TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHIÊM TÚC
Ngày 16-8-2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang ban hành Kế hoạch 24 về thực hiện Chỉ thị 05 ngày 23-6-2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo đến năm 2030. Thực hiện kế hoạch của Tỉnh ủy, các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố, thị xã đã tổ chức triển khai quán triệt trong nội bộ đơn vị và xây dựng kế hoạch thực hiện của đơn vị mình gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của ngành; phân công các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc sở triển khai thực hiện các công việc, nhiệm vụ cụ thể.
Trao “Mái ấm khuyến học” cho trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn do Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Tiền Giang hỗ trợ. Ảnh: Quế Ngân
Theo kế hoạch Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022 (gọi tắt là Chương trình giảm nghèo) của Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo tỉnh Tiền Giang (gọi tắt là Ban Chỉ đạo tỉnh), phấn đấu đến cuối năm 2022, tỉnh giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2022 - 2025 xuống còn 1,4% so với số hộ toàn tỉnh (giảm khoảng 1.000 hộ nghèo, tương đương giảm 0,2%).
Theo đó, Ban Chỉ đạo tỉnh đã hướng dẫn các địa phương chủ động sử dụng kinh phí được ngân sách Trung ương hỗ trợ năm 2022 để thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động của Chương trình giảm nghèo. Trên cơ sở kết quả điều tra rà soát hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều năm 2021 được UBND tỉnh phê duyệt, các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện tốt và hiệu quả các chính sách giảm nghèo hiện hành về y tế, giáo dục, hỗ trợ phát triển sản xuất, nhà ở, tín dụng ưu đãi, trợ giúp pháp lý...
Theo đó, các ngành, các địa phương cũng đã xác định việc gắn thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, phát triển kinh tế - xã hội với giảm nghèo bền vững là trách nhiệm thực hiện trên cơ sở phát huy sức mạnh của các cấp ủy và cả hệ thống chính trị.
GIẢM CÒN 1,27% HỘ NGHÈO
Cấp ủy, chính quyền các địa phương của tỉnh Tiền Giang đã tập trung cao, chỉ đạo xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Chương trình giảm nghèo trên địa bàn; chủ động phối hợp Chương trình giảm nghèo với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nhằm tạo điều kiện thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đã đề ra.
Đồng thời, bản thân hộ nghèo có nhận thức đúng đắn hơn, có ý chí chủ động phấn đấu vươn lên thoát nghèo trên cơ sở tiếp cận, sử dụng hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng. Kết quả thực hiện Chương trình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh trong 2022 rất khả quan.
Thực hiện theo Quyết định 36/2021 của Thủ tướng Chính phủ, UBND các huyện Tân Phú Đông, Gò Công Đông và TX. Gò Công rà soát huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025. Trên cơ sở kết quả rà soát, hiện nay trên địa bàn tỉnh không còn huyện nghèo và các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển.
Chính sách cho hộ nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi đã giải ngân cho 28.965 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn, với tổng số tiền hơn 1032,6 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay đã hỗ trợ tạo việc làm cho 7.270 lao động, 62 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, 12.477 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường được xây dựng và 2477 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để tiếp tục đi học.
Hỗ trợ về giáo dục, có 43.740 sinh nghèo, cận nghèo được ưu đãi giáo dục với tổng kinh phí hỗ trợ miễn, giảm học phí của ngành Giáo dục là 8,2 tỷ đồng. Ngoài ra, Tỉnh đoàn đã triển khai Chương trình “Chia sẻ cùng em thơ, chung tay vượt qua đại dịch” đã trao 1.650 suất học bổng, 4.263 phần quà, 1.206 thiết bị học trực tuyến: 760 điện thoại thông minh, 216 máy tính bảng, 26 máy tính để bàn, 4 laptop, 750 phần dụng cụ học tập, 140 chiếc xe đạp… với tổng chi phí thực hiện gần 12,5 tỷ đồng; ký kết chương trình phối hợp với Trường Đại học Tân Tạo (TP. Hồ Chí Minh), trao tặng 14 suất học bổng tài năng và 20 suất học bổng khuyến học, trị giá 20 triệu đồng…
Với chính sách hỗ trợ khám, chữa bệnh, tỉnh đã hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho 65.705 người nghèo, người cận nghèo với kinh phí gần 49 tỷ đồng; hỗ trợ 6.510 thẻ Bảo hiểm y tế cho người trong hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp và 38.309 thẻ Bảo hiểm y tế cho người sinh sống ở xã đảo với kinh phí thực hiện trên 29 tỷ đồng. Mặt trận Tổ quốc các cấp và tổ chức thành viên phối hợp vận động các đơn vị, cá nhân hỗ trợ khám, chữa bệnh và tặng quà cho 795.610 lượt người nghèo, với tổng giá trị hơn 16 tỷ đồng.
Chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, đến nay các huyện, thành phố, thị xã đã hỗ trợ tiền điện cho 8.112 hộ nghèo, số tiền trên 6,495 tỷ đồng. Hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” và các chương trình an sinh xã hội các cấp trong tỉnh đã chi xây dựng 631 căn nhà đại đoàn kết và sửa chữa 42 căn nhà cho người nghèo, với tổng kinh phí 27,6 tỷ đồng…
Tỉnh cũng đã triển khai thực hiện các dự án của Chương trình giảm nghèo bền vững như dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin để hiện đại hóa hệ thống thông tin thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến và xây dựng các cơ sở dữ liệu; Dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Dự án 3 hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Dự án 4 phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Dự án Truyền thông và giảm nghèo về thông tin và Dự án Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình.
Theo tổng hợp sơ bộ kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều cuối năm 2022, toàn tỉnh Tiền Giang còn 6.439 hộ nghèo, chiếm 1,27% so tổng số hộ toàn tỉnh (507.486 hộ), vượt kế hoạch đề ra (Kế hoạch còn 1,4% cuối năm 2022); 10.232 hộ cận nghèo, chiếm 2,02% so tổng số hộ toàn tỉnh.
Theo MAI HÀ (Báo Ấp Bắc)