Về Năm Căn nhớ Làng rừng Nhà Hội

08/02/2021 - 09:56

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Cà Mau xuất hiện những địa danh mới “Làng rừng”! Cũng như các tỉnh ở miền Tây nơi có rừng, cũng xây ấp, xây làng chiến đấu chống giặc.

A A

Cửa Hóc Năng, xã Tam Giang là một trong những cửa sông ra vào của Ðoàn 962. Ðây còn là bãi tập kết vũ khí trước khi phân phối đi các chiến trường. Ảnh tư liệu

Cà Mau có đến hàng chục làng rừng, bà con vào làng rừng để bảo toàn lực lượng, tiếp tục đánh giặc. Ðây gồm những người dân chí cốt với cách mạng, quyết không chịu đầu hàng, chung sống với giặc, mà vào rừng sâu xây dựng căn cứ, chờ thời cơ chiến đấu với kẻ thù.

Trong những năm 1958-1959, ở Cà Mau mọc lên nhiều làng rừng ở các xã Khánh An, Khánh Lâm, Khánh Bình (thuộc rừng tràm U Minh), Năm Căn, Tân Tiến, Tân Thuận (rừng đước Ngọc Hiển). Một số làng rừng khác cũng được hình thành tại các rừng chồi ở Tân Hưng Tây, Phong Lạc, kênh Tư Hà, Nhà Hội, Hàm Rồng, Kênh 8 La Cua Biển Bạch (thuộc U Minh Thượng) các làng rừng đã góp phần quan trọng bảo vệ và phát triển lực lượng cách mạng trong tỉnh nhà.

Người sống trong làng rừng hết lòng thương yêu đùm bọc nhau, đoàn kết sống chết với cách mạng trong cuộc chiến đấu, gian khổ, hy sinh. Ðảng với dân càng gắn bó thân thiết, đậm đà.

Sau tờ báo U Minh Anh Dũng (báo của Tỉnh đội Cà Mau tạm ngưng hoạt động) tôi được phân công biệt phái sang cơ quan Tuyên huấn của tỉnh Cà Mau, tiếp tục công tác báo chí, phục vụ tờ văn nghệ Lúa Vàng (nay là Tạp chí Văn nghệ Cà Mau). Thời gian tôi được phân công mở lớp hội hoạ tập trung cho tỉnh, sau đó đi mở các lớp đào tạo cán bộ thông tin cơ sở cho các huyện. Dạy cho học viên biết cắt băng, kẻ, vẽ biểu ngữ, trình bày tờ tin cho các huyện: Mười Cư (nay là Thới Bình), huyện Tư Kháng (nay là Ðầm Dơi), huyện Duyên Hải (nay là Ngọc Hiển, Năm Căn).

Thời gian về Duyên Hải, tôi bám trụ lâu với bà con ở làng rừng Nhà Hội. Ở đây có hơn 50 hộ dân trên khu vực Kênh 17, Tam Giang, các gia đình dân sống theo 2 bờ sông Cửa Lớn và xung quanh ngã ba Tam Giang. Khi giặc đến chiếm đóng, Nhân dân dọn nhà vào rừng trú ẩn và xây dựng thành xóm, thành làng trên ngọn rạch Nhà Hội. Làng rừng Nhà Hội còn có cơ quan lãnh đạo huyện Duyên Hải, các bộ phận cơ quan khu và các ngành huyện cũng ở Làng rừng Nhà Hội. Về đây, tôi được Ban Tuyên huấn huyện sắp xếp xây dựng hội trường, mở lớp thông tin cho huyện.

Sau lớp bế giảng, tôi được theo các lực lượng vũ trang địa phương, theo bộ đội săn tàu của anh Tư Quyền đánh tàu giặc, ghi chép tư liệu chiến trường bằng chụp ảnh, ký hoạ hay nhật ký cho báo chí. Vào chiến dịch "Sóng tình thương" của giặc, trận đánh tàu, đánh trực thăng của giặc tại vàm kênh Chủ Ðiềm (sông Cửa Lớn) tôi bị thương đùi chân phải.

Về Năm Căn, nhớ lần theo bộ đội săn tàu, đêm về nghỉ quân nhà má Hai trên ngọn rạch Nhà Hội. Sáng sớm bọn biệt kích Mỹ mò vào, chúng định đánh cơ quan Phụ nữ tỉnh Cà Mau trong ngọn lung Cá Trê, rạch Nhà Hội, má Hai phát hiện có giặc. Các chiến sĩ 962 chủ động nổ súng, bọn biệt kích Mỹ bị đánh một trận tan tác, xoá phiên hiệu đơn vị biệt kích Mỹ.

Nhớ, trong một buổi chiều vừa dứt cơn mưa, 2 trực thăng Mỹ từ căn cứ hải quân Năm Căn cất cánh đi bắn phá, nó phát hiện khói nhà dân ở làng rừng Nhà Hội vào buổi nấu cơm chiều. Dân gọi nhau, người leo cây, run cho tan khói, nhưng không khỏi… Trực thăng giặc như điên cuồng, vừa bắn đại liên, vừa phóng róc-két xuống các nhà dân từ khói bốc lên. Cây rừng ngã đỗ, chúng bắn dữ dội vào các hầm trú ẩn. Một trái pháo róc-két làm chiếc giường ngủ của tôi tung lên, cả hành lý đều bay ra rừng.

Cơ quan nông dân ở gần, bị đạn pháo đổ sập, cán bộ chạy bỏ hầm. Cô Sương, vợ liệt sĩ bộ đội săn tàu, cõng đứa con từ nhà chạy trên đường cầu, một mảnh pháo trúng vào lưng, cô té ngã, tay còn ôm con. Nước lớn đỗ tràn rừng, đứa bé bị nhận dưới nước. Mấy lần tôi toan chạy ra cứu bé, nhưng mọi người trong hầm ngăn lại vì trực thăng đang bắn rát. Tôi gạt tay anh em chạy ra ôm thằng bé và đưa người cô Sương gác lên đường cầu. Tôi cõng thằng bé chạy ra khỏi làn đạn trực thăng đang bắn. Cõng bé chạy đường rừng hơn cây số, giao bé cho chị Ba Thanh, Hội trưởng Phụ nữ huyện Duyên Hải, được các chị nuôi dưỡng và đặt tên nó là Bé Ngoan.

Làng rừng Nhà Hội, nơi tôi gắn bó, cơ quan tôi từ Giáp Nước, huyện Cái Nước, tôi được phân công địa bàn công tác xuống huyện Duyên Hải, đường đó cách hơn một ngày, phải vượt qua các sông chiến lược, nguy hiểm, bọn giặc thường đưa quân ngăn đón. Tuy vậy, tôi xem làng rừng Nhà Hội là nơi tôi gắn bó và quyết tâm đến đó. Về Nhà Hội với tình cảm thiêng liêng, nơi đây còn có nhiều kỷ niệm trong đời.

Hàng tháng đi và về, xuyên qua những đồng nước bạt ngàn rau màu từ thiên nhiên. Cứ mỗi lần về vùng căn cứ Nhà Hội, tôi dừng xuồng nhiều lần, trầm mình nhổ bông súng, rau muống, bắp chuối, trái giác… các loại ở rừng đước, nước mặn hiếm có trong những bữa cơm gia đình. Về đến đầu xóm, mỗi nhà của bà con tôi tặng một ít quà quý này. Cả xuồng tôi phân chia cho từng nhà, có khi về tới chỗ ở chỉ còn một ít.

Năm tháng gian khổ trên chiến trường sông nước, tôi được đùm bọc trong tình thương yêu của bà con và cán bộ ở làng rừng Nhà Hội, gắn chặt như người thân trong gia đình./.

Theo NGUYỄN HIỆP (Báo Cà Mau)