Trường trung học kháng chiến Ninh Bình - Một thời gian nan mà kiêu hãnh

27/04/2022 - 09:02

Trong những ngày tháng Tư lịch sử, tỉnh Cà Mau long trọng tổ chức tổng kết chương trình hợp tác giữa các tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu - Ninh Bình, giai đoạn 2017-2022. Nhìn về quá khứ, tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu - Ninh Bình đã kết nghĩa trên 60 năm, thời gian đủ dài để khẳng định sự gắn bó keo sơn, thuỷ chung giữa 2 miền Nam - Bắc.

A A

Nhân sự kiện ấn tượng và ý nghĩa này, Nhà báo Vân Khánh đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Trần Triều Dương, nguyên Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy TP Hồ Chí Minh - từng là học viên của Trường Nội trú Cà Mau - Ninh Bình. Ngôi trường có bề dày lịch sử 15 năm hình thành, phát triển và hoàn thành sứ mệnh (1964-1979), đã đào tạo lực lượng nòng cốt phục vụ sự nghiệp kháng chiến và kiến thiết quê hương.

Thiếu tướng Trần Triều Dương. Ảnh: T.K

- Là cựu học sinh Trường Trung học kháng chiến Ninh Bình, Thiếu tướng có thể chia sẻ về quá trình hình thành và phát triển ngôi trường đậm tình Nam - Bắc một nhà, lại mang tính cấp bách phục vụ kịp thời cuộc kháng chiến chống Mỹ, vừa có tầm vóc chiến lược cho xây dựng và bảo vệ đất nước sau này?

Thiếu tướng Trần Triều Dương: Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo và huy động toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tham gia chống Mỹ cứu nước. Cả miền Bắc là hậu phương lớn chi viện sức người, sức của để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Với khẩu hiệu “Vì miền Nam ruột thịt: Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, cùng các phong trào “Thanh niên 3 sẵn sàng, phụ nữ 3 đảm đang”, ngoài trực tiếp đưa cán bộ lãnh đạo cách mạng miền Nam, Đảng và Bác Hồ đã đưa bộ đội, vũ khí, hậu cần vào miền Nam trực tiếp chiến đấu. Đồng thời, chỉ đạo mỗi tỉnh miền Bắc kết nghĩa với các tỉnh miền Nam.

Để chuẩn bị đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất phục vụ cho công cuộc kháng chiến và kiến thiết miền Nam sau ngày giải phóng, có nhiều tỉnh miền Bắc đã kết nghĩa với các tỉnh miền Nam. Ví như tỉnh Thái Bình kết nghĩa với tỉnh Trà Vinh, “Cô Ba dũng sĩ quê ở Trà Vinh/Chị Hai năm tấn quê ở Thái Bình”; tỉnh Ninh Bình kết nghĩa với tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu. Trên cơ sở 2 tỉnh kết nghĩa, với tinh thần:

“Miền Nam yêu dấu ta ơi,

Xin hiến dâng cả trái tim chúng tôi đang sục sôi.

Miền Nam ơi, một tiếng của Người gọi.

Chúng tôi sẽ lên đường về quê hương miền Nam”.

(Lời bài hát "Miền Nam ơi chúng tôi đã sẵn sàng", sáng tác Lưu Cầu)

Với nghĩa tình thiêng liêng ấy, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình đã phân công các cán bộ giáo dục, các thầy cô giáo vượt Trường Sơn với “vũ khí” là các bộ sách giáo khoa hệ 10 năm của miền Bắc xã hội chủ nghĩa đến tận cuối trời Tổ quốc. Vào năm 1964, Tỉnh uỷ Cà Mau - Bạc Liêu lập ra trường nội trú tập trung để đào tạo con em cán bộ cấp tỉnh, chuẩn bị bổ sung cho lực lượng cách mạng sau này.

Từ đó, Trường Nội trú Ninh Bình trở thành trung tâm đào tạo cán bộ cho tỉnh, cho Khu Tây Nam Bộ… Kết quả, trường đã đào tạo được 4 khoá, bắt đầu từ năm 1964 kéo dài đến năm 1979. Hầu hết học sinh của 4 khoá đều trưởng thành, đóng góp to lớn vào công cuộc kháng chiến và kiến thiết quê hương, trong đó có nhiều tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp của quân đội, công an. Nhiều đồng chí là Uỷ viên Trung ương Đảng, là bí thư, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố.

Học sinh trường Ninh Bình tham gia lao động cải hoạt.  Ảnh tư liệu

- Tiếng vọng thân thương của một thời hào hùng oanh liệt mà lãng mạn niềm tin chiến thắng và kỷ niệm sâu sắc về tình thầy trò, bè bạn, đồng chí, đồng bào vẫn như ngọn lửa âm ỉ trong ông, dù đã hơn nửa thế kỷ trôi qua. Riêng với ông - người cha đi tập kết, mẹ ở lại miền Nam hàng ngày đối mặt với quân thù có sức tác động như thế nào đến ý chí, hành động của mình trong học tập, công tác và chiến đấu, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Trần Triều Dương: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các thế hệ học sinh trường Ninh Bình từ khoá I đến khoá III theo thống kê chưa đầy đủ (vì khi chuyển trường, chuyển lớp các bạn đã ra bộ đội chiến đấu), số thống kê được, hy sinh và bị thương 77 người. Có những học sinh hy sinh rất anh dũng, oanh liệt.

Chính vì sự hy sinh, đóng góp cho sự nghiệp cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của các thế hệ thầy và trò trường Ninh Bình nên trường được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

Đó là do sự lãnh đạo tài tình của Đảng, của Bác Hồ, Tỉnh uỷ Ninh Bình, Cà Mau, Bạc Liêu đã đào tạo lực lượng cho trước mắt và lâu dài. Nhìn lại quá trình đào tạo, học tập, chiến đấu của thầy, trò trường Ninh Bình, chúng ta thấy giai đoạn khoá II là khoá chịu nhiều hy sinh, gian khổ và chiến tranh ác liệt nhất. Sau 2 đợt tổng tấn công của ta vào cơ quan đầu não, bản doanh quân đội địch ở các đô thị từ Trung ương đến địa phương tháng 1 và tháng 5/1968, ta thắng lợi về chiến lược, toàn diện chính trị, ngoại giao… nhưng tổn thất rất nặng nề về lực lượng, cơ sở cách mạng hợp pháp…, phải tổ chức lại lực lượng, chỉnh huấn, chỉnh quân.

Lợi dụng cơ hội này Mỹ - nguỵ tăng cường đánh phá vào vùng căn cứ, vùng giải phóng của ta. Ngày cũng như đêm, chúng cho máy bay trinh sát, máy bay ném bom, máy bay trực thăng… quần đảo, rà soát lại các khu vực vùng giải phóng của ta. Chúng cơ động bắn phá, ném bom, đổ quân càn quét, chà đi sát lại để tìm diệt lực lượng cách mạng.

Trong một trận đổ quân càn quét của địch, trực thăng đã phóng pháo làm cô giáo Bảy Tươi hy sinh tại chỗ, cô giáo Năm Bé, vừa là y tá bị thương rất nặng, cô giáo Út Thu cũng bị thương. Trong một trận đổ quân càn quét khác, địch đã bắn cô Thu Vân (dạy lớp tôi), thầy Ba Châu (chủ nhiệm lớp tôi), các bạn Phan Anh Tuấn, Phạm Trường Giang bị thương.

Những chuyện tôi kể ra đây chỉ phản ánh một phần gian khổ, hiểm nguy, hy sinh của thầy và trò trường Ninh Bình thời đó. Có lúc không có gạo, thầy trò phải đi đốn củi, đào đất, cấy mướn… để đổi gạo. Các thầy cô dạy chúng tôi phải biết giúp dân, biết dựa vào dân, biết hy sinh vì dân. Các thầy cô khoá II trường Ninh Bình nữ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tôi nhớ cô Tư Hiền (y sĩ), cô Năm Bé (y tá), cô Út Thu, cô Thu Vân, cô Bảy Tươi… Các cô quan tâm, chăm sóc học sinh như con em mình và chúng tôi cũng quấn quýt thầy cô như người thân trong nhà.

Trong thời gian học từ lớp 5, 6, 7 (cấp II hệ 10 năm), tôi phát hiện 2 người bạn hoàn cảnh rất giống mình, có mẹ công tác ở một cơ quan của tỉnh, cha đi tập kết theo Hiệp định Geneve. Đó là Phạm Khánh Bình, mẹ là dì Sáu Mỹ, công tác ở phụ nữ tỉnh; Nguyễn Hồng Nhuỵ, mẹ là dì Sáu Dung, công tác ở Ban Tuyên huấn tỉnh. Còn mẹ tôi công tác ở Hội Nông dân giải phóng tỉnh. Chúng tôi hoàn toàn chưa biết mặt cha, và các mối quan hệ chỉ qua mẹ nên thường gọi là cậu, dì.

Lúc đó, mỗi lần liên hoan văn nghệ, ai ngâm bài “Dưới luỹ tre” của Nhà thơ Nguyễn Bá, cả 3 chúng tôi có cảm xúc riêng khó tả. Cha mình như thế nào? Gặp cha sẽ như thế nào? Rồi từ khi cô Bảy Tươi hy sinh, mỗi lần đọc hoặc nghe ai đọc lại bài “Dưới luỹ tre” tôi bùi ngùi xúc động, không thể cầm được nước mắt.

Đầu năm 1971, sau khi nhận giấy chứng nhận tốt nghiệp cấp II, chúng tôi tung cánh bay khắp nơi, người về Tỉnh đội, người về Quân khu, người học báo chí, người học điện đài, người học y, dược… Bằng cả đáy lòng mình, tôi xin chân thành cảm ơn tất cả thầy, cô giáo và cán bộ, công nhân viên của trường Ninh Bình qua các thời kỳ. Nhất là các thầy cô đã vượt Trường Sơn, ôm bộ sách giáo khoa hệ 10 năm về cuối trời Nam gieo hạt giống đỏ!

- Xin cảm ơn Thiếu tướng!

Theo Báo Cà Mau