Thổ Châu vươn mình giữa biển Tây

01/02/2023 - 15:59

Thổ Châu là xã đảo xa xôi nhất nằm trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc. Xã Thổ Châu, thuộc TP. Phú Quốc (Kiên Giang), từ một đơn vị hành chính chỉ có vài gia đình sinh sống, đến nay Thổ Châu đã có gần 550 hộ dân.

A A

Quần đảo Thổ Chu có tổng diện tích gần 14km² với 8 hòn đảo, trong đó Thổ Chu là đảo lớn nhất, diện tích hơn 10km², còn lại là các hòn Đứng, hòn Nhạn, hòn Keo Ngựa, hòn Khô, hòn Từ, hòn Cao Cát và hòn Mô.

Tính từ đảo lớn Thổ Chu - nơi đặt trung tâm hành chính xã đảo Thổ Châu, đến vị trí tây nam đảo Phú Quốc xa hơn 100km và cách TP. Rạch Giá 220km.

Thổ Chu nằm gần đường hải biên quốc tế Bangkok (Thái Lan), cảng Sihanoukville tọa lạc trong vịnh Kompong Som (Campuchia). Hòn Nhạn của quần đảo Thổ Chu được chọn làm điểm chuẩn A1 của đường cơ sở để xác định lãnh hải Việt Nam.

Đường giao thông trên xã đảo Thổ Châu được bêtông hóa.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thổ Châu Đỗ Văn Dừng cho biết: “Theo chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về xây dựng, phát triển vùng kinh tế mới, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, lúc đầu có 6 gia đình, khoảng 30 người ra đây lập nghiệp. Đến ngày 24/4/1993, xã Thổ Châu chính thức được thành lập theo Nghị định số 19/1993/NĐ-CP của Chính phủ. Đa số cư dân trên đảo là dân chài và cán bộ hành chính xã, cán bộ Vùng 5 Hải quân và biên phòng. Gần một năm sau, dân trên đảo tăng lên được 81 hộ, với 218 nhân khẩu”.

Từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” và đề án chọn xã Thổ Châu làm đảo Thanh niên của Trung ương Đoàn, xã nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ đầu tư phát triển của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương trong và ngoài tỉnh. Dân số của xã hiện có 1.900 người với 549 hộ dân.

Ngư nghiệp trở thành kinh tế mũi nhọn với 66 tàu công suất từ 8-24 CV; hoạt động thu mua, chế biến mực quy mô lớn với 850 tấn/năm, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại xã. Năm 2022, tổng sản lượng khai thác hải sản các loại 150 tấn; xã duy trì 46 hộ nuôi cá lồng bè trên biển với 52 bè, sản lượng đạt 50 tấn. 

Cuộc sống của người dân trên xã đảo ngày càng được quan tâm, các mạng điện thoại di động được phủ sóng tới đảo; đường quanh đảo được bêtông hóa. Xã đảo xây dựng trạm y tế, trường mẫu giáo khang trang, có điện 24/24 giờ/ngày; 100% hộ dân có phương tiện nghe, nhìn; tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 1,46%.

Từ 14 học sinh ban đầu, nay Thổ Châu có trên 300 học sinh ở ba cấp học (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở). Thế hệ trẻ sinh ra trong những năm mới thành lập xã, sau khi học hành cơ bản, có người quay về phục vụ địa phương.

Bên cạnh đó, cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân xã đảo phấn khởi trước Quyết định số 633/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Phú Quốc, trong đó định hướng cho xã Thổ Châu phát triển sinh thái rừng và biển.

Những năm gần đây, tàu đánh cá xa bờ các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bến Tre, Cà Mau... ra ở lại nhiều tháng đánh bắt trên vùng biển này. Xã Thổ Châu trở thành ngư trường đánh bắt bậc nhất, cũng là “căn cứ” hậu cần nghề cá quan trọng, tạo nên cá “chợ” nhộn nhịp ở giữa biển Tây.

Các dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển mạnh như đội tàu vận tải, mua hải sản tải trọng lớn, chở hàng hóa, lương thực, thực phẩm, nước ngọt, nước đá, dầu... từ đất liền ra đảo. Các công trình được quan tâm xây dựng mới như đường vòng quanh đảo, cảng cá, âu tàu… từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, mua bán, phát triển kinh tế trên xã đảo. 

Thời gian tới, xã Thổ Châu phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt, khai thác, đánh bắt hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá.

Xã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn làm tốt công tác trao đổi thông tin, giữ vững mối đoàn kết quân, dân; hỗ trợ, giúp nhau khắc phục phòng, chống thiên tai, phòng cháy, chữa cháy, đảm bảo vệ sinh môi trường, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, làm tốt công tác quản lý và bảo vệ rừng.

Tuy nhiên, đồng chí Đỗ Văn Dừng cho biết, hiện nay phương tiện tàu chạy tuyến Bãi Vòng - Thổ Châu và ngược lại, 5 ngày mới có chuyến. Nếu được lãnh đạo tỉnh quan tâm điều chỉnh rút ngắn thời gian từ 5 ngày/chuyến còn 3 ngày/chuyến là phù hợp với số lượng khách ra vào đảo cũng như phục vụ quân, dân xã đảo; đồng thời, thúc đẩy phát triển du lịch địa phương .

Theo PHƯƠNG ANH (Báo Kiên Giang)