Trà Vinh: Cơ hội và thách thức phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn

27/01/2023 - 10:14

Trong thời đại công nghệ 4.0 ngày càng phát triển, chuyển đổi số đã và đang tác động đến nông dân và doanh nghiệp (DN). Trên cơ sở đó, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan xác định chuyển đổi số là một trong những đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

A A

Ông La Quốc Yên (phải) khảo sát vùng nguyên liệu lúa theo hướng hữu cơ tại ấp Ngãi Lợi, xã Hưng Mỹ.

Chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh lúa hữu cơ

Một bước tiến rõ rệt trong công tác chuyển đổi số hiện nay phải kể đến Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thương mại và Sản xuất dịch vụ Châu Hưng, xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành luôn đồng hành cùng nông dân từ nguyên liệu đầu vào và đầu ra đến liên kết phân phối gạo hữu cơ lên sàn thương mại điện tử.

Ông La Quốc Yên, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thương mại và Sản xuất dịch vụ Châu Hưng cho biết: kinh doanh trên sàn thương mại điện tử không chỉ giúp nâng cao năng lực quản trị, còn hỗ trợ tốt cho DN. Hiện vùng nguyên liệu lúa hữu cơ của HTX tập trung ở xã Long Hòa, Hòa Minh, với diện tích 31,9ha, HTX bao tiêu giá 10.000 đồng/kg. Vùng lúa sản xuất theo hướng hữu cơ thu mua theo giá thị trường tập trung tại ấp Ngãi Lợi, xã Hưng Mỹ và ấp Qui Nông A, Qui Nông B, xã Hòa Lợi khoảng 180ha.

Để góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên, giảm công lao động, hạn chế chi phí sản xuất, HTX đầu tư máy bay phun xịt lúa giúp nông dân giảm thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt đảm bảo sức khỏe trong quá trình sản xuất. Ngoài việc cung cấp sản phẩm gạo hữu cơ cho khách hàng trong và ngoài tỉnh, sản phẩm gạo của HTX liên kết trên sàn thương mại điện tử nên thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng. Trung bình HTX thu mua 900 tấn lúa/năm, xay xát 450 tấn gạo. Trong năm 2022, HTX mua 01 vụ lúa 450 tấn lúa, còn 01 vụ đang sản xuất, ước đến cuối năm 2022 HTX giữ vững số lượng thu mua như năm 2021, lợi nhuận ước đạt 600 triệu đồng/năm, lợi nhuận 15%/cổ phần của thành viên/năm.

Nông dân Trương Ngọc Thanh, thành viên HTX là một trong những nông dân sản xuất lúa theo hướng hữu cơ ở ấp Ngãi Lợi, xã Hưng Mỹ cho biết: với gần 0,8ha lúa sản xuất 02 vụ/năm, năng suất năm nay ước đạt từ 5,5 - 06 tấn/ha, giá bán 7.100 đồng/kg, lợi nhuận 15 triệu đồng/vụ. Tham gia sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, được HTX cung ứng vật tư đầu vào và thanh toán cuối vụ, thu mua theo giá thị trường, nông dân an tâm sản xuất.

Nông dân Nguyễn Văn Cam, ngụ cùng ấp cho biết thêm: là thành viên HTX, mỗi vụ sản xuất lúa, ngoài được bao tiêu sản phẩm đầu ra, ưu đãi về chi phí đầu vào thấp hơn thị trường, còn giảm chi phí phun xịt khoảng 02 triệu đồng/ha so với các nông dân khác. Với 0,7ha lúa sản xuất theo hướng hữu cơ, năng suất năm nay đạt 5,5 tấn/ha, giá bán 7.100 đồng/kg, lợi nhuận hơn 12 triệu đồng/vụ.

Chuyển đổi số trong bán hàng trực tuyến

Chuyển đổi số là một trong những xu hướng, giải pháp đã và đang được người dân và DN quan tâm đầu tư trong thời gian gần đây, nhất là sau đại dịch Covid-19, DN, HTX, cơ sở sản xuất chuyển đổi từ loại hình kinh doanh truyền thống sang kinh doanh trực tuyến, góp phần tăng cường truy cập website, mở rộng kênh phân phối trên sàn thương mại điện tử.

Ông Dương Tiến Hải (trái) giới thiệu sản phẩm cá khô với khách hàng tại hội thảo tiêu thụ nông sản và giải pháp tìm kiếm thị trường.

Cơ sở sản xuất tôm cá khô Tiến Hải, ấp Động Cao, xã Đông Hải, huyện Duyên Hải là một trong những cơ sở được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Công ty Cổ phần Công nghệ và Truyền thông Smart Life hỗ trợ xây dựng ứng dụng thông tin quản lý sản xuất và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản của tỉnh và hỗ trợ giao dịch trên sàn nông sản sạch Azuamua.com.

Ông Dương Tiến Hải, chủ cơ sở sản xuất tôm cá khô Tiến Hải cho biết: sau khi tôm, cá khô được công nhận sản phẩm OCOP và kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, cơ sở mở rộng thêm khách hàng mới, khâu tiêu thụ thuận lợi hơn. Năm nay sản lượng tôm, cá khô khả năng không đáp ứng đủ các đơn đặt hàng, do phần lớn tôm, cá khô từ thiên nhiên nên nguồn khai thai thác đánh bắt của ngư dân đạt thấp, nguồn nguyên liệu mua vào ít, không đủ để sản xuất. Vì thế, kéo theo sản phẩm tôm, cá khô làm ra chỉ đạt từ 100 - 200kg tôm, cá khô các loại/tháng, tương đương với 01 - 02 tấn nguyên liệu đầu vào (bình quân từ 08 - 10kg nguyên liệu tươi làm ra 01kg/tôm, cá khô), lợi nhuận từ 10 - 20%, giải quyết việc làm thường xuyên cho 04 lao động tham gia sơ chế, phân loại tôm, cá khô, thu nhập 08 triệu đồng/người/tháng, vào thời cao điểm vụ Tết, cơ sở tăng thêm 10 lao động làm theo thời vụ, với mức thu nhập 30.000 đồng/giờ/lao động. Do nguồn nguyên liệu đầu vào không đảm bảo như mọi năm nên kế hoạch sản xuất hàng hóa Tết năm nay của cơ sở chỉ làm theo đơn đặt hàng.

Năm 2022, Sở Công thương phối hợp tổ chức Hội chợ triển lãm thương mại sản phẩm công nghiệp nông thôn - OCOP Trà Vinh; 10 hội chợ, phiên chợ hàng Việt về nông thôn trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ xây dựng và bàn giao 03 chuỗi cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm đặc trưng, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, thủ công mỹ nghệ, OCOP tại điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim; khu du lịch biển Ba Động và khu di tích Ao Bà Om, với 86 loại sản phẩm, doanh thu ước đạt 70 triệu đồng/tháng/cửa hàng; tổ chức tập huấn xây dựng kênh phân phối tự động 4.0 - Chương trình đưa sản phẩm địa phương ra thị trường 4.0. Hỗ trợ DN tham gia gian hàng Việt trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử Tiki.vn, Voso.vn, Sendo.vn: có 146 lượt DN, HTX tham gia với 464 loại sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và sản phẩm an toàn, VietGAP, ISO... Hỗ trợ 14 sàn thương mại điện tử liên kết các sàn giao dịch thương mại điện tử giữa các tỉnh.

Theo đồng chí Phạm Phước Trãi, Phó Giám đốc Sở Công thương, hoạt động xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh đã phát triển mạnh khắp các khu vực từ thành thị đến nông thôn và lan tỏa đến các tỉnh, thành trong cả nước, góp phần giúp DN trong tỉnh tham gia kết nối thị trường, giới thiệu hàng hóa, mở rộng thị trường…

Để thúc đẩy hàng hóa tiêu thụ ổn định, lâu dài, Sở Công thương tiếp tục hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp, đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm có thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế. Hướng tới đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên các sàn thương mại điện tử thông qua nền tảng số của các sàn đã liên kết, cung cấp các thông tin hữu ích cho các hộ sản xuất nông nghiệp như thông tin thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản... từ đó, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. 

Với sự chuyển dịch nổi bật từ kinh doanh truyền thống sang kinh doanh tập trung vào sản phẩm là minh chứng cho tầm quan trọng của công nghệ số đối với các cơ sở, hộ kinh doanh, DN trong thời đại hiện nay, nâng cao tính cạnh tranh của DN bán lẻ.

Theo Báo Trà Vinh