Về nội dung bia mộ của nữ sĩ Sương Nguyệt Anh

22/06/2022 - 09:21

Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh tên thật là Nguyễn Thị Khuê, sinh ngày mùng 1 tháng 2 năm Giáp Tý (1864) tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Cho đến bây giờ, tên tuổi, năm sinh, năm mất của bà vẫn được thể hiện khác nhau trên nhiều sách, báo. Tấm bia mộ của bà được dựng lên từ năm 1959, đến nay, cũng còn nhiều ý kiến khác nhau.

A A

Bia mộ Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh. Ảnh: Q. trị

Hiện trạng nội dung bia mộ được gói gọn những từ như sau: Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh; Nhũ danh Nguyễn Ngọc Khuê. Hưởng thọ 58 tuổi. Từ trần ngày 12 tháng 12 năm Tân Dậu 1922.

Bên trái, có ghi hai dòng thơ thẳng đứng song song: “Lọng sường dầu rách còn kêu lọng/ Ô bịt vàng ròng cũng tiếng ô”.

Trước hết, nói về tên của bà. Theo Gia phả Nguyễn Chi Thế Phổ (阮枝世譜) thì các con của cụ Nguyễn Đình Chiểu với bà Lê Thị Điền gồm có: Nguyễn Thị Hương (1855); Nguyễn Đình Chúc (1858); Nguyễn Thị Xuyến (1861); Nguyễn Thị Khuê (1864); một người con mất sớm (khuyết danh); Nguyễn Đình Chiêm (1869); Nguyễn Đình Ngưỡng (1872) mất sớm.

Vậy tên thật của bà chính là Nguyễn Thị Khuê. Nhưng trên bia mộ ghi là Nguyễn Ngọc Khuê, còn bia ở khu nhà cũ (thị trấn Ba Tri) ghi là Nguyễn Thị Ngọc Khuê. Vì sao vậy?

Theo Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh, trang 471, Khuê (圭) (tức là hòn ngọc trên tròn dưới vuông, hoặc trên nhọn dưới vuông). Trường hợp của bà Khuê, tên hình thành một bên chữ “Ngọc” (玉), một bên chữ “Khuê” (圭). Nếu đọc rời ra hai bộ thì có hai từ “Ngọc Khuê”; nếu đọc gộp lại làm một từ cũng gọi là “Khuê” (珪).

Vấn đề ở đây là “nhũ danh” (tức tên đặt khi mới đẻ) chỉ có thể là Nguyễn Thị Khuê mà thôi! (không gọi Nguyễn Ngọc Khuê hoặc Nguyễn Thị Ngọc Khuê).

Cũng có một số bài báo cho rằng tên thật của bà là Nguyễn Xuân Khuê hoặc Nguyễn Thị Xuân Khuê? Phần này, trước đây, học giả Hồ Hữu Tường đã có phân tích: “Một nhà nho (như cụ Nguyễn Đình Chiểu) không thể nào lấy chữ “Xuân Khuê” (có nghĩa là “cái hĩm”, tức “âm hộ”) mà đặt tên cho con gái mình” (Tạp chí Bách Khoa số 382, ra ngày 30-11-1972). Đây cũng là cơ sở để ta xem xét từ “Xuân Khuê” được gán cho bà.

Ngoài ra vẫn còn không ít nơi (tỉnh, thành bạn) ngộ nhận tên tự của bà Sương Nguyệt Anh là Sương Nguyệt Ánh? (kể cả tên đường, tên trường). Vấn đề này, thiết nghĩ không có lời giải thích nào hợp lý, hợp tình hơn bằng mượn ý thơ của người cháu ruột (tức bà Nguyễn Thị Long) trong bài “Khóc cô mẫu” để xác định tên tự Nguyệt Anh là đúng.

“Dựng mồ kỷ niệm Nguyệt Anh cô/ Vóc dạng ngày nay biết ở mô?/ Tờ báo Giới Chung còn dấu tích/ Tấm bia liệt nữ nét nào khô/ Sông Tri rày đặng nương hồn phách/ Đất khách từ đây lánh bụi hồ/ Phận cháu Thoại Long lòng kính mến/ Nguyệt Anh cô, hỡi Nguyệt Anh cô!”.

Nếu là Nguyệt Ánh thì ắt bà Nguyễn Thị Long sẽ không gieo vần như bài thơ trên.

Về hai câu thơ trên bia mộ, từ lâu, đã gắn với giai thoại văn học Việt Nam. Rằng, sau khi chồng mất, bà thêm từ “sương” vào bút danh Nguyệt Anh (sương phụ =  đàn bà góa) với ngụ ý thủ tiết. Nhưng dòng đời vẫn chuyển động, vẫn có người muốn “bước tới” với bà, trong số đó có ông Bảy Nguyện ở Mỏ Cày đã “tỏ tình” qua bài thơ tứ tuyệt: Ai về nhắn với Nguyệt Anh cô/ Chẳng biết lòng cô tính thể mô?/ Không phải vãi chùa toan đóng cửa/ Đây hòng gấm ghé bắc cầu ô.

Không chút nao lòng, bà trả lời bằng hai khổ thơ tứ tuyệt, trong đó có 4 câu: Chẳng phải tiên cô cũng đạo cô/ Cuộc đời dâu bể biết là mô?/ Lọng sương dầu rách còn kêu lọng/ Ô bịt vàng ròng cũng tiếng ô/.

Chẳng hiểu vì sao, trên bia mộ của bà, câu thứ ba được ghi là “Lọng sường dầu rách còn kêu lọng”? Đã qua, không ít người nghĩ rằng, chỉ cần bỏ chữ “g” sau từ “sường” thì xóa được lỗi chính tả (Lọng sườn, sườn lọng). Nhưng vấn đề không phải chỉ ở chỗ chính tả, mà là ở hồn cốt của lời thơ!

Theo học giả Hồ Hữu Tường, khi viết câu thơ trên, nữ sĩ Sương Nguyệt Anh đã vận dụng câu ca dao Nam Bộ tuyệt hay: “Lọng che sương dầu sườn cũng lọng/ Ô bịt vàng dầu trọng cũng ô”. Bà đã bớt đi từ “che”, thay từ “sườn” bằng từ “rách” trong câu thứ nhứt của ca dao. Vì lọng rách rồi thì mới phơi ra sườn. “Lọng sườn dầu rách còn kêu lọng” thì hai chữ “sườn” và “rách” đã trùng ý, tất dư một chữ” (Tạp chí Bách Khoa số 384, ngày 28-12-1972). Nhận xét này rất tinh tế và càng chí lý khi hiểu ở góc độ sâu xa của từ “sương” - trung trinh, trong sáng, thánh thiện… của bà! Còn ô là cái dù. Ô đồng âm với ô uế, ô nhiễm, ô trọc, ô danh… Một kiểu “chơi chữ” thật tài tình, thật lý thú! Đọc lên hai câu, ta nghe thấm đậm hồn cốt thanh cao, thần thơ lan tỏa!...

Về ngày, tháng, năm sinh và mất của bà vẫn là cái lõi của câu chuyện cần bàn. Căn cứ vào bản gia phả (Nguyễn Chi Thế Phổ) mà hiện nay, chị Âu Dương Thị Yến (cháu cố ngoại của cụ Nguyễn Đình Chiêm) nắm giữ thì ngày, tháng, năm sinh và ngày, tháng, năm mất của bà được ghi như sau:

Phiên âm: Đệ ngũ hàng Nguyễn Thị Khuê. Sinh vu Quý Hợi niên thập nhị nguyệt chấp tứ nhật. Giá vu Mỹ Tho Thạch Hồ xứ nhân thị Nguyễn tính. Vong ư Canh Thân thập nhị nguyệt thập nhị nhật, táng tại Bảo Thuận Mỹ Nhơn thôn. Vong niên ngũ thập bát tuế.

Dịch nghĩa: Hàng thứ năm Nguyễn Thị Khuê. Sinh ngày 24 tháng 12 năm Quý Hợi. Gả cho người họ Nguyễn ở xứ Thạch Hồ, Mỹ Tho. Mất ngày 12 tháng 12 năm Canh Thân, táng tại thôn Mỹ Nhơn, Bảo Thuận. Mất năm 58 tuổi.

Nhưng căn cứ ý kiến của bà 8 Phụng (vào tháng 8-1975) khi trả lời với Nhà thơ Vũ Đình Liên (có Nguyễn Quang Trị cùng nghe), thì: “Chị tôi (tức bà Bảy Long) đã thống nhất với tôi và Mai Huỳnh Hoa lấy ngày mất của cô tôi là 12 tháng Chạp năm Tân Dậu (chứ không phải năm Canh Thân) và ngày sinh là mùng 1 tháng 2 năm Giáp Tý (chứ không phải năm Quý Hợi)”. Vậy là, cả năm sinh và năm mất đều chênh nhau một năm. Hai bà căn cứ vào ngày, tháng, năm âm lịch để làm cơ sở.

Có điều lạ là, thời điểm năm 1959, lúc cải táng hài cốt nữ sĩ Sương Nguyệt Anh thì gia phả nằm trong tay bà Nguyễn Thị Long. Bà Bảy Long là người rất giỏi chữ Hán Nôm. Nếu bà đã quyết định ngày, tháng, năm sinh và mất thì tại sao không có sự đính chính kịp thời trong gia phả? Và tại sao trên bia mộ bà Sương Nguyệt Anh chỉ có ngày, tháng, năm mất mà không có ngày, tháng, năm sinh?

Dẫu sao, ngày, tháng, năm mất đã được ba người nhà có uy tín (Bảy Long, Tám Phụng, Huỳnh Hoa) xác định trên bia mộ rồi thì không nên bàn cãi nữa! Chỉ nên phiên cho đúng ngày, tháng, năm dương lịch là được. Theo đó, bà Sương Nguyệt Anh mất ngày 12 tháng Chạp năm Tân Dậu, nhằm ngày 9-1-1922.

Còn ngày, tháng, năm sinh, bà Mai Huỳnh Hoa xác định (trong Từ Điển Văn học, bộ mới) ngày 1 tháng 2 là ngày âm, tức ngày 1 tháng 2 năm Giáp Tý (qui đổi ra ngày dương là 8-3-1864). Địa chí Bến Tre cũng ghi: sinh ngày 1 tháng 2 năm Giáp Tý (1864).

Từ những cơ sở trên, bia mộ bà Sương Nguyệt Anh có thể hình thành nội dung như sau: Nữ sĩ SƯƠNG NGUYỆT ANH; Nhũ danh NGUYỄN THỊ KHUÊ; Sinh ngày mùng 01 tháng 02 năm Giáp Tý (8/3/1864); Mất ngày 12 tháng Chạp năm Tân Dậu (9/1/1922)

Hai câu thơ cần chỉnh lại một từ: sương

“Lọng sương dầu rách còn kêu lọng,/ Ô bịt vàng ròng cũng tiếng ô”

Nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (1-7-1822 - 1-7-2022), thiết nghĩ, nội dung bia mộ của Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh vốn nằm trong Khu di tích Quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu cần được tham khảo ý kiến để xác định sớm, tạo sự thống nhất tư liệu về một nữ chủ bút đầu tiên của báo giới Nam Kỳ, phục vụ thiết thực cho công tác giáo dục truyền thống hiện tại và mai sau.

Nguyễn Quang Trị - Chủ tịch Hội Di sản vă hóa tỉnh

Theo báo Đồng Khởi