
Nhà Thiếu nhi trong khu liên hợp
1. Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Tân Hưng, tỉnh Long An - Nguyễn Thanh Hải đưa chúng tôi đi dạo trên khu ngoại vi thị trấn Tân Hưng ở đầu đường Kênh 79. Hình ảnh ấn tượng đầu tiên là khu “đại công trường” xây dựng đang diễn ra rất sôi động với một bên là dự án khu đô thị mới (để mở rộng thị trấn Tân Hưng), một bên là dự án Khu liên hợp Văn hóa - Thể thao với tổng diện tích mặt bằng 5,6ha. Một tòa nhà màu xanh lam ấn tượng. Anh Thanh Hải nói, đó là Nhà Thiếu nhi huyện, được hoàn thành trước để cho các cháu đến vui chơi, giải trí và học tập. Tôi nghĩ, đúng là cái gì dành cho thiếu nhi cũng phải tốt và cần ưu tiên như lời Bác Hồ mong muốn. Toàn khu liên hợp có 4 cổng chào. Bên trong cổng là khu vui chơi, giải trí, khu dịch vụ ăn uống, khu hồ cảnh, bể bơi, khu hoa viên, quảng trường,... đang được thi công. Theo anh Hải, khối lượng đã thực hiện đến nay có giá trị hơn 34 tỉ đồng, cho thấy quy mô một công trình văn hóa - thể thao cho vùng bưng biền kháng chiến cũ thật xứng đáng biết bao!

Đường xanh trên cụm dân cư
2. Lên đường Kênh 79, tôi vừa chạy xe máy, vừa lướt mắt qua tuyến dân cư vượt lũ Gò Thuyền. Sau mấy năm bỏ trống vì không có người ở, nay bỗng sắc màu tươi mới. Có chỗ nhập 2-3 căn hộ thành một căn nhà rộng lớn, khang trang,...
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng - Phạm Thanh Hùng đưa chúng tôi đi thăm Nàng Tri (trong bộ “Nàng” của các giống lúa mùa nổi như Nàng Chồ, Nàng Rừng, Nàng Hây, Nàng Cai Đùm,...) mà bấy lâu tưởng chỉ còn trong “hoài niệm mùa xưa”, bỗng có Nàng Tri xuất hiện ở ấp Láng Sen, xã Vĩnh Đại (Tân Hưng), thật là một bất ngờ đầy thú vị!
Đến thăm Nàng Tri phải đi qua cụm dân cư vượt lũ trung tâm xã Vĩnh Đại bên đường Kênh 79 về Quốc lộ 62. Mới ngày nào, nơi đây còn như bức tranh phác thảo dở dang mà nay tất cả đều chỉn chu quá sức tưởng tượng của tôi! Từng căn hộ mang dáng dấp đô thị nối nhau trải dọc hai bên các lộ nhựa, lộ bêtông xanh bóng các loại cây hoa, cây ăn trái. Đẹp nhất là lộ cặp bờ kênh Ngang rợp bóng mít, dừa, nhà nào cũng có khuôn viên với hàng rào cây cảnh cắt tỉa tạo hình mỹ thuật khéo, rất bắt mắt.

Anh Thanh Hùng bên ruộng lúa Nàng Tri
3. Đây, lúa Nàng Tri! Đứng trên bờ kênh Ngang láng nhựa; dưới chân bờ là khu ruộng lúa Nàng Tri 6ha, tôi bắt chuyện với một lão nông. Ông cười hiền như đất Nam bộ: “Cứ kêu tui là Hai Dê. Đây là dây ruộng của tui”, vừa nói, Hai Dê vừa đưa tay ra phía ruộng lúa đang trổ đều, cho biết mình là nông dân cố cựu ấp Láng Sen ở bên kia kênh Ngang. Khi Láng Sen quy hoạch thành khu Ramsar, tỉnh cấp cho gia đình ông Hai Dê 6ha ở bên này kênh để gia đình ông di dời sang định cư, canh tác. “Đang “làm” lúa thơm ngắn ngày, năng suất bình quân
8 tấn/ha/vụ; mỗi năm làm 3 vụ ăn chắc, thì… “mấy ổng” kêu tui lên ký hợp đồng mần lúa mùa nổi Nàng Tri và hỗ trợ tiền, giống để mần. Lúa này một vụ kéo dài 6 tháng, năng suất mỗi hécta chỉ 2 tấn rưỡi đến 3 tấn là cùng. Dù sao tui cũng còn mấy tháng trong năm để mần vụ Đông Xuân với giống lúa thơm ngắn ngày, năng suất cao” - ông Hai Dê nói. Rồi lão nông gật gù: "Cái được ở đây là lúa sạch, do mình khỏi phải bón phân hay dùng thuốc bảo vệ thực vật gì hết. Cái được nữa là, toàn bộ diện tích lúa này tui đều đắp đê bao.
Mùa nước nổi, tui mở trổ cho các loại thủy sản ngoài thiên nhiên vào. Tới khi nước giựt, tui đóng trổ để các loại thủy sản sống ngoài thiên nhiên với lúa cho tới lúc mình thu hoạch lúa - cũng là lúc nước ruộng cạn, cá rút hết xuống ao”. Nhìn ra, đúng là ở giữa khu ruộng lúa lộ cái ao ngàn mét vuông mặt nước. Ông Hai Dê bảo: "Nếu bây giờ mà đem lưới ra ao kéo, bắt ít gì cũng được cả trăm ký cá lóc, cá trê, mỗi con cỡ nửa ký trở lên. Rồi còn nào cá rô mề, sặt bổi, tôm, tép, cua, ốc,... Không biết sao Nàng Tri hấp dẫn thủy sản trên đồng quá xá, mới lạ chớ! Khà khà...".
Ông Nguyễn Minh Công (Ba Công) - cán bộ hưu trí ở địa phương, góp chuyện: "Hồi trước, tôi từng làm 30-40ha lúa mùa nổi trong vùng kháng chiến. Lúa này chỉ rải giống xuống ruộng, khỏi chăm sóc gì hết, đợi 6 tháng sau là quay trở lại thu hoạch lúa và bắt cá, bắt tôm ăn Tết Cổ truyền. Sau tết, mình ra đốt đồng rồi bỏ đó. Mùa mưa tới, mình đem giống ra rải. Cây lúa nổi, nước dâng tới đâu, nó nổi lên tới đó. Nước nổi 5-6 mét, thân lúa dài 5-6 mét. Khi nước rút cạn, thân lúa nằm dài trên mặt ruộng, cất ngọn lên để trổ bông". Nghe ông Ba Công nói, bất giác tôi nhớ có sách viết: Ngày xưa, lưu dân về Đồng Tháp Mười che “nhà đá nhà đạp” ở, rồi chèo xuồng ra phát cỏ, chờ mưa tới là rải giống rồi bỏ đi đánh bắt cá tôm, săn chim, chuột về “ăn hoang dã” (nhà Nam bộ học Sơn Nam nói ăn hoang dã là không chế biến cầu kỳ. Cá, chim, chuột, rùa, rắn,... đem lên gò đất cao, chất rơm hoặc cành lá khô mà thui cho chín, rồi dùng tay bốc xé, chấm muối ăn ngon lành). Ngày nay, nhiều khách du lịch vẫn khoái trải nghiệm “ăn hoang dã” giữa trời mà cảm giác thú vị hơn ăn trong nhà hàng,...
Tôi hỏi Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng - Phạm Thanh Hùng và được biết ông Hai Dê làm lúa mùa nổi là do Ban Quản lý khu Ramsar Láng Sen hợp đồng, chủ yếu Nàng Tri phục vụ khách tham quan, du lịch. Tôi ngẫm, phải quá, vì nó là giống lúa ký ức Đồng Tháp Mười thời khẩn hoang, thời kháng chiến,... Bây giờ, các nhà khoa học dùng lúa ma (lúa trời) hay các giống lúa mùa nổi để lai tạo giống lúa mới có thể kháng rầy, chịu mặn,... nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chúng tôi ra về, vợ chồng ông Hai Dê còn níu giữ lại để dùng bữa ăn đạm bạc, đột xuất, chỉ toàn "cây nhà lá vườn". Nhìn bàn ăn toàn đặc sản miệt vườn Đồng Tháp Mười, tôi cười: Ở phố không dễ kiếm đâu! Nào cá lóc nướng trui cuốn rau sống chấm mắm me. Nào tép luộc, cua ram, cá trê chiên giòn, khô rắn, khô chuột,... “Khi nào thu hoạch Nàng Tri, tát ao, tui điện mời cả đoàn lên thưởng thức đặc sản Đồng Tháp Mười nhe!” - ông Hai Dê mời. Tôi cười với anh Thanh Hùng: “Lúc đó, mình nên “ăn hoang dã” để cảm thức thời khẩn hoang mới đã!"./.
Theo QUANG HẢO (Báo Long An)