Về miền di sản

05/09/2023 - 16:02

Vào một ngày cuối tháng 8, tiết trời trong veo, tôi chạy xe xuôi theo ĐT902 để đến cầu kinh Thầy Cai nằm cách trung tâm TP Vĩnh Long khoảng 12 cây số.

A A

Tàu đưa khách du lịch trên kinh Thầy Cai.

Qua cầu Thầy Cai, rẽ tay phải vào con đường nhựa nhỏ là “lọt” ngay vào “Vương quốc gạch gốm” với hàng chục miệng lò gạch dọc hai bên đường và trải dài mút mắt ở hai phía bờ kinh.

Ghé vào một lò gạch có cất cái quán ven sông, kêu ly cà phê, rồi làm quen chủ quán để nhờ địa điểm ngồi vẽ.

Anh chủ nhà trung niên đang nằm võng bật dậy nhiệt tình hỗ trợ. Anh cho biết chỗ tôi đang đứng là thuộc xã Mỹ Phước, huyện Mang Thít- là 1 trong 4 xã còn nhiều lò gạch gồm các xã Mỹ An, Mỹ Phước, Nhơn Phú và Hòa Tịnh.

Kinh Thầy Cai, Mang Thít.Ký họa màu nước: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)

Kinh Thầy Cai, Mang Thít.Ký họa màu nước: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)

Mùa này dòng kinh nước ngả màu nâu đục như chở cả dòng lịch sử về câu chuyện trăm năm trước có ông Cai Đội cho đào con kinh này, để vừa thuận tiện giao thông vừa đưa nước ngọt từ sông Cổ Chiên phục vụ canh tác, nhân gian vì vậy đã đặt tên con kinh đào này là kinh Thầy Cai.

Ngồi bên dòng kinh Thầy Cai gió lồng lộng thổi, ngó sang bờ bên kia sông là dãy lò gạch in bóng xuống dòng sông phẳng lặng, anh chủ nhà vừa nằm võng vừa nói về một thời hoàng kim của “Vương quốc gạch gốm” với mấy ngàn lò gạch hoạt động, đỏ lửa suốt ngày đêm, khói bay mù mịt một vùng, không khí ô nhiễm muốn ngạt thở vì khói bụi, còn dưới sông tàu ghe lui tới tấp nập, chiếc chở đất nguyên liệu từ miệt Trà Vinh mang về, chiếc chở gạch thành phẩm đi bán các nơi…

Còn giờ đây sông nước lặng trôi, chỉ còn vài trăm lò gạch trụ lại, đa phần ngưng hoạt động cỏ hoang phủ lối, lò liên hoàn đang thay thế lò truyền thống, nên khói cũng hiếm hoi, thỉnh thoảng dòng kinh Thầy Cai gợn sóng vì có chiếc xà lan chạy ngang, dăm ba chiếc tàu đò đưa khách du lịch chạy dọc kinh Thầy Cai để du khách phương xa ngắm một lần cho biết thế nào là “Vương quốc gạch gốm”.

Nhìn màu gạch đỏ au in bóng xuống dòng kinh, tôi không dám phung phí thời gian, xin gửi chút tình cảm của mình vào tranh vẽ để dành tặng cho vùng di sản gạch, gốm bên dòng kinh Thầy Cai. Nơi có những dãy lò gạch trông xa xa như những “lâu đài, thành quách” cổ kính, rêu phong!

Theo TRẦN THẮNG (Báo Vĩnh Long)