Xã Tân Phong (huyện Cai Lậy) có gần 1.300 ha vườn cây ăn trái với các loại cây trồng chủ lực: Sầu riêng, chôm chôm, mít, nhãn … Ứng phó với nguy cơ xâm nhập mặn, xã khuyến cáo nông dân kiểm tra hệ thống đê bao quanh vườn đảm bảo ngăn mặn, nạo vét mương vườn dự trữ nước tưới trong trường hợp xâm nhập mặn diễn biến phức tạp.
Cán bộ Hội Nông dân xã Tân Phong trao đổi với nông dân về các giải pháp ứng phó hạn, mặn trong mùa khô năm 2023.
Canh tác 0,6 ha vườn chuyên canh sầu riêng, ông Lê Văn Sáng (ấp Tân An) cho biết:”Sau đợt hạn, mặn năm 2020, nông dân đã chủ động phương án ứng phó từ cuối mùa mưa. Theo kinh nghiệm trong các tháng cao điểm hạn, mặn, tôi tưới theo chế độ tiết kiệm, chăm sóc hợp lý để cây không bị suy kiệt, cho cỏ phủ mặt liếp để giữ ẩm. Lượng nước trữ trong 4 mương vườn của tôi có thể đảm bảo nước tưới cho vườn cây khoảng 1 tháng”.
Hỗ trợ nông dân sản xuất, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cai Lậy phối hợp các ngành chức năng tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật, tổ chức hội thảo, cung cấp kiến thức chăm sóc, bảo vệ cây trồng trong điều kiện bất lợi của thời tiết, đặc biệt tại các vùng chuyên canh sầu riêng. Nông dân huyện Cai Lậy chủ động trong khâu xử lý mùa vụ, hạn chế tình trạng cây suy kiệt sau thu hoạch do không đảm bảo nguồn nước tưới.
Với 0,6 ha vườn chuyên canh sầu riêng, ông Trần Văn Nghĩa (ấp Tân Luông B, xã Tân Phong) cho biết: “Từ kinh nghiệm sau đợt hạn, mặn khốc liệt mùa khô năm 2020, nông dân đã chủ động trữ ngọt kết hợp các biện pháp chăm sóc, bảo vệ cây như: Quản lý cỏ giữ ẩm, tuyệt đối không cho cây mang trái trong đợt hạn, mặn. Nông dân cũng chủ động theo dõi diễn biến độ mặn để ứng phó”.
Theo dự báo trên địa bàn huyện Cai Lậy, nước mặn xâm nhập theo 3 hướng: sông Tiền, sông Hàm Luông từ Bến Tre sang ảnh hưởng đến các xã ven sông Tiền và hướng sông Vàm Cỏ Tây ảnh hưởng đến các xã phía Bắc kinh Nguyễn Văn Tiếp. Chủ động ứng phó với nguy cơ xâm nhập mặn mùa khô 2023, huyện Cai Lậy khẩn trương rà soát, nâng cấp, thi công các công trình ngăn mặn, trữ ngọt, bảo vệ sản xuất nông nghiệp.
Mục tiêu của huyện là đảm bảo nước tưới cho hơn 14.600 ha vườn cây ăn trái và trên 6.400 ha lúa, rau màu các loại. Theo phương án ứng phó với xâm nhập mặn, huyện Cai Lậy tiến hành nạo vét 61 tuyến kinh, xây dựng và sửa chữa 57 cống, đập ngăn mặn, đảm bảo tiến độ thi công các công trình thủy lợi với tổng kinh phí hơn 31 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh và huyện.
Cùng với các giải pháp công trình, địa phương bố trí các điểm đo cố định độ mặn, tập trung thông tin, tuyên truyền, khuyến cáo nông dân chủ động trong xử lý mùa vụ, chủ động khơi thông dòng chảy các tuyến kinh nội đồng, nạo vét mương vườn trữ nước tưới tiêu, theo dõi diễn biến xâm nhập mặn để chăm sóc, bảo vệ cây trồng …
Vượt qua thách thức của đợt xâm nhập mặn mùa khô 2019 - 2020, nông dân huyện Cai Lậy đã chủ động trong sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ thích ứng với biến đổi khí hậu. Với sự chủ động trong công tác ứng phó, huyện Cai Lậy quyết tâm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do xâm nhập mặn, thực hiện thắng lợi vụ sản xuất năm 2023.
Theo Báo Ấp Bắc