Dự án Nâng cấp kênh Chợ Gạo, Tiền Giang, giai đoạn 2 cơ bản hoàn thành. (Ảnh: Hữu Chí/TTXVN)
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh cho biết trong năm 2023, địa phương triển khai thực hiện 318 dự án, công trình với tổng nguồn vốn đầu tư công là 5.295 tỷ đồng.
Đến cuối tháng 9, toàn tỉnh giải ngân được trên 3.230 tỷ đồng, đạt trên 61% kế hoạch vốn đầu tư công, tăng hơn 28% so cùng kỳ năm trước. Tiền Giang đang đặt ra mục tiêu cuối năm 2023 nỗ lực giải ngân 100% vốn đầu tư công trên địa bàn.
Theo lãnh đạo tỉnh, trong các năm qua, tỉnh Tiền Giang luôn nằm trong tốp các tỉnh, thành giải ngân nhanh vốn đầu tư công nhất của cả nước.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh khẳng định với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị kết hợp có biện pháp chú trọng giải ngân nhanh vốn đầu tư công gắn với giải phóng mặt bằng, bàn giao đất sạch, tập trung tháo gỡ khó khăn, dẩy nhanh tiến độ thi công, Tiền Giang đã tạo thêm động lực mới thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Qua đó, tỉnh cũng đúc kết được những bài học kinh nghiệm quí từ thực tiễn giải ngân nhanh nguồn vốn đầu tư công; đó là sớm triển khai kế hoạch vốn đầu tư công sau khi đã được Hội đồng Nhân dân tỉnh thông qua kế hoạch đầu tư công năm mới ngay từ kỳ họp cuối năm trước và khi được Thủ tướng Chính phủ có quyết định giao vốn.
Mặt khác, ngay từ đầu năm, Ủy ban Nhân dân tỉnh tổ chức Hội nghị bàn thực hiện Kế hoạch Đầu tư công năm 2023; kịp thời quán triệt chủ trương, triển khai các văn bản hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương về vốn đầu tư công đến các sở, ngành, tỉnh và địa phương làm cơ sở thực hiện.
Đối với kế hoạch lựa chọn nhà thầu, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang giao cơ quan tham mưu là Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, rút ngắn thời gian thực hiện dự án, công trình phù hợp với tính chất của các gói thầu đảm bảo đúng quy định về chất lượng cũng như tiến độ thực hiện; đồng thời phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, mạnh dạn điều chuyển vốn từ các dự án có khối lượng thực hiện thấp sang các dự án có khối lượng cao đang có nhu cầu bổ sung vốn để thanh toán khối lượng hoàn thành kịp thời.
Ngoài ra, phải tập trung khâu giải phóng mặt bằng ngay sau khi có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư các công trình, dự án, quan tâm hỗ trợ các chủ đầu tư kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ công trình, đảm bảo đến cuối năm phải hoàn thành giải ngân 100% vốn đầu tư công theo kế hoạch đã được phê duyệt.
Thực tế cho thấy, nguồn vốn đầu tư công được giải ngân nhanh đã giúp địa phương tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện kiến thiết hạ tầng và xây dựng nông thôn mới. Đây là tiền đề giúp nhiều công trình, dự án sớm hoàn thành đưa vào sử dụng thúc đầy phát triển kinh tế-xã hội, phòng chống thiên tai, giảm nhẹ thiệt hại, bảo vệ sản xuất và đời sống nhân dân.
Điển hình như Dự án đầu tư xây dựng 6 cống ngăn mặn tại đầu các kênh, rạch ra Sông Tiền trên đường tình 864 kết hợp hoàn thiện tuyến đê dọc Sông Tiền đảm bảo ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp. Dự án có tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) 846,4 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương; trong đó, riêng chi phí xây lắp công trình trên 578 tỷ đồng.
Theo Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Đàm Thanh Tuyến, kế hoạch vốn giao năm 2023 của Dự án là 228,1 tỷ đồng. Đến đầu tháng 10, toàn bộ 6 cống ngăn mặn đã cơ bản hoàn thành, về trước thời hạn được giao khoảng 2 tháng.
Ông Nguyễn Đàm Thanh Tuyến khẳng định đó là nhờ tỉnh sớm giải ngân nhanh nguồn vốn đầu tư công cùng các biện pháp tích cực tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ công trình đưa vào phục vụ sản xuất và đời sống. Dự án mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội lớn vừa giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản xuất khẩu như sầu riêng, vú sữa lò rèn Vĩnh Kim nằm phía Nam Quốc lộ 1 tiếp giáp sông Tiền thuộc hai huyện Châu Thành và Cai Lậy.
Dự án Bờ kè chống Sạt lở ở ấp An Ninh góp phần cải tạo bộ mặt của xã nông thôn mới nâng cao Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, Tiền Giang. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Cai Lậy Trần Văn Thức, thị xã Cai Lậy đang triển khai thực hiện 76 công trình xây dựng cơ bản, kiến thiết hạ tầng chỉnh trang đô thị, tạo diện mạo đô thị văn minh, hiện đại vừa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương với tổng nguồn vốn gần 637 tỷ đồng.
Ông Trần Văn Thức cho biết đến cuối tháng 9, tổng nguồn vốn giao gần 215 tỷ đồng; trước mắt, địa phương đã giải ngân được trên 111,3 tỷ đồng, đạt 51,44% kế hoạch vốn. Trong đó, nguồn vốn ngân sách tỉnh giao là 125,5 tỷ đồng, đã giải ngân trong 9 tháng qua đạt 82,2% kế hoạch vốn giao. Thị xã Cai Lậy cũng đã hoàn thành đưa vào sử dụng 7 công trình phục vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Đây là một trong những địa phương giải ngân nhanh vốn đầu tư công của tỉnh Tiền Giang.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cái Bè Nguyễn Văn Nha chia sẻ cách làm hiệu quả, đó là quán triệt chủ trương của lãnh đạo tỉnh về giải ngân nhanh vốn đầu tư công trên địa bàn. Ủy ban Nhân dân huyện Cái Bè và các cấp, các ngành địa phương luôn quan tâm xây dựng kế hoạch, phân khai vốn và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đôn đốc, thúc đẩy giải ngân nhanh vốn đẩu tư công theo tiến độ công trình, đúng quy định pháp luật.
Tính đến đầu tháng 10/2023, huyện Cái Bè đã giải ngân nguồn vốn tỉnh phân cấp xây dựng nông thôn mới 26 tỷ đồng, đạt 92% kế hoạch; giải ngân vốn tỉnh phân cấp theo địa bàn là 9,5 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch vốn giao và về trước 3 tháng so với kế hoạch.
Hiện nay, từ nguồn vốn đầu tư công, Cái Bè đang tích cực kiện toàn cơ sở vật chất hạ tầng để sớm ra mắt huyện nông thôn mới vào cuối năm 2023. Đây là những địa phương đi đầu trong việc giải ngân nhanh vốn đầu tư công tại tỉnh Tiền Giang./.
Theo MINH TRÍ (TTXVN/Vietnam+)