Dù đi miền Tây rất nhiều lần, tôi vẫn chưa khám phá được tất cả những tỉnh thành của miền đồng bằng gánh nặng phù sa. Chuyến hành trình của tôi bắt đầu vào tối thứ sáu.
Đón chuyến xe 12h đêm của nhà xe Phương Trang tại bến xe Miền Tây, sau một giấc ngủ 6 tiếng, tôi đã có mặt ở TP Bạc Liêu. Gửi đồ đạc tại khách sạn xong, tôi bắt đầu chuyến hành trình thú vị khám phá miền đất hoài cổ này.
Bảo tàng Bạc Liêu
Bên trong bảo tàng Bạc Liêu
Sau một vòng tham quan Bảo tàng Bạc Liêu (miễn phí vào cửa), tôi đã biết hơn về đặc trưng văn hóa dân tộc Khmer, dân tộc Hoa, dân tộc Kinh ở địa phương. Tuy đa dạng về văn hóa nhưng cộng đồng người dân ở đây sống hòa thuận, đặc biệt rất thân thiện với khách du lịch.
Nhà công tử Bạc Liêu
Thăm nhà công tử Bạc Liêu
Đến Bạc Liêu, nhất định bạn phải thăm Nhà công tử Bạc Liêu, ngôi nhà tọa lạc ven sông Bạc Liêu đã gần 101 năm tuổi do ông Trần Trinh Trạch (1872-1942) xây dựng từ năm 1919. Chủ nhân ngôi nhà một thời là công tử Trần Trinh Huy (1900-1974).
Với đường nét thiết kế hài hòa giữa kiến trúc phương Tây và văn hóa Á Đông, ngôi nhà có kiến trúc tuyệt đẹp đã thu hút đông đảo du khách tham quan và chụp ảnh (giá vé tham quan: 30.000 đồng/người lớn).
Nem nướng bánh hỏi tại quán Tư Vân
Buổi sáng đi bộ dạo chơi khắp nơi, buổi chiều là thời điểm nghỉ ngơi và tìm những món ngon để thưởng thức. Món nem nướng bánh hỏi tại quán Tư Vân ở đường Hà Huy Tập khiến tôi rất ấn tượng.
Nem được nướng trên than hồng thơm phức, từng lát nem được cuốn với bánh hỏi mềm dai với mỡ hành bên trên, bao bọc ngoài cùng là rau tươi, rồi chấm nước chấm được pha đậm đà, ngon khó cưỡng. Một phần 80.000 đồng đủ hai người lớn no căng bụng.
Nhà hát Cao Văn Lầu
Sáng chủ nhật, tôi thuê một xe máy để di chuyển tới những điểm tham quan xa hơn. Nhà hát Cao Văn Lầu được xác lập kỷ lục là nhà hát có hình dạng 3 chiếc nón lá lớn nhất Việt Nam năm 2014.
Nhà hát ra đời để bày tỏ lòng tôn kính, biết ơn đối với nhạc sĩ Cao Văn Lầu - người nhạc sĩ tài hoa của nghệ thuật đờn ca tài tử, và đây cũng là loại hình nghệ thuật đặc sắc ở Nam Bộ.
Năm 2013 nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ của Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Du khách được tham quan tự do không thu phí. Công trình kiến trúc độc đáo đã thu hút rất nhiều du khách chụp ảnh check-in.
Chùa Xiêm Cán
Chùa Xiêm Cán
Sau khi về nghỉ ngơi và trả phòng khách sạn, tôi đi xe máy về hướng đông gần 16km để ăn bánh xèo A Mật (đường Giồng Nhãn, Hiệp Thành, Bạc Liêu) cho bữa trưa.
Sau đó tham quan chùa Xiêm Cán, một trong những ngôi chùa Khmer lớn và đẹp lộng lẫy nhất trong hệ thống chùa Khmer ở Nam Bộ.
Sự uy nghi và kiến trúc tuyệt đẹp của chùa Xiêm Cán (khởi công từ năm 1887), đặc biệt là màu sắc rực rỡ của chùa để lại trong lòng du khách sự lưu luyến trong từng bức ảnh.
Điện gió Bạc Liêu
Điện gió ở Bạc Liêu là nơi check in yêu thích của nhiều bạn trẻ
Cách chùa Xiêm Cán gần 2km, Nhà máy điện gió Bạc Liêu được xem là công trình điện gió lớn nhất cả nước được xây dựng từ năm 2010 (giá vé tham quan 30.000 đồng/người lớn). Du khách tha hồ chụp ảnh sống ảo với "cánh đồng điện gió" khổng