Du khách tham quan nhà Đốc Phủ Hải.
Với lợi thế nằm ở vị trí trung tâm của các huyện phía Đông thuộc tỉnh Tiền Giang, TX. Gò Công là vùng đất có bề dày về lịch sử, văn hóa, vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Hiện TX. Gò Công đang quản lý nhiều di sản văn hóa vật thể vô cùng quý giá được bảo tồn, được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia, di tích cấp tỉnh và có làng nghề...
Hằng năm, TX. Gò Công diễn ra nhiều lễ hội truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc; trong đó có Lễ hội Anh hùng dân tộc Trương Định (đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2016), Lễ hội người Hoa cúng Quan Công Thánh Đế, Lễ hội Kỳ yên Đình Trung… thu hút trên 35.000 lượt khách trong và ngoài địa phương tham quan cúng viếng. Về cơ sở vật chất, TX. Gò Công hiện có trên 100 khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ và nhiều cơ sở kinh doanh ăn uống, vui chơi giải trí. Thị xã cũng đã hỗ trợ Công ty Lữ hành du lịch Nhật Minh thành lập và đi vào hoạt động theo đúng quy định trên địa bàn TX. Gò Công.
* Phóng viên (PV): Thị xã đã có kế hoạch gì để khai thác những lợi thế nêu trên thưa đồng chí?
* Đồng chí Trần Phạm Vĩnh An: Thực hiện Kế hoạch 118 ngày 5-5-2017 của UBND tỉnh Tiền Giang về thực hiện Nghị quyết 11 ngày 5-4-2017 của Tỉnh ủy Tiền Giang về phát triển du lịch tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, trong thời gian qua, TX. Gò Công đã tập trung các giải pháp như: Huy động các nguồn vốn đầu tư, xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và hợp tác, liên kết phát triển; bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển du lịch bền vững; tăng cường công tác đảm bảo an ninh và an toàn trong du lịch...
Qua đó số lượng khách tham quan đến TX. Gò Công ngày càng tăng và sản phẩm du lịch cũng từng bước nâng lên về chất lượng. Công tác quản lý các hoạt động lễ hội ngày càng được chặt chẽ, đúng quy định, các lễ hội được gắn với các hoạt động du lịch diễn ra ngày càng văn minh lịch sự, giảm thấp nhất tình trạng bói toán, mê tín, hiện tượng chèo kéo khách, nâng giá trong kinh doanh, dịch vụ giữ xe… tạo môi trường thân thiện thu hút khách tham quan du lịch.
Tăng cường quảng bá hình ảnh
Để góp phần phát triển du lịch, TX. Gò Công đã phát hành 300 video clip giới thiệu quảng bá về tiềm năng, sản phẩm, hình ảnh quê hương, con người Gò Công liên quan đến các di tích lịch sử, văn hóa, làng nghề truyền thống, các món ăn đặc sản, nhà cổ… ; đồng thời, mở chuyên mục tuyên truyền trên đài Truyền thanh - Truyền hình thị xã, Trang thông tin điện tử của thị xã, tỉnh về phát triển du lịch của thị xã; in và phát hành 20.000 tờ bướm giới thiệu quảng bá về TX. Gò Công.
Thị xã cũng đã phối hợp và hỗ trợ các đài truyền hình: Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh, VTV1, VTV2, Hãng phim TFS… thực hiện các phóng sự về vùng đất và con người Gò Công, các làng nghề, các lễ hội, ẩm thực, sản phẩm vùng đất Gò Công (trong đó đã đăng ký món ăn đặc sản Bún suông vịt - số 54 đường Nguyễn Trọng Dân, khu phố 4, phường 3, TX. Gò Công cho Tổ chức kỷ lục Việt Nam về Chương trình hành trình tìm kiếm và quảng bá các món ăn, đặc sản, điểm du lịch hấp dẫn tại 63 tỉnh, thành Việt Nam trong năm 2018).
Thực hiện Đề án Phát triển du lịch TX. Gò Công giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020, thị xã đã đầu tư cho du lịch trên địa bàn trong giai đoạn 1 (năm 2013 - 2015) hơn 152 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách đầu tư hơn 42,5 tỷ đồng, vốn xã hội hóa khoảng 110 tỷ đồng.
Nhu cầu đầu tư cho lĩnh vực du lịch trên địa bàn thị xã giai đoạn 2016 - 2020 hơn 408 tỷ đồng, hiện đã thực hiện được 58 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách đầu tư khoảng 8 tỷ đồng và vốn xã hội hóa 50 tỷ đồng.
Đặc biệt, việc được tỉnh đầu tư sửa chữa nhiều công trình: Đền thờ Hoài Quốc Công Võ Tánh, với kinh phí khoảng 7 tỷ đồng và phương án quy hoạch tổng mặt bằng công trình mở rộng, sửa chữa Khu di tích Lăng Hoàng Gia đã được phê duyệt giai đoạn 1 là 9,6 tỷ đồng, đang tiến hành thi công và khu lăng mộ, đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định, các ngành chức năng tỉnh, thị xã đang tiến hành thực hiện các bước theo quy trình, đang tiếp tục triển khai thực hiện xây dựng gần hoàn thiện nhà lưu niệm ông Đỗ Trình Thoại; chuẩn bị nâng cấp, mở rộng mộ bà Trần Thị Sanh, Di tích lịch sử Chiến thắng Ao Vông.
