Việc sản xuất, buôn bán, sử dụng thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc không đảm bảo chất lượng gây nguy hại tới sức khỏe người tiêu dùng, gây bất an cho nhân dân và ảnh hưởng đến uy tín của các đơn vị sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn hiện nay.
Trước tình hình trên, Bộ Y tế có Công văn 7173 ngày 12-12-2022 về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm tra chất lượng thuốc, đấu tranh chống thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc; Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế có Công văn 3169 ngày 12-12-2022 về việc tăng cường quản lý việc kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe tại các nhà thuốc. Trong công văn này, Cục An toàn thực phẩm thông tin đã nhận được kết quả kiểm nghiệm một số sản phẩm có chứa chất cấm quy định tại Thông tư 10/2021 ngày 30-6-2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định Danh mục chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Nhìn chung, tình hình sản xuất, kinh doanh thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả diễn ra rất phức tạp ở nước ta hiện nay. Điển hình là trong những ngày gần đây, trên báo đài có đưa tin tại TP. Hồ Chí Minh, Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an Quận 8 đã phát hiện nhóm đối tượng đang thực hiện hành vi sản xuất thuốc giả rất lớn.
Thực hiện Công văn 6927 ngày 19-12-2022 của UBND tỉnh Tiền Giang về việc giao triển khai tăng cường công tác quản lý, kiểm tra chất lượng thuốc, đấu tranh chống thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc; để kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa việc sản xuất, buôn bán, sử dụng thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc kém chất lượng và đảm bảo cung ứng đủ thuốc, an toàn, chất lượng, hiệu quả cho người bệnh, nhân dân, ngày 19-12-2022, Sở Y tế Tiền Giang ban hành Công văn 6709 về việc tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc và thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Theo đó, Sở Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, TP. Mỹ Tho, TX. Gò Công, TX: Cai Lậy:
Tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc về thực hiện các quy định về mua bán phải có hóa đơn, chứng từ hợp lệ; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Đẩy mạnh công tác giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên địa bàn; tập trung vào việc kiểm tra, kịp thời phát hiện ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh và sử dụng các loại thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu, có nghi ngờ về chất lượng.
Sở Y tế yêu cầu: Trung tâm kiểm nghiệm tăng cường lấy mẫu, kiểm tra chất lượng thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe lưu hành trên địa bàn tỉnh; các cơ sở kinh doanh dược phải thực hiện nghiêm các nguyên tắc tiêu chuẩn cơ sở đang thực hiện GDP hoặc GPP; các cơ sở điều trị thực hiện việc đấu thầu mua thuốc, vật tư y tế theo thẩm quyền, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế, nhất là trong dịp tết. Lãnh đạo đơn vị phải chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Y tế nếu để tình trạng thiếu thuốc khi người bệnh phản ánh.
Sở Y tế sẽ tiến hành kiểm tra và giám sát hoạt động tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược, xử lý những đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành.
Theo M.T (Báo Ấp Bắc)