Lãnh đạo Bộ VH-TT&DL cùng lãnh đạo tỉnh trao đổi ý kiến khi tham gia các hoạt động Tuần VH-DL Bạc Liêu 2019.
Từ khát vọng vươn lên…
Tại lễ khai mạc Tuần VH-DL, Trưởng Ban tổ chức sự kiện, Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung đã nhấn mạnh: “Tuần VH-DL lần đầu tiên được tổ chức gắn với sự kiện kỷ niệm 100 năm ra đời bản Dạ cổ hoài lang của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, 100 năm hình thành kiến trúc nghệ thuật nhà Công tử Bạc Liêu. Tự hào với bản sắc đặc trưng và truyền thống tốt đẹp đó, Bạc Liêu đã và đang nỗ lực vươn lên với ý chí và khát vọng to lớn, hòa cùng với khát vọng của cả dân tộc”.
Để hiện thực hóa khát vọng đó, bên cạnh phát triển kinh tế, những năm gần đây, Bạc Liêu rất quan tâm gìn giữ, tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp, đồng thời tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh nhà, kết hợp hài hòa trong phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước xác định và được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cụ thể hóa theo 5 trụ cột.
Thông qua Tuần VH-DL với đa dạng các hoạt động, Bạc Liêu mong muốn giới thiệu, quảng bá các nét đặc sắc về VH-DL của mình đến với bạn bè trong nước và quốc tế; tạo điều kiện cho việc hợp tác trong lĩnh vực văn hóa gắn với thúc đẩy phát triển du lịch, tăng cường kết nối tua, tuyến, thu hút du khách. Đồng thời, đây còn là cơ hội để tỉnh kết nối với các tỉnh, thành phố tổ chức ký kết, hợp tác xúc tiến đầu tư - thương mại, phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội các địa phương trong thời gian tới, nhất là giữa TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL…
Bạc Liêu đã huy động toàn hệ thống chính trị vào cuộc cho sự kiện này, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2019. Tuần VH-DL không chỉ tôn vinh, giới thiệu di sản văn hóa, tiềm năng du lịch địa phương mà còn rộng hơn là quảng bá nhiều di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận với sự tham gia của các tỉnh: Phú Thọ, Bắc Ninh, Nam Định, Đắk Lắk, Quảng Nam, Ninh Thuận, Long An và Ninh Bình. Các cấp ủy đảng, chính quyền Bạc Liêu đã nỗ lực, quyết liệt trong chỉ đạo, phân công trách nhiệm một cách sâu sát: Ban tổ chức đã đề nghị các cơ quan có liên quan phải trực tiếp đến các tỉnh có di sản văn hóa phi vật thể để mời hợp tác, học hỏi kinh nghiệm các tỉnh đã từng tổ chức. Đích thân Trưởng Ban tổ chức tham gia nhiều đợt khảo sát, kiểm tra tiến độ chuẩn bị; các tiểu ban xây dựng kế hoạch cụ thể, tính toán chi tiết kinh phí, các công việc thực hiện; chỉ đạo xây dựng các hoạt động để người dân có thể trực tiếp tham gia nhằm tạo sự lan tỏa, quảng bá rộng rãi hơn…
Tiết mục văn nghệ tại lễ khai mạc Tuần VH-DL Bạc Liêu 2019. Ảnh: H.T-M.Đ
Đến sự thành công ấn tượng
Sự nỗ lực của Bạc Liêu trong đường hướng phát triển kinh tế nói chung và củng cố trụ cột du lịch nói riêng đã được ghi nhận. Những chỉ đạo của Trung ương dành cho Bạc Liêu cũng chính là những mục tiêu, quyết tâm chính trị cao mà các cấp ủy, chính quyền nơi đây đang đồng tâm hiệp lực thực hiện (cụ thể trong nhiệm vụ làm sao để du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng). Đó là đẩy mạnh liên kết hợp tác với các tỉnh trong và ngoài vùng, đặc biệt là liên kết với TP. Hồ Chí Minh - trung tâm phân phối khách, đồng thời là thị trường nguồn khách nội địa hàng đầu của cả nước. Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có (hiện Bạc Liêu sở hữu 13 di tích cấp quốc gia, 34 di tích cấp tỉnh, sự giao thoa của 3 dòng văn hóa Kinh - Hoa - Khmer, nơi sản sinh ra bản Dạ cổ hoài lang của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, “cái nôi” của ĐCTT Nam bộ…), Bạc Liêu không chỉ nhận diện được giá trị các di sản mà còn chủ động triển khai các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị, góp phần phát triển du lịch nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung.
Tuần VH-DL để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp, khó quên trong lòng người dân, du khách trong và ngoài nước. Bầu không khí vui tươi, náo nhiệt với nhiều hoạt động VH-DL đặc sắc, hấp dẫn đã đem đến cho đại biểu và du khách cái nhìn rõ nét hơn về đặc trưng văn hóa và tiềm năng du lịch Bạc Liêu. Lượng khách đến tỉnh trong những ngày diễn ra sự kiện tăng gần 20 lần so với những ngày bình thường, đạt khoảng 500.000 lượt khách đến tham quan, trong đó có trên 180.000 lượt khách sử dụng dịch vụ lưu trú.
Thực tế ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã chứng minh rằng, nhiều di sản văn hóa đã trở thành những sản phẩm VH-DL hoàn chỉnh, vừa là động lực, vừa là mục tiêu cho sự phát triển ngành kinh tế mũi nhọn du lịch, đồng thời, từng bước làm thay đổi cơ cấu kinh tế của địa phương nơi có di sản; mang tới cho cộng đồng và địa phương những lợi ích thiết thực và bền vững. Sớm khẳng định sâu sắc điều đó, nên việc gìn giữ, phát huy giá trị các di sản văn hóa địa phương nói riêng, di sản văn hóa Việt Nam các vùng miền nói chung đã được Bạc Liêu đặt thành trọng trách với tinh thần chỉ đạo sâu sát và quyết liệt. Những lễ hội văn hóa tiêu biểu như Festival Đờn ca tài tử quốc gia, Ngày hội văn hóa Khmer Nam bộ..., và giờ là Tuần VH-DL gặt hái thành công đầy ấn tượng là minh chứng sống động.
Tuần Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu 2019 đạt được đa mục tiêu, cả về giới thiệu, quảng bá các đặc trưng của văn hóa - du lịch Bạc Liêu, cũng như tôn vinh các giá trị văn hóa dân tộc thông qua việc hội tụ các di sản phi vật thể của nhân loại; đồng thời giúp tăng cường sự hợp tác, liên kết, kết nối tua, tuyến, thu hút du khách, thúc đẩy phát triển du lịch. Việc tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch với sáng kiến kết nối các tỉnh, thành phố trong không gian “Hội tụ các miền di sản” được UNESCO vinh danh của Bạc Liêu đã được Bộ VH-TT&DL đánh giá cao. Và sau sự kiện này, một hướng đi lạc quan cho du lịch Bạc Liêu là Bộ VH-TT&DL sẽ phối hợp chặt chẽ với tỉnh triển khai hiệu quả các chương trình bảo tồn, phát huy các di tích, di sản văn hóa phi vật thể, cảnh quan môi trường, nếp sống văn minh tạo tiền đề du lịch địa phương phát triển hiệu quả, bền vững…
(trích phát biểu bế mạc của Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu 2019 - Dương Thành Trung
Theo Báo Bạc Liêu