Tiềm năng sản xuất và ứng dụng than sinh học ở ÐBSCL

24/03/2023 - 14:51

Than sinh học (Biochar) được tạo ra từ các loại phế, phụ phẩm trong nông nghiệp. Tại ÐBSCL, nguồn nguyên liệu này rất dồi dào nhưng vẫn chưa được khai thác triệt để. Việc tận dụng phế, phụ phẩm nông nghiệp để tạo ra than sinh học sẽ góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến phát triển bền vững.

A A

Doanh nghiệp, hợp tác xã vùng ÐBSCL tham khảo mẫu than sinh học Công ty CP Tromso tại một hội thảo ở TP Cần Thơ.

ĐBSCL là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất Việt Nam, đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây của cả nước. Là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước, nên mỗi năm khu vực ÐBSCL đã phát sinh một lượng lớn phế phẩm như rơm, trấu, bả bùn mía... Khi quản lý không phù hợp sẽ gây ô nhiễm môi trường và lãng phí nguồn chất hữu cơ. Ðơn cử như rơm, những năm gần đây, rơm sau thu hoạch lúa được thu gom để làm thức ăn thô cho gia súc ăn cỏ, làm đệm lót sinh học cho vật nuôi, làm nấm rơm, phủ gốc cho cây trồng... Tuy nhiên, theo thống kê lượng thu gom rơm chỉ đạt hơn 50%. Hiện nay vẫn còn một số nơi, sau khi thu hoạch lúa xong, nông dân có thói quen đốt rơm rạ ngay tại ruộng vừa gây ô nhiễm môi trường, cản trở tầm nhìn người tham gia giao thông và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Bên cạnh đó, việc đốt phế phẩm này ngoài trời sẽ giải phóng vào khí quyển gây hiệu ứng nhà kính.

Theo ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, qua khảo sát trên địa bàn TP Cần Thơ, thu gom rơm rạ đạt khoảng 60% vào vụ đông xuân và khoảng 15-20% vào vụ thu đông. Trong khuôn khổ hợp tác giữa TP Cần Thơ và tỉnh Hiroshima (Nhật Bản), Sở phối hợp và xúc tiến các nghiên cứu với các doanh nghiệp tỉnh Hiroshima ứng dụng công nghệ mới để tận dụng nguồn phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp. Việc này không chỉ góp phần giảm phát thải khí nhà kính còn nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, cải thiện thu nhập nông dân. Trong đó, ứng dụng than sinh học trong sản xuất nông nghiệp là giải pháp hiệu quả với ngành Nông nghiệp của TP Cần Thơ và các tỉnh vùng ÐBSCL...

Than sinh học là vật liệu carbon hóa từ các nguồn tài nguyên sinh học, có hiệu quả trong việc kích hoạt các sinh vật và cải thiện môi trường. Trên thế giới, than sinh học đã được công nhận. Ðặc biệt tại Nhật Bản, từ những năm 1990, để đáp ứng sự lan tỏa của nông nghiệp hữu cơ, kỹ thuật sử dụng than sinh học đã chính thức được phổ biến. Tại Việt Nam, thời gian qua, một số thành viên từ cộng đồng nghiên cứu, khu vực tư nhân, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước đã tiên phong và phát triển các dự án than sinh học. Lợi ích rõ nét nhất của than sinh học đang được sử dụng ở Việt Nam là dùng để cải tạo chất lượng đất và tăng năng suất cây trồng. Song, việc ứng dụng than sinh học vẫn còn hạn chế.

Theo các chuyên gia, than sinh học còn được mệnh danh là "vàng đen" vì những tác dụng quý báu đối với nông nghiệp và môi trường. Với đặc tính như một bể chứa carbon tự nhiên, than sinh học giúp cô lập và giữ khí CO2 trong đất và đặc tính xốp giúp đất giữ nước, dưỡng chất và bảo vệ vi khuẩn có lợi cho đất. Khi chôn dưới đất, sau phân hủy sẽ cho ra một loại phân bón hữu cơ, đây là một loại phân bón tốt và thân thiện môi trường. Bên cạnh đó, than sinh học còn có tác dụng khử mùi và khử trùng hoặc có thể sử dụng kết hợp với chế phẩm vi sinh để làm lớp thảm sinh học cho các trại chăn nuôi gia cầm.

Ông Masaaki Uesugi, Giám đốc Công ty CP Tromso (tỉnh Hirosima, Nhật Bản) chia sẻ: Công ty đã triển khai ứng dụng than sinh học trồng bắp tại Uganda, châu Phi - vùng đất rất kém chất dinh dưỡng. Qua thực nghiệm cho thấy, năng suất bắp trong khu vực sử dụng than sinh học tăng khoảng 20% và giảm một nửa lượng phân bón so với khu vực canh tác thông thường. Tại Việt Nam năm 2022 công ty đã sử dụng than sinh học thực nghiệm trồng dưa lưới ở Ninh Thuận. Tháng 6 tới, thực nghiệm than sinh học trên cây cà phê tại Ðà Lạt. Vùng ÐBSCL có nguồn phế phẩm nông nghiệp rất lớn như trấu, rơm rạ… có tiềm năng để sản xuất than sinh học và ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp. Nhất là trong bối cảnh giá xăng dầu biến động, phân bón tăng cao, than sinh học là giải pháp hiệu quả…

Với những lợi ích từ than sinh học, một số doanh nghiệp vùng ÐBSCL quan tâm. Anh Nguyễn Quang Lộc, Trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển Công ty TNHH Một thành viên HG Farm, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, cho biết: HG Farm đã ứng dụng thành công nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn trong thời gian qua. Qua nghiên cứu, than sinh học chứa những hệ vi sinh, khi cung cấp vào đất sẽ tạo một nguồn dinh dưỡng, cây trồng dễ dàng hấp thụ. Bên cạnh đó, than sinh học thu hút doanh nghiệp bởi hiện nay trong bối cảnh sản xuất giảm phát thải, vấn đề tín chỉ carbon đang dần nóng lên tại Việt Nam. Do vậy, ứng dụng than sinh học sẽ giúp mô hình của công ty trở nên hoàn hảo hơn...

Ông Masaaki Uesugi chia sẻ thêm: Ngoài việc tận dụng nguồn phế phẩm nông nghiệp, sử dụng làm phân bón, than sinh học còn có thể nâng cao thu nhập người dân thông qua bán tín chỉ carbon. Từ năm 2023-2024, bắt đầu chương trình thực nghiệm nông nghiệp nhỏ sử dụng than sinh học ở Việt Nam và đo lường, thu thập dữ liệu lượng CO2 và N2O cố định. Ngoài ra, Công ty cũng đang phối hợp với một doanh nghiệp Việt Nam sản xuất thiết bị làm than sinh học, góp phần giảm giá thành cho các tổ chức, cá nhân khi ứng dụng công nghệ sản xuất than sinh học tại Việt Nam…

Nông nghiệp xanh, giảm phát thải được xem là định hướng phát triển, hướng đến bền vững tại ÐBSCL. Việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ mới vào xử lý các phế thải từ nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cho nông dân, đồng thời góp phần giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường…

Theo Báo Cần Thơ