Bác sĩ Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cai Lậy báo cáo với đoàn công tác về các hoạt động phòng, chống SXH trên địa bàn huyện trong thời gian qua. Theo số liệu mắc và tử vong SXH Dengue được cập nhật qua phần mềm Thông tư 54 của Bộ Y tế, đến tuần 33 (ngày 14-8), huyện Cai Lậy có số ca mắc SXH cao thứ 3 trong tỉnh, với 645 ca; 16/16 xã đều có ca mắc SXH; 79/122 ấp có ổ dịch và các ổ dịch đều đã được xử lý xong theo đúng quy định của ngành Y tế.
Các thành viên đoàn công tác đến giám sát và yêu cầu hộ gia đình ở ấp 6, xã Long Trung, huyện Cai Lậy xử lý lăng quăng.
Tất cả các xã trên địa bàn huyện Cai Lậy đã triển khai Chiến dịch "Diệt lăng quăng dựa vào cộng đồng", tăng cường phòng, chống SXH vào 2 ngày cuối tháng 7 và đến tháng 9… Tuy nhiên, số ca mắc SXH trên địa bàn huyện vẫn tăng cao.
Đoàn cũng đã thực hiện hoạt động giám sát công tác phòng, chống SXH bao gồm: Giám sát thực hiện loại trừ các vật chứa phát sinh lăng quăng, chỉ số lăng quăng vật chứa nước sinh hoạt, giám sát xử lý ca bệnh…Tại Trạm Y tế xã Long Trung, đoàn làm việc với lãnh đạo UBND xã và các thành viên phòng, chống SXH tại địa phương. Đến nay, xã Long Trung ghi nhận 31 ca mắc SXH trên 12 ấp với 14 ổ dịch.
Đoàn đã đi kiểm tra thực địa việc phòng, chống SXH ngẫu nhiên tại 20 hộ gia đình vừa xử lý xong ổ dịch SXH, ở ấp 6, xã Long Trung. Kết quả chỉ số vật chứa nước có lăng quăng (BI là 150), cao hơn 7 lần chỉ số quy định của Bộ Y tế sau mỗi chiến dịch BI bằng hoặc dưới 20... Đoàn đề nghị địa phương làm lại ngay Chiến dịch "Diệt lăng quăng dựa vào cộng đồng" tại ấp 6.
Qua kiểm tra và làm việc, BSCK2 Nguyễn Thanh Linh và các thành viên trong đoàn công tác của Sở Y tế Tiền Giang ghi nhận những nỗ lực của ngành Y tế huyện Cai Lậy cũng như Ban Chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân UBND xã Long Trung trong công tác phòng, chống SXH.
Tuy nhiên, nhận định kết quả giám sát, đoàn công tác chỉ ra những hạn chế của địa phương trong công tác phòng, chống SXH tại ấp 6, xã Long Trung, như: Các hộ gia đình vẫn còn để các vật dụng xung quanh nhà có nước động và lăng quăng còn rất nhiều; các lu, khạp chứa nước chưa được đậy nắp triệt để và vẫn còn lăng quăng… Đặc biệt, tại các gốc sầu riêng xử lý nghịch vụ còn động nước rất nhiều tại các chỗ trũng, muỗi vào đẻ trứng và rất nhiều lăng quăng; chưa thả cá ăn lăng quăng ở những dụng cụ chứa nước lớn...
Để nâng cao hiệu quả các hoạt động phòng, chống SXH trong thời gian tới, BSCK2 Nguyễn Thanh Linh yêu cầu, ngành Y tế huyện Cai Lậy cần tiếp tục tăng cường giám sát bệnh các tuyến, xử lý ổ dịch kịp thời, đúng quy định của Bộ Y tế; khuyến cáo người dân nên tạo mặt bằng và có độ dốc cho cây sầu riêng trước khi xử lý đậy mũ, hạn chế chỗ trũng chứa nước, làm nơi trú ngụ của lăng quăng.
Bên cạnh đó, BSCK2 Nguyễn Thanh Linh đề nghị ngành Y tế huyện Cai Lậy tổ chức diệt lăng quăng đồng loạt ở tất cả các xã, ấp kết hợp thực hiện vệ sinh môi trường, kiểm soát lăng quăng hằng tuần tại hộ gia đình và trụ sở làm việc, nơi công cộng nhằm duy trì hiệu quả công tác phòng, chống dịch SXH. Xử lý triệt để các ổ dịch (phun hóa chất chủ động) và dập dịch ở tất cả các địa bàn nguy cơ theo chỉ định.
Thực hiện kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất công tác phòng, chống dịch SXH; tham mưu UBND các cấp vận dụng Nghị định 117/2020 ngày 28-9-2020 của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế đối với các trường hợp chống đối thực hiện phòng, chống dịch, để phát tán dịch bệnh ra cộng đồng.
Theo Báo Ấp Bắc