Những năm qua, các cấp, các ngành trong tỉnh luôn quan tâm chú trọng công tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) từ khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, sử dụng,… đạt kết quả quan trọng, góp phần đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân đúng với quy định của pháp luật. Nhiều nhà sản xuất mạnh dạn đầu tư khoa học - kỹ thuật, đổi mới công nghệ, trang thiết bị, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến tạo sản phẩm chất lượng, đảm bảo ATTP, phục vụ người tiêu dùng…
Cơ sở sản xuất bánh tét Hai Lý thực hiện đúng quy định về ATTP từ khâu chế biến nguyên liệu gói bánh tét.
Tuy nhiên, công tác bảo đảm ATTP hiện nay đang đối mặt với những thách thức như: dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất bảo quản trong nông sản thực phẩm như rau, quả, thịt gia súc gia cầm, hải sản vẫn chưa kiểm soát triệt để. Chế biến thực phẩm còn nhiều hạn chế do trình độ quy mô sản xuất, chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh còn thủ công, quy mô hộ, cá thể nhỏ lẻ. Vì vậy, điều kiện ATTP của các cơ sở chế biến thực phẩm phần lớn chưa đạt yêu cầu. Vì thế, Tháng hành động vì ATTP năm 2024 với chủ đề “Bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới” nhằm đẩy mạnh các hoạt động vì ATTP, chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế và giảm thiểu các vụ ngộ độc thực phẩm, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vụ vi phạm về ATTP.
Bà Trần Thị Mỹ Xuyên, chủ cơ sở sản xuất bánh trung thu Mỹ Xuyên, thị trấn Cầu Ngang cho biết: hưởng ứng Tháng Hành động vì ATTP năm 2024, cơ sở cam kết bảo đảm chất lượng vệ sinh ATTP như: nâng cao vai trò, trách nhiệm người quản lý, nhằm tăng cường, bảo đảm các điều kiện vệ sinh ATTP, không để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm. Tuyên truyền cho người lao động tại đơn vị biết được tầm quan trọng của thực phẩm đối với sức khỏe và đời sống con người. Đồng thời, bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ trong chế biến thực phẩm như điều kiện bảo quản, dụng cụ chứa đựng thực phẩm tươi sống đúng quy định, vật liệu tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm an toàn, quy trình chế biến thực phẩm theo nguyên tắc một chiều tránh ô nhiễm chéo khi chế biến thực phẩm...
Người quản lý và người trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm được khám sức khỏe trước khi tuyển dụng và định kỳ hàng năm theo quy định. Được tập huấn ATTP, biết cách phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm trong quá trình chế biến, bảo quản thực phẩm. Nguyên liêu chế biến phải tươi sống, có hợp đồng, bảo đảm nguồn gốc thực phẩm an toàn, bảo quản tốt thực phẩm và thời gian sau chế biến đến khi ăn tránh xâm nhập của vi sinh vật và côn trùng, thực hiện chế độ lưu mẫu thức ăn chín trong tủ lạnh 24 giờ theo quy định. Nguồn nước dùng trong chế biến thực phẩm bảo đảm đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Y tế.
Bà Trần Thị Thúy Phượng, chủ cơ sở kinh doanh quán cà phê Milano, thức ăn sáng ở thị trấn Cầu Ngang cho biết: là cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở luôn xem chất lượng ATTP là trên hết. Tại cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống thì rau, thịt là nguyên liệu chính để chế biến món ăn. Chính vì thế, khi mua nguyên liệu rau, thịt, cơ sở quan tâm đến nguồn gốc và chất lượng, chọn thịt có màu sắc tự nhiên, săn chắc; rau, cải xanh tươi, không dập nát và đều ký hợp đồng cung cấp nguyên liệu với người cung cấp.
Là cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cũng như người tiêu dùng thực phẩm, cơ sở kinh doanh quán cà phê Milano mong muốn người trồng rau, chăn nuôi nên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và thuốc thú y, kháng sinh phân bón nằm trong danh mục cho phép và theo hướng dẫn của nhà sản xuất, nhất là sử dụng thức ăn chăn nuôi không chứa chất cấm; không tẩm ướp hóa chất độc hại vào thực phẩm tươi sống; không sử dụng cồn công nghiệp để pha và bán cho người tiêu dùng; người tiêu dùng rượu không nên lạm dụng rượu, không uống rượu vượt quá mức, rượu có nguồn gốc không rõ ràng…
Theo đồng chí Đường Quang Thập, Phó Chủ tịch UBND huyện Cầu Ngang, Tháng Hành động vì ATTP năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 đến ngày 15/5 trên phạm vi toàn huyện, đây là đợt cao điểm đẩy mạnh các hoạt động vì ATTP và chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể, các bệnh truyền qua thực phẩm do sử dụng sản phẩm thực phẩm không an toàn nói chung, sử dụng rượu, rau, thịt, thủy sản tươi sống nói riêng.
Thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn cách sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu dùng rau, thịt, thủy sản an toàn; thực hiện đúng quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, phụ gia, phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm thực phẩm rau, thịt, thủy sản do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc thú y, hóa chất bảo quản vượt mức quy định. Tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu; cơ sở sản xuất, kinh doanh, sơ chế, chế biến từ rau, thịt, thủy sản tươi sống; đặc biệt là các chợ cung cấp rau, thịt, thủy sản, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm.
Chủ động phối hợp với các ngành liên quan và địa phương tập trung giải quyết vấn đề ATTP từ khâu thúc đẩy, mở rộng sản xuất nông sản an toàn, tạo dựng thị trường tiêu thụ sản phẩm an toàn; xử lý nghiêm các vi phạm trong kinh doanh và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, tập trung tạo đột phá, chuyển biến ở 04 lĩnh vực chính: chất cấm trong chăn nuôi, hóa chất, kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hữu cơ,…
Đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về điều kiện ATTP; sức khỏe đối với người trực tiếp chế biến thực phẩm… Đối với người tiêu dùng chọn mua, chế biến, bảo quản và tiêu dùng rau, thịt, thủy sản tươi sống an toàn; không sử dụng những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Theo MỸ NHÂN (Báo Trà Vinh)