Ngoài ra, thị xã đã kết hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tiền Giang khảo sát lập hồ sơ thiết kế sửa chữa Bia lưu niệm căn cứ Tỉnh ủy Gò Công. Riêng tại Khu di tích Lăng Hoàng Gia, gia đình họ tộc ông Phạm Đăng Hưng (ông Phạm Đăng Cảnh và bà Phạm Đăng Trí Hoa, hiện ngụ tại quận 9, TP. Hồ Chí Minh) xin sơn sửa đền thờ này, với kinh phí của gia đình (khoảng 300 triệu đồng) và đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tiền Giang thống nhất tại Công văn 380 ngày 16-4-2018, hiện công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
* PV: Vậy đâu là “điểm nghẽn” trong thực tế khai thác và phát triển du lịch của TX. Gò Công?
* Đồng chí Trần Phạm Vĩnh An: Cơ sở hạ tầng phục vụ cho du lịch còn hạn chế, chẳng hạn như đường giao thông dẫn vào các vườn sơ ri chưa thuận tiện cho xe vận chuyển khách đạt chuẩn du lịch 45 chỗ; chưa có sự kết nối các tour, tuyến giữa tỉnh và các huyện khu vực phía Đông của tỉnh. Khách du lịch chủ yếu chỉ tham quan trong ngày nên ảnh hưởng rất lớn đến việc tăng doanh thu và tạo điều kiện cho các dịch vụ khác phát triển. Ngoài ra, cán bộ chuyên môn làm công tác du lịch còn thiếu, chỉ kiêm nhiệm cũng như nguồn kinh phí cân đối hằng năm để phục vụ cho các hoạt động du lịch còn hạn chế.
* PV: Để đạt được mục tiêu phát triển du lịch theo kế hoạch của TX. Gò Công, cần có những giải pháp và nguồn lực cơ bản nào?
* Đồng chí Trần Phạm Vĩnh An: TX. Gò Công sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá, tuyên truyền… nhằm xây dựng sản phẩm và hình ảnh đặc trưng du lịch TX. Gò Công gắn kết với tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh Tiền Giang, đề xuất chọn trạm dừng chân phục vụ du lịch tại xã Tân Trung theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang.
Hằng năm, TX. Gò Công sẽ phối hợp các sở, ngành tỉnh có liên quan tổ chức Lễ hội truyền thống cấp quốc gia Anh hùng dân tộc Trương Định và nâng cấp các Lễ hội Đình Trung, Lễ cúng Quan Công Thánh Đế người Hoa, Lễ cúng ông Võ Tánh, ông Phạm Đăng Hưng; khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên sinh thái, truyền thống văn hóa, lịch sử của thị xã, du lịch nhà vườn sơ ri, du lịch về nguồn, du lịch tâm linh, ẩm thực tham quan các di tích lịch sử, làng nghề.
Bên cạnh đó, TX. Gò Công tiếp tục mời gọi, có giải pháp ưu đãi cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào các dự án du lịch, nhất là đối với các dự án phát triển du lịch sinh thái gắn phát triển du lịch cộng đồng, các dự án đầu tư khu vui chơi giải trí, đầu tư nâng cấp khách sạn từ 2 đến 3 sao; tăng cường huy động nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế và nguồn lực trong nhân dân. Hằng năm, TX. Gò Công cũng sẽ cân đối nguồn ngân sách thị xã đầu tư, sửa chữa nâng cấp các di tích cấp tỉnh, cơ sở hạ tầng, các tuyến đường giao thông đến các điểm du lịch vườn cây sơ ri, tham quan tuyến sông Vàm Cỏ, vùng nuôi chim yến…
Ngoài ra, TX. Gò Công cũng tính toán phục hồi và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, văn hóa phi vật thể, đờn ca tài tử, thơ ca, hò vè, hò Cấy Gò Công; tiếp tục hỗ trợ đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của thị xã gồm: Trái sơ ri, dưa hấu, mắm tôm chà, tôm chua, Làng nghề tủ thờ Gò Công; có kế hoạch đầu tư, đưa đi đào tạo, tập huấn cán bộ và đội ngũ lao động làm công tác du lịch, bố trí biên chế chuyên trách công tác du lịch; mời gọi và hợp tác liên kết với các công ty lữ hành để hỗ trợ khai thác các tuyến, tour du lịch khu vực cụm các huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang.
Đồng thời, TX. Gò Công tiếp tục phối hợp các sở, ngành tỉnh hoàn chỉnh việc quy hoạch quần thể Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Gò Công gắn với trận đánh chống càn Ao Vông tại xã Bình Xuân để phục vụ phát triển du lịch trong thời gian tới…
* PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Theo Báo Ấp Bắc