòng, để rồi trở thành cốt cách đặc trưng của đất và người miền châu thổ Cửu Long.

Bìa cuốn sách "Ngang dọc đồng bằng"

Đã có không ít sách viết về miền Tây Nam Bộ, nhưng ký sự nhiều tác giả “Ngang dọc đồng bằng” (NXB Quân đội nhân dân, năm 2021) thể hiện ở một khía cạnh khác. Với 27 ký sự trong một cuốn sách gần 200 trang, dĩ nhiên không thể nói hết những gam màu đặc trưng của đất và người nơi đây mà chỉ là đôi nét chấm phá. Song, sẽ rất thú vị khi được khám phá những đầm hồ, láng lung, bưng bàu... dọc ngang đồng bằng. Những địa danh, tên gọi như: Búng Bình Thiên, Láng Sen, Tràm Chim, lung Ngọc Hoàng, lung Cột Cầu, đầm Đông Hồ, đầm Thị Tường, rừng ngập ngọt, dòng nước thiêng... thôi thúc ta tìm về một chuyến để hiểu hơn tầm quan trọng của những vùng đất ngập nước trong đời sống và tâm thức của cư dân Nam Bộ-nơi hội tụ và thăng hoa các giá trị văn hóa đặc sắc; nơi giữ gìn mạch nguồn tự nhiên trước bao thử thách của biến đổi khí hậu. Đến miền láng lung còn lưu dấu tiền nhân sẽ cảm nhận về cuộc sống chìm nổi nhưng đầy lạc quan của người phương Nam, để sau đó muốn trở lại lần nữa!

Đó là hành trình đi dọc đường biên-nơi chỉ sau hai năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, tập đoàn phản động Pol Pot-Ieng Sary tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược, phản bội tình đoàn kết chiến đấu Việt Nam-Campuchia. Hành động ngang nhiên xâm chiếm lãnh thổ cùng với tội ác dã man của chúng buộc quân và dân ta phải cầm súng đánh trả, đuổi chúng khỏi bờ cõi; đồng thời cứu giúp nhân dân chùa tháp thoát khỏi họa diệt chủng và xây dựng quê hương. Hơn 40 năm trôi qua, trên vùng chiến địa đẫm máu năm xưa như Tân Hộ Cơ, Ba Chúc, Nhơn Hưng, Hà Tiên đã thay da đổi thịt. Và những người lính trẻ ở đảo Phú Quốc, Thổ Chu luôn lạc quan như câu vọng cổ: “Cuộc sống ở đây còn nhiều vất vả, nhưng lính vẫn vui, vẫn ca hát yêu đời/ Những đêm trăng lên, những đêm thật tuyệt vời/ Người lính đảo tuần tra quanh đất đảo không cho kẻ thù nuôi tham vọng cuồng điên...”.

Đó là vùng biển bao la khoảng 150 đảo lớn nhỏ. Từ Hòn Khoai như ngọc nhỏ phương Nam, tình quân dân trên đảo Hòn Chuối đến Hòn Tre mang hình dáng con rùa, Hòn Sơn kỳ bí với nhiều câu chuyện liêu trai, vẻ đẹp tiềm ẩn của Nam Du, Bà Lụa như tiểu Hạ Long, điểm sáng giữa trùng dương Hòn Nghệ, Hải Tặc bình yên và khởi sắc... Theo chiều dài lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm, những đảo ấy đã chứng kiến nhiều chiến công của cư dân Việt chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc và toàn vẹn lãnh thổ. Giờ đây, biển, đảo giữ vai trò chiến lược trong phát triển kinh tế với nhiều nguồn lợi đa dạng sinh học, hải sản, năng lượng, du lịch... góp phần thay đổi diện mạo quê hương.

Mỗi câu chuyện trong “Ngang dọc đồng bằng” được các tác giả kỳ công phác thảo thành bức tranh sinh động, hấp dẫn, lôi kéo bạn đọc khám phá những trầm tích văn hóa, những vùng đất thấm máu bao người trong tang tóc và chia ly vì chiến tranh, cả hành trình khát vọng vươn lên không bao giờ ngưng tắt. Từ đó thêm yêu mến đất và người châu thổ Cửu Long-một phần máu thịt của non sông gấm vóc Việt Nam.

Theo Nhà văn HỒ KIÊN GIANG (Quân đội nhân dân)