Trà Vinh công bố tình huống khẩn cấp sự cố sạt lở bờ sông tại huyện Cầu Ngang

02/01/2024 - 14:21

Lãnh đạo tỉnh Trà Vinh chỉ đạo huyện Cầu Ngang cắm biển báo, cảnh báo các khu vực bị sạt lở; thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình sạt lở tại khu vực này.


Một vị trí sạt lở bờ sông. Ảnh minh họa. (Ảnh: Lê Thúy Hằng/TTXVN)

Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh vừa công bố tình huống khẩn cấp sự cố sạt lở bờ sông Thâu Râu (xã Mỹ Long Nam), sông Vinh Kim (xã Vinh Kim), kênh Mương Khai (xã Long Sơn), huyện Cầu Ngang.

Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sự cố sạt lở tại các vị trí trên, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh chỉ đạo Ủy ban Nhân dân huyện Cầu Ngang cắm biển báo, cảnh báo các khu vực bị sạt lở; thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình sạt lở tại khu vực này để người dân biết, chủ động trong sinh hoạt, sản xuất và đề phòng nguy cơ rủi ro. Đồng thời, bố trí lực lượng theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở, thường xuyên báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Địa phương chuẩn bị vật tư, nhân lực, phương tiện, sẵn sàng ứng phó khi sự cố sạt lở uy hiếp an toàn tính mạng và tài sản của nhà nước và người dân trên địa bàn; tuyên truyền, vận động và hỗ trợ các hộ dân nằm trong khu vực sạt lở di dời đến nơi an toàn theo quy định.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Nhân dân huyện Cầu Ngang theo dõi diễn biến sạt lở, sẵn sàng phương án ứng phó sự cố; thường xuyên cập nhật, báo cáo diễn biến sạt lở, đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo xử lý kịp thời; tổ chức khảo sát, tham mưu, đề xuất các giải pháp công trình và phi công trình xử lý sự cố này.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quang Răng cho biết các vị trí sạt lở trên nằm ở sông lớn, thủy triều lên xuống nhanh, chênh lệch mực nước giữa chân và đỉnh triều lớn làm mất cân bằng áp lực và chịu tác động của dòng chảy mạnh.

Trong khi đó, đặc điểm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có nền đất yếu, liên kết kém gây nên tình trạng sạt lở diễn biến phức tạp.

Cụ thể, kênh Mương Khai bị sạt lở 3 đoạn với chiều dài khoảng 100m ở mức độ nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến tuyến đường giao thông huyết mạch của khu vực, tuyến đường này vừa là đường giao thông, vừa là bờ bao ngăn triều và là tuyến đường phục vụ công tác phòng, chống thiên tai khi có tình huống xảy ra.

Vị trí sạt lở ăn sâu vào nửa thân đường nên việc di chuyển, lưu thông trên tuyến đường này rất nguy hiểm.

Ngoài ra, tại khu vực này có khoảng 35 hộ dân đang sinh sống, trong đó có một nhà dân gần vị trí sạt lở, nếu không sớm khắc phục có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn tính mạng và có thể dẫn đến cô lập một số hộ dân sinh sống tại khu vực này.

Khu vực bờ sông Thâu Râu bị sạt lở ăn sâu vào đất liền hơn 10m, tại vị trí sạt lở có 1 nhà dân đang sinh sống.

Khu vực này có một tuyến đường độc đạo phục vụ đi lại của các hộ dân, có đoạn sạt lở sát chân đường, gây mất an toàn đối với công trình phòng, chống thiên tai (đây cũng là tuyến đường phục vụ công tác di dời, sơ tán dân khi có bão) và đe dọa đến an toàn tính mạng người dân khi lưu thông.

Sạt lở cũng làm ảnh hưởng đến 15ha diện tích nuôi trồng thủy sản và 20 hộ dân đang sinh sống.

Tại khu vực sông Vinh Kim, tác động của triều cường, dòng chảy khiến khu vực phía trong cống Vinh Kim bị sạt lở ăn sâu vào bờ khoảng 20m, ảnh hưởng đến an toàn tính mạng 14 hộ dân; đồng thời, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng công trình cống Vinh Kim trên địa bàn./.

Theo TTXVN/Vietnam+