Trà Vinh: Càng Long tăng cường phát triển sản phẩm OCOP

14/06/2022 - 09:08

Những năm qua, huyện Càng Long luôn chú trọng phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm hàng hóa trên địa bàn huyện, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong XDNTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn theo chuỗi giá trị.

A A

Xã Huyền Hội, huyện Càng Long có 02 sản phẩm được công nhận đạt OCOP 03 sao trong năm 2022, là: “Gạo tím Huyền Hội” và “Gạo sạch thượng hạng”. Đây là 02 sản phẩm thuộc nhóm ngành thực phẩm thô, sơ chế, được đánh giá có giá trị dinh dưỡng cao và nhiều công dụng hỗ trợ rất tốt cho sức khỏe.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Huyền Hội cho biết: “với nhu cầu sử dụng nông sản sạch, nông sản an toàn của người tiêu dùng hiện nay, việc đẩy mạnh sản xuất sản phẩm nông sản an toàn là một trong những khâu quan trọng trong quá trình thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp trên địa bàn huyện Càng Long nói riêng, tỉnh Trà Vinh nói chung, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất của nông dân, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Với mong muốn mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm có lợi cho sức khỏe, chất lượng tốt nhất, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Huyền Hội nghiên cứu, phát triển sản phẩm gạo tím. “Gạo tím Huyền Hội” xuất phát từ câu chuyện trong một lần tôi đến tham quan các mô hình sản xuất lúa tại tỉnh Sóc Trăng vào năm 2015, tôi chủ động xin một bông lúa tím về trồng thử nghiệm. Do đam mê trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất lúa giống chất lượng cao, qua quá trình khá dài vừa trồng thử nghiệm, vừa nghiên cứu lúa tím xin từ tỉnh Sóc Trăng về, tôi đã lựa chọn và thành công khi tạo ra giống lúa tím hoàn toàn mới có những đặc điểm vượt trội hơn rất nhiều so với giống lúa tím lúc ban đầu”.

Năm 2021, Đoàn công tác của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương đến tìm hiểu sản phẩm gạo tím và gạo sạch thượng hạng tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Huyền Hội, xã Huyền Hội, huyện Càng Long. 

Những đặc điểm vượt trội của giống lúa tím mà ông Nguyễn Thanh Hùng đã nghiên cứu, chọn ra, trước hết phải kể đến thời gian sinh trưởng lúa ngắn, từ 95 - 100 ngày (trước đây từ 105 - 110 ngày), khả năng kháng sâu bệnh rất tốt, đặc biệt bệnh đạo ôn và sâu cuốn lá; năng suất rất cao, nhất là vụ đông - xuân năng suất đạt từ 08 - 09 tấn/ha, chất lượng gạo ăn rất ngon, vừa dẻo, vừa thơm (trước đây gạo khô).

Đặc biệt, “Gạo tím Huyền Hội” có giá trị dinh dưỡng cao, trong gạo tím có chứa thành phần các chất Anthocyanin, chất xơ, sinh tố B, Ca, Mg, có công dụng giảm cholesterol trong máu và ngăn ngừa máu nhiễm mỡ, ngăn ngừa các bệnh về tim mạch, kiểm soát tốt cân nặng và ngăn ngừa bệnh béo phì, ngăn ngừa triệu chứng táo bón và hỗ trợ tiêu hóa tốt, kiểm soát tốt lượng đường trong máu, bổ sung dưỡng chất cho xương, ngăn ngừa nguy cơ bị sỏi mật, giúp an thần, ngăn ngừa trầm cảm, làm đẹp da, giảm stress và rất tốt cho người bị bệnh ung thư.

Ông Nguyễn Thanh Hùng cho biết thêm: đầu năm 2019, sản phẩm “Gạo tím Huyền Hội” được tung ra thị trường các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Nai, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh… bước đầu được thị trường đón nhận với nhiều tín hiệu khá tích cực. Qua theo dõi, nắm bắt thông tin từ người tiêu dùng, được biết, lúc ban đầu người tiêu dùng còn ngần ngại, e dè do đây là mặt hàng còn khá mới trên thị trường, người dân chưa quen sử dụng. Tuy nhiên, sau khi sử dụng thử, cũng như tìm hiểu những công dụng của “Gạo tím Huyền Hội”, khách hàng liên hệ mua với số lượng càng ngày càng nhiều. Đặc biệt, ngoài việc dùng nấu cơm ăn, nhiều khách hàng ưu chuộng dùng gạo tím nấu trà uống hàng ngày rất tốt cho sức khỏe.

Để “Gạo tím Huyền Hội” được người tiêu dùng tiếp cận, sử dụng ngày càng nhiều, thời gian qua, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Huyền Hội tham gia các hội chợ thương mại cũng như giới thiệu trên các trang thương mại điện tử... Hiện, “Gạo tím Huyền Hội” có mặt trên thị trường nhiều tỉnh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Cùng với gạo tím, gạo sạch thượng hạng của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Huyền Hội là sản phẩm đặc trưng, truyền thống của xã Huyền Hội, huyện Càng Long. Gạo được chú trọng đến chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc và bao bì nhãn mác đúng quy định. “Gạo sạch thượng hạng” được ông Hùng nghiên cứu phát triển và lai tạo từ giống lúa ST25.

Ông Hùng cho biết: “Gạo sạch thượng hạng” có mặt trên thị trường từ đầu năm 2021. Xuất phát từ việc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Huyền Hội thay đổi một số giải pháp trong hoạt động sản xuất kinh để tạo ra sản phẩm gạo đạt chất lượng cao hơn gạo Hương Sen, Hương Sữa, Hương Lài… vốn đã được Hợp tác xã sản xuất từ nhiều năm trước đây.

Trải qua quá trình nghiên cứu phát triển và lai tạo từ giống lúa ST25, đầu năm 2021, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Huyền Hội tung ra thị trường các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Nai, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh một loại gạo mới - “Gạo sạch thượng hạng”… bước đầu được thị trường đón nhận với nhiều tín hiệu tích cực. Đây là loại gạo được tổ chức sản xuất theo quy trình đảm bảo các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất theo chuỗi giá trị, có hợp đồng đầu vào, đầu ra rõ ràng, quản lý được chất lượng và nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, chất lượng gạo ngon, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng và nhu cầu của thị trường.

“Gạo sạch thượng hạng” có đặc điểm hạt dài, thon, màu trắng ngà, trắng trong, hạt gạo mẩy đều, không bị bạc bụng hạt, gạo cho chất cơm thơm, dẻo, ngọt đậm đà, hương thơm tự nhiên, vị bùi, có hàm lượng dinh dưỡng cao, gạo đạt tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Qua tìm hiểu, nắm bắt thông tin nhu cầu sử dụng của người dân, “Gạo sạch thượng hạng” của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Huyền Hội ngày càng được nhiều người ưa chuộng. Cùng với việc mở rộng diện tích, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Huyền Hội luôn quan tâm tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, nông dân an tâm sản xuất, Hợp tác xã kết nối với các công ty, doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản cho người dân.

Để tiếp tục khơi dậy trong các tổ chức kinh tế khát khao xây dựng thương hiệu và thực hiện chương trình OCOP, vừa qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Càng Long ban hành Kế hoạch số 81-KH/HU, ngày 16/5/2022 thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TU, ngày 13/4/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh về tiếp tục tăng cường sự chỉ đạo của Đảng trong phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, huyện Càng Long có 11 sản phẩm đạt OCOP 3 sao: (1) viên uống đẹp da DOPHA BEAUTY của Công ty TNHH Đồng Phát Dophaco (xã Mỹ Cẩm); (2) tinh dầu gấc (xã Mỹ Cẩm); (3) cốm ống (xã Mỹ Cẩm); (4) cốm gạo (xã Mỹ Cẩm); (5) thảm xơ dừa (xã Đức Mỹ); (6) đàn guitar phím lõm (xã Đại Phước); (7) rượu sâm bố chính (thị trấn Càng Long); (8) rượu sâm đinh lăng (thị trấn Càng Long); (9) quýt đường (xã Bình Phú); (10) Gạo tím Huyền Hội (xã Huyền Hội); (11) Gạo sạch thượng hạng (xã Huyền Hội).

Trong 11 sản phẩm OCOP này, có 02 sản phẩm được công nhận trong năm 2020 (thảm sơ dừa và cốm ống), 03 sản phẩm được công nhận trong năm 2021 (tinh dầu gấc, đàn guitar phím lõm, rượu sâm bố chính), 06 sản phẩm được công nhận trong năm 2022 (viên uống đẹp da DOPHA BEAUTY, cốm gạo, rượu sâm đinh lăng, quýt đường, Gạo tím Huyền Hội và Gạo sạch thượng hạng).

 Theo đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Càng Long đề nghị tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp, các chủ thể kinh tế và Nhân dân về sự cần thiết và tính cấp bách đối với công tác xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm và Chương trình OCOP, quán triệt đầy đủ, nghiêm túc các chủ trương về thực hiện Chương trình OCOP và xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm cho cán bộ, đảng viên đồng thời phổ biến, tuyên truyền sâu rộng trong đoàn viên, hội viên, quần chúng nhân dân thực hiện, khẳng định đây là việc phải làm, là điều kiện để nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất, từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong, ngoài huyện và xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế của huyện, nâng cao chất lượng xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao.

Cùng với đó, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường cho các sản phẩm đạt OCOP có nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, chú trọng việc đưa sản phẩm vào các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ trong và ngoài huyện. Tăng cường liên kết, liên doanh giữa người sản xuất với doanh nghiệp. Xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP hộ gia đình, cấp xã, cấp huyện phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương.

Quan tâm đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý các sản phẩm hàng hóa chủ lực, như: hỗ trợ tư vấn tạo lập, đăng ký và bảo hộ sở hữu trí tuệ; áp dụng các công cụ cải tiến năng xuất, chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp; khuyến khích cải tiến mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm, thường xuyên quảng bá sản phẩm, tạo điều kiện tiêu thụ sản phẩm gắn với phát triển du lịch, xây dựng các cửa hàng để giới thiệu, trưng bày và kinh doanh các sản phẩm OCOP nhằm tạo ý thức và thói quen cho người tiêu dùng sử dụng sản phẩm OCOP một cách rộng rãi, vì sức khỏe cộng đồng và thực hiện tốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Theo Báo Trà Vinh