Bàn thờ ông Thiên của đồng bào Khmer xã Đông Bình, TX Bình Minh.
Theo tác phẩm “Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ” do Trần Ngọc Thêm chủ biên được xuất bản năm 2014 có nhận định “Sau ông bà cha mẹ thì thờ trời đất cũng là tín ngưỡng chung được thực hành trong mỗi gia đình Việt. Nhưng ở Tây Nam Bộ, nơi mà con người hòa nhập với thiên nhiên thành một khối thì tín ngưỡng thờ trời đất dường như được thể hiện đậm nét hơn hẳn”.
Đến nhà người dân Tây Nam Bộ, ta dễ dàng nhận thấy bàn thờ ông Thiên được đặt trước sân nhà, với một cây cột cao ngang đầu người. Phía trên đầu cột có đặt một tấm ván vuông hoặc tấm gạch có hình vuông, mỗi cạnh dài khoảng 4 tấc để làm bàn thờ. Cột và bàn thờ xưa, người dân thường làm bằng gỗ, kinh tế phát triển, bàn thờ gỗ dần được thay thế bằng bàn thờ có cột bê tông, dán gạch men. Trên bàn thờ ông Thiên lúc nào cũng có một lư hương để thắp nhang, một bình bông nhỏ và vài chung nước.
Theo quyển “Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ”, bát nhang tròn đặt trên bàn thờ vuông, bàn thờ vuông đặt trên cây trụ tròn, tất cả thể hiện tư tưởng có âm, có dương, có vuông, có tròn, cầu mong cho cuộc sống hoàn hảo, tốt đẹp. Sau mỗi ngày làm việc, vào lúc lên đèn (chạng vạng tối), chủ nhà thay bông trong bình từ vườn nhà và thay ly nước trên bàn thờ, sau đó thắp nhang và chấp tay khấn vái cầu trời ban cho cửa nhà yên vui, phước- lộc- thọ đều đạt được.
Câu ca dao “Mỗi đêm mỗi thắp đèn trời/ Cầu cho cha mẹ sống đời với con” chính là đề cập đến bàn thờ ông Thiên, với niềm hy vọng làn khói nhang từ bàn thờ ông Thiên sẽ mang những lời khẩn cầu của gia chủ được “thông thiên”, thấu lên đến trời. Từ đó, bàn thờ ông Thiên trước sân nhà đã trở thành nơi mà con người Tây Nam Bộ kết nối lòng mình với trời đất.
Vào những ngày sóc vọng (tức mùng một, ngày rằm âm lịch), trên bàn thờ ông Thiên thường có thêm chén gạo, chén muối và dĩa hoa quả. Nếu nhà có tiệc, giỗ chạp, cưới, hỏi… thì trên bàn thờ ông Thiên cũng có thêm lễ vật như bánh ít, bánh tét, trái cây, dĩa xôi. Ngoài ra, vào dịp tất niên, Tết Nguyên Đán, gia đình nào cũng đặt mâm quả, hoặc trái dưa hấu tròn đầy để cúng trời, ước nguyện cho gia đình thêm sung túc.
Tác phẩm “Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ” cũng cho thấy, ông trời đã đi vào nhà người nông dân Tây Nam Bộ, chứng kiến mọi vui buồn, thấy rõ những khó khăn, thấu hiểu mọi tình cảm, tâm tư, trở nên gần gũi và sẵn sàng ra tay cứu giúp như người thân trong gia đình. Do vậy, nghi thức tế trời qua bàn thờ Thiên mang đậm chất dân dã, mộc mạc, chân thành của người phương Nam.
Theo Báo Vĩnh Long