Trần Phong Sắc - Bậc kỳ tài trầm lặng của Long An

23/11/2020 - 15:41

Trần Phong Sắc được đánh giá là “cây bút dịch thuật trứ danh Nam Kỳ”, ông còn để lại cho đời quyển sách “gối đầu giường” của giới đờn ca tài tử. Và có rất ít người được biết đến ông, bởi sự khép kín và khác biệt của ông lúc sinh thời!?

Trần Phong Sắc cuộc đời và sự nghiệp là quyển sách hiếm hoi viết về ông Trần Phong Sắc, một người có đóng góp to lớn cho văn hóa, nghệ thuật tỉnh nhà nói riêng và Nam Bộ nói chung vào giai đoạn thế kỷ 20

Khi nói về nghệ thuật đờn ca tài tử, nhà nghiên cứu Võ Trường Kỳ thường nhắc đến tập Cầm ca tân điệu của Trần Phong Sắc và Lê Văn Tiếng như quyển sách “gối đầu giường” của giới đờn ca tài tử Nam bộ thời kỳ đó. Trong quyển Đờn ca tài tử Nam bộ, nhà nghiên cứu Võ Trường Kỳ có viết: “Sách do hai tác giả hợp soạn là Lê Văn Tiếng, nghệ nhân đờn ca tài tử huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An sưu tầm bản đờn và Trần Phong Sắc - nhà giáo, dịch giả, soạn giả ở thị xã Tân An (nay là thành phố thuộc tỉnh Long An) soạn lời bài ca… Sách in song song bản nhạc với bài ca, âm điệu từng chữ nhạc trùng khớp từng lời ca nên rất dễ tiếp thu đối với những người mới học đờn ca tài tử. Sách bán rất chạy, không kịp đáp ứng nhu cầu nên nhiều người chuyền nhau chép tay để học”. Điều đó chứng minh sức ảnh hưởng của quyển Cầm ca tân điệu trong giới tài tử thời bấy giờ.

Tuy nhiên, một trong hai tác giả quyển Cầm ca tân điệu lại không phải là người trong giới đờn ca tài tử. Tên ông hầu như không được nhắc đến trong giới tài tử tỉnh nhà. Vậy Trần Phong Sắc là ai và vì sao tên ông được trân trọng đặt cho một con đường tại TP.Tân An?!

Dịch giả tài ba

Trong Trần Phong Sắc - kỳ nhân đất Tân An xưa, nhà nghiên cứu Nguyễn Tấn Quốc có viết “Đóng góp của Trần Phong Sắc vào văn hóa nước nhà là rất đáng trân trọng nhưng do cuộc đời trầm lặng, âm thầm và nhiều nguyên nhân khác, ông không có chỗ đứng khiêm nhường nào trong Văn học sử miền Nam”.

Trần Phong Sắc (1873-1928) tên thật là Trần Đình Diệm, tự là Đằng Huy, người quê làng Bình Lập, tỉnh Tân An, nay thuộc TP.Tân An, tỉnh Long An. (Trần Phong Sắc - Cây bút dịch thuật “trứ danh Nam Kỳ” - Nguyễn Đông Triều).

Vào khoảng thế kỷ XX, độc giả miền Nam và ở Tân An hầu như ai cũng biết đến dịch giả Trần Phong Sắc, người đã dịch nhiều bộ truyện đi vào lòng người đọc. Những ai từng mê đắm các bộ Phong Thần, Tam Quốc Diễn Nghĩa, Tiết Nhơn Quý Chinh Đông, Tiết Đinh Sang Chinh Tây,… hẳn sẽ đồng tình về quan điểm trên. Vốn là một người giỏi chữ Hán, lại sống đạo đức, nghĩa khí, xem việc dịch thuật là đam mê, sở thích nên Trần Phong Sắc trở thành một trong những dịch giả nổi tiếng, được trọng vọng thời bấy giờ. “Báo Phụ nữ tân văn - tuần báo lừng danh nhất dành cho nữ giới ra đời năm 1929 - đã nhận xét về tài dịch thuật của ông: “Mấy ông Trần Phong Sắc, Nguyễn An Khương và Nguyễn Chánh Sắt là những tay dịch thuật trứ danh ở Nam Kỳ này””, Trần Phong Sắc - Cây bút dịch thuật “trứ danh Nam Kỳ”có chép.

Tuy là người tài ba, đạo đức, nhưng lối sống khép kín, có chút “dị biệt” khiến cho Trần Phong Sắc luôn bị học trò, đồng nghiệp kỳ thị và xa lánh. Trong Tân An ngày xưa của Đào Văn Hội có ghi: “Có lẽ vì thời ấy, trường tỉnh Tân An xem thường môn luân lý, vì ông Trần Phong Sắc quá hiền hậu lôi thôi, cũng vì mấy ông giáo khác ít nể ông, không răn dạy học trò phải kính trọng ông, nên giờ dạy luân lý, cái lớp của ông không khác nào cái chợ,… Người trí thức đồng thời ở Tân An ít ai hiểu ông, hễ nói tới ông là họ mỉm cười, có lẽ họ cho ông là một người gàn dở”.

Soạn giả, tác giả nổi tiếng

Cũng trong Tân An ngày xưa, Đào Văn Hội nhận định, Trần Phong Sắc là người xử thế theo thánh hiền, không mích lòng ai, không oán giận ai và gọi ông là một người “hữu Tài, vô Mạng”.

Quyển Cầm ca tân điệu được cho là sách "gối đầu giường" của giới tài tử thời bấy giờ (Trong ảnh: Quyển cầm ca tân điệu bản gốc và bản photo được nhà nghiên cứu Võ Trường Kỳ lưu giữ lại)

Thực vậy, tài năng của ông Trần Phong Sắc đã được đời sau ghi nhận bởi hàng loạt cống hiến của ông cho nền văn học và cả nghệ thuật của Nam bộ xưa. Những bản dịch truyện Tàu của ông đến nay vẫn được đánh giá là bản dịch hay và đắt giá so với nhiều bản dịch khác sau này. Không chỉ có tài dịch thuật, Trần Phong Sắc còn “nhúng tay” vào nghệ thuật khi cùng tài tử Lê Văn Tiếng soạn quyển Cầm ca tân điệu. Ông không phải là người trực tiếp biểu diễn đờn ca nhưng là người viết lời cho 20 bài bản tổ và được “ca sĩ nhà nghề công nhận là ca được”. Theo Nguyễn Đông Triều, ông Trần Phong Sắc còn là soạn giả. Với vốn kiến thức uyên bác sẵn có về truyện Tàu, ông chuyển thể thành những vở tuồng hát bội, cải lương phù hợp với tâm lý, văn hóa người Việt, được khán giả đón nhận: Tiết Đinh San Chinh Tây (1913), Đắc Kỷ Nhập Cung (1927), Khương Hậu Thọ Oan (1927), Hạng Võ Biệt Ngu Cơ (1928),… Vậy nhưng, tên tuổi của ông lại ít được nhắc đến trong giới đờn ca tài tử, cải lương tỉnh nhà!

Tên ông Trần Phong Sắc được đặt cho 1 tuyến đường thuộc phường 4, TP.Tân An

Ông còn là tác giả, sáng tác nhiều tác phẩm văn học, viết sách luân lý, giáo dục, viết và dịch sách tôn giáo, tín ngưỡng. Nhiều tác phẩm của ông có giá trị cao trong đời sống. Trong Trần Phong Sắc - cây bút dịch thuật trứ danh Nam Kỳ có chép: “Giá trị to lớn của Ấu viên tất độc được thể hiện rõ ràng qua việc Thống đốc Nam Kỳ và Toàn quyền Đông Dương cho phép dùng làm sách giáo khoa bậc tiểu học. Nữ trung bá hạnh và các sách còn lại cũng được chính quyền thực dân chọn làm sách tham khảo cho bộ môn Luân lý học, trong đó Sĩ hữu bá hạnh là kim chỉ nam cho nam giới trau dồi đức hạnh, Chủng tử tu tri bao gồm những kiến thức cần thiết trong việc nuôi dạy con cái, Vệ sanh thực trị là cẩm nang y học phổ thông và ẩm thực dưỡng sinh”. Ông còn là người giỏi y thuật, trị bệnh cho nhiều người.

Vậy nhưng, tuy là người tài hoa trong nhiều lĩnh vực, Trần Phong Sắc lại có cuộc sống bình thường, không giàu sang phú quý bởi theo nhiều nhận định ông là người “lấy việc dịch thuật, văn chương làm sở thích mà không mấy chú trọng về tiền tài”.  Có lẽ vì vậy mà trong các lĩnh vực văn học, nghệ thuật tỉnh nhà đều ít thấy tên ông xuất hiện. Trần Phong Sắc hưởng thọ 55 tuổi nhưng số lượng tác phẩm ông để lại cho đời trong tất cả các lĩnh vực có thể vượt qua hẳn số tuổi của ông. Điều đó chứng tỏ những nỗ lực vượt bậc của ông lúc sinh thời./.

Theo QUẾ LÂM (Báo Long An)

Bài viết tham khảo và tổng hợp từ:

(1). Trần Phong Sắc - Cây bút dịch thuật “trứ danh Nam Kỳ” - Nguyễn Đông Triều

(2). Tân An ngày xưa - Đào Văn Hội

(3). Trần Phong Sắc - kỳ nhân đất Tân An xưa -  Nguyễn Tấn Quốc

(4). Đờn ca tài tử Nam bộ - Võ Trường Kỳ