Thưởng ngoạn Thiên Cấm Sơn

17/12/2019 - 09:40

 - Ở độ cao hơn 700m, núi Cấm được nhiều người ví như một Đà Lạt thu nhỏ ở khu vực miền Tây Nam Bộ. Ngoài những danh lam thắng cảnh “non nước hữu tình”, núi Cấm còn có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp với cỏ cây, hoa lá 4 mùa. Thiên Cấm Sơn từ lâu trở thành địa điểm du lịch sinh thái lẫn du lịch tâm linh lý tưởng, thu hút rất đông du khách đến thưởng ngoạn, chiêm bái.

Thưởng ngoạn Thiên Cấm Sơn

Hồ Thủy Liêm

Độc đáo “chợ mây núi Cấm”

Thưởng ngoạn Thiên Cấm Sơn

Vẽ đẹp núi rừng hùng vĩ

Từ chân núi Cấm, bạn có thể lựa chọn nhiều cách di chuyển lên đỉnh núi khác nhau. Mỗi cách đều có cái hay riêng của nó. Nếu đi bằng cáp treo, bạn có thể ngắm nhìn vẻ đẹp của núi rừng từ trên cao. Nếu muốn vận động, bạn có thể cùng bạn bè leo núi bằng con đường mòn mà khách hành hương thường hay leo. Khi leo núi, bạn sẽ có dịp thưởng ngoạn núi rừng, ghé suối Thanh Long hòa vào dòng nước mát lạnh và tìm hiểu về đời sống của người dân sống trên triền núi.

Ngoài ra, bạn cũng có thể đi xe khách lữ hành hoặc xe honda “ôm”. Đến đây, du khách được tận hưởng không khí trong lành, chiêm ngưỡng cảnh đẹp, thăm viếng các kiểng chùa, thưởng thức vị ngọt của trái cây miền núi và nhất là món bánh xèo với hàng chục loại rau rừng sạch.

Trên núi có một hồ chứa nước thiên nhiên, rất rộng và đẹp, gọi là hồ Thủy Liêm. Với khí lạnh từ hồ và đá núi tạo ra, nên nơi đây lúc nào cũng có khí hậu rất mát mẻ, dù thời tiết bất kể là mùa nào.

Đứng ở bất kỳ vị trí nào trên Thiên Cấm Sơn, chúng ta cũng đều thấy được tượng Phật Di Lặc, ngồi uy nghiêm và thanh thản giữa không gian xanh ngát. Bức tượng đạt độ thẩm mỹ cao về kiến trúc, hài hòa giữa không gian núi rừng với độ cao của tượng. Tượng Phật Di Lặc khổng lồ cùng chùa Vạn Linh và chùa Phật Lớn hợp thành 3 quần thể kiến trúc soi bóng xuống mặt hồ Thủy Liêm tạo thành bức tranh độc đáo.

Điện Bồ Hong được xem là đỉnh cao nhất của núi Thiên Cấm Sơn. Trên đỉnh Bồ Hong, lúc nào cũng có người đến viếng và tham quan. Từ đỉnh cao nhất nhìn ra xung quanh, hình ảnh những cánh đồng và những dãy núi trong Thất Sơn trải dài dường như vô tận.

“Vào những ngày sương hay nhiều mây, đặc biệt vào buổi sáng sớm, khi ánh bình minh vừa lên, mây mù, sương rơi nhiều, tạo cho chúng ta cảm giác như là chốn bồng lai tiên cảnh. Khung cảnh bóng chiều tà nơi đây còn đẹp hơn nữa, khiến lòng người đến đây sẽ cảm thấy thật thanh nhàn với thiên nhiên…” – bạn Hoàn Đức, một “phượt thủ” đã nhiều lần lên đỉnh núi Cấm chia sẻ.

Khám phá “đặc sản”

Dạo quanh hồ Thủy Liêm, chiêm bái chùa Vạn Linh, chùa Phật Lớn và các khu di tích nằm rải rác ở các vồ Thiên Tuế, vồ Đầu, vồ Bò Hong…, du khách quyết định tìm “thổ địa” đưa mình đi săn cua núi – một loại đặc sản vùng Bảy Núi và chỉ có nhiều nhất ở đỉnh núi Cấm. Hay tìm một quán ăn nào đó lý tưởng để thưởng thức bánh xèo. Món bánh xèo vùng Bảy Núi sở dĩ đặc biệt vì các món rau đi cùng đều là rau rừng thiên nhiên, mang lại hương vị rất lạ miệng. Còn nếu bạn là một người chỉ nghe qua nhưng chưa bao giờ thưởng thức món ăn nức tiếng này, bạn sẽ phải bất ngờ trước hương vị đặc biệt này.

Trên đỉnh núi Cấm, từng nhiều năm qua tồn tại một ngôi chợ “độc nhất vô nhị” ở miền Tây. Người dân vẫn quen gọi với cái tên dân dã là "chợ mây núi Cấm", đúng với đặc điểm của chợ. Chợ nhóm ngay trên mặt đường, cạnh bờ hồ Thủy Liêm, phía trước là chùa Vạn Linh và một dãy núi hùng vĩ. Người dân nơi đây bán buôn dưới đất, không có quầy, sạp cố định, bày bán đủ các loại từ gạo, muối, thịt, cá, khô, mắm cho đến trái cây, rau củ.

Chợ nhóm họp khá nhanh, chỉ chừng hơn một giờ đồng hồ là tan. Sau đó, bạn hàng chia nhau mỗi người một ngả, tiếp tục gánh hàng đi bán khắp nơi cho đến lúc xế bóng mới xuống núi quay về. Chị Neang Oanh có hơn 10 năm gắn liền với chợ này, cho biết: “Ở đây chủ yếu là bán cho người dân trên núi và khách du lịch, những người hành hương. Do phần lớn là rau, củ đặc sản miền núi, được bán với giá cả phải chăng nên được nhiều du khách lựa chọn. Tuy công việc có phần vất vả nhưng kiếm ra tiền để trang trải chi phí sinh hoạt gia đình và nuôi con ăn học”.

Núi Cấm tọa lạc tại xã An Hảo (Tịnh Biên), với độ cao khoảng 710m so với mực nước biển, còn gọi là Thiên Cấm Sơn. Đây là ngọn núi cao nhất của vùng Thất Sơn (hay còn gọi là Bảy Núi), một vùng sơn địa đặc thù độc đáo không chỉ của tỉnh An Giang, mà của cả vùng ĐBSCL.

KHÁNH MY