Một buổi học của học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Du năm học 2021-2022. Ảnh: B.NG
Năm học mới 2022-2023, GDTH thành phố đặt ra 8 nhiệm vụ trọng tâm với nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó, ngành chú trọng thực hiện bảo đảm chất lượng, hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) cấp tiểu học ban hành kèm theo theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đối với lớp 1, lớp 2, lớp 3 (Chương trình GDPT 2018) và Chương trình GDPT cấp tiểu học ban hành theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT (Chương trình GDPT 2006) đối với lớp 4, lớp 5; vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất và những thành tố tích cực của các mô hình, phương thức giáo dục tiên tiến; tổ chức thực hiện nội dung giáo dục địa phương, giáo dục STEAM; STEM - Khoa học máy tính và STEM - Robotics;… Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động dạy học, quản lý cũng như nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên; thực hiện xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng để có đủ giáo viên, đảm bảo chất lượng dạy học các môn học theo chương trình GDPT, chú trọng chuẩn bị đội ngũ giáo viên dạy lớp 4 trong năm học 2023-2024, đặc biệt bố trí đủ giáo viên dạy học các môn Ngoại ngữ và môn Tin học và Công nghệ; đảm bảo 100% giáo viên dạy học lớp 4 được bồi dưỡng theo quy định của Bộ GD&ĐT;…
Năm học 2021-2022 là năm thứ 2 triển khai Chương trình GDPT 2018 trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, GDTH gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục ở hầu hết các trường, ảnh hưởng đến chất lượng dạy - học nhất là các lớp 1, lớp 2 các lớp triển khai chương trình GDPT 2018. Tuy nhiên, GDTH đã nỗ lực vượt khó, thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học; có 99,93% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình lớp 2 đạt trên 99%... GDTH thành phố có gần 98.000 học sinh, với 4.273 giáo viên.
Theo B.NG (Báo Cần Thơ)