Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long

08/06/2023 - 09:41

Trong buổi chiều 7/6, Quốc hội tiếp tục với các nội dung chất vấn và trả lời chất vấn liên quan đến lĩnh vực khoa học và công nghệ, giao thông vận tải. Đây cũng là những vấn đề mà cử tri Sóc Trăng quan tâm ngay từ khi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri trước khi kỳ họp Quốc hội diễn ra.

Dự án tuyến đường trục phát triển kinh tế từ thành phố Sóc Trăng qua cầu Dù Tho đến vùng kinh tế trọng điểm tôm - lúa tỉnh Sóc Trăng. Ảnh tư liệu: TTXVN phát

Trong số gần 1.000 lượt cử tri được tiếp xúc, có hơn 100 lượt cử tri đóng góp các ý kiến liên quan đến các lĩnh vực này, trong đó có ý kiến đề nghị quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, thực hiện các dự án giao thông trọng điểm tại Sóc Trăng, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trên địa bàn, nhất là áp dụng tiến bộ khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn…

Theo ông Nguyễn Thành Duy, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Sóc Trăng quan tâm đến nhu cầu nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, kết quả chuyển giao, ứng dụng các công trình nghiên cứu khoa học, những giải pháp phát triển trong thời gian tới. Những năm gần đây, hoạt động triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ tỉnh Sóc Trăng đạt được nhiều kết quả tích cực. Từ năm 2018 đến nay, tỉnh có 66 nhiệm vụ khoa học được triển khai; trong đó, 6 nhiệm vụ thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia; 60 nhiệm vụ cấp tỉnh. Lĩnh vực nghiên cứu chủ yếu là về khoa học nông nghiệp, chiếm 42,4%, lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ chiếm 30,3%, lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn chiếm 22,7%, còn lại là khoa học y dược chiếm 4,6%.

Các đề tài, dự án khoa học tđã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế địa phương. Điển hình như công trình: “Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa thơm Sóc Trăng ST24 và ST25 giai đoạn 2008 - 2016” đã được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ đợt 6 (năm 2019, 2020 được công nhận là giống lúa có gạo ngon nhất, nhì thế giới). Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Vĩnh Châu” cho sản phẩm hành tím và sản phẩm trứng bào xác Artemia Vĩnh Châu. Từ năm 2018 - 2022, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí cho 89 doanh nghiệp và đơn vị xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, công bố hợp chuẩn, hợp quy; tự công bố sản phẩm hàng hóa theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP. Sóc Trăng đã có 612 đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp có 321 giấy chứng nhận được cấp…

Cùng lĩnh vực này, Tiến sĩ Trần Tấn Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng cho rằng, hoạt động khoa học và công nghệ trong ngành nông nghiệp ở Sóc Trăng đã góp phần quan trọng trong định hướng mục tiêu phát triển nông nghiệp của tỉnh, với vai trò là nền tảng để phát triển bền vững kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Trong đó, đi đầu là Trung tâm Giống nông nghiệp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng đã thực hiện nhiều nhiệm vụ trong lĩnh vực giống cây trồng, giống vật nuôi (kể cả giống thủy sản); nghiên cứu khảo nghiệm, ứng dụng giống cây trồng, giống vật nuôi và vật tư nông nghiệp khác phục vụ ngành nông nghiệp cũng như cung ứng cho nông dân những giống lúa, giống cây trồng có chất lượng...

Ông đề nghị Quốc hội, Chính phủ có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức đầu tư cho khoa học và công nghệ, đầu tư cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao; tăng cường thực hiện chuỗi liên kết, trong đó ưu tiên vai trò của doanh nghiệp trong việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu, tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất; quản lý, khai thác tài sản trí tuệ và nâng cao năng suất chất lượng để làm tăng thêm giá trị thương mại của các sản phẩm được tạo ra.

Không khí chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực giao thông vận tải: Giải pháp hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, hạn chế tai nạn giao thông trong cả nước… rất sôi nổi, cho thấy sự quan tâm của các đại biểu.

Cử tri Sóc Trăng rất vui mừng khi được Nhà nước đầu tư nhiều dự án giao thông trọng điểm, trong đó có tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng mà Sóc Trăng có 58,4km cao tốc chạy qua sắp được khởi công (dự kiến vào ngày 17/6/2023 sắp tới). Địa bàn tỉnh còn có các dự án lớn đang được thực hiện như Dự án nâng cấp Quốc lộ 1 (đoạn Hậu Giang - Sóc Trăng) sắp hoàn thành, Dự án cầu Đại Ngãi, nối Sóc Trăng với tỉnh Trà Vinh đã được Chính phủ phê duyệt, tuyến đường Đông - Tây, vành đai do tỉnh thực hiện…

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu, Dự án thành phần 4 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 sau khi hoàn thành sẽ hình thành trục ngang trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long qua thành phố Cần Thơ, tỉnh An Giang, Hậu Giang và Sóc Trăng, kết nối các trục dọc, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, kết nối các trung tâm kinh tế trọng điểm, cửa khẩu và cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Tây Bắc - Đông Nam, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Bên cạnh đó, việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, còn nhằm giải quyết các vấn đề lưu thông hàng hóa, tiết kiệm được thời gian di chuyển cho các loại phương tiện. Đồng thời góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông, từng bước hoàn thiện quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Sóc Trăng trong trước mắt cũng như lâu dài, nhất là hệ thống giao thông phục vụ cảng biển Trần Đề, làm động lực để phát triển các khu công nghiệp mới, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng.

Là một trong số 1.800 hộ dân của tỉnh Sóc Trăng bị ảnh hưởng do tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (dự án thành phần 4) đi qua, cử tri Thạch Khanh, ở xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) cho biết: ông và bà con đa số là đồng bào Khmer nơi đây rất vui mừng khi được Nhà nước đầu tư tuyến cao tốc liên tỉnh. Mặc dù người dân bị ảnh hưởng nhiều ruộng đất, công trình vật kiến trúc phải di dời, nhưng vì mục đích quốc gia, họ sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân.

Theo cử tri Thạch Khanh, triển khai dự án cao tốc này, nhà nước làm tốt công tác tuyên truyền vận động, lại đền bù, hỗ trợ thỏa đáng nên người dân đồng thuận cao. Ông là người đi đầu trong thực hiện chủ trương của nhà nước, chấp nhận đền bù hỗ trợ giao mặt bằng. Ông vận động con cháu, bà con trong phum, sóc sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, hy vọng tuyến đường này sẽ sớm được triển khai, hoàn thành để quê hương phát triển nhanh hơn. Ông mong nhà nước tiếp tục đầu tư cho Sóc Trăng, cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhiều hơn nữa, không chỉ về giao thông mà các hạ tầng thiết yếu, giáo dục, khoa học công nghệ, chăm sóc sức khỏe... để đời sống người dân được nâng lên.

Theo TRUNG HIẾU (TTXVN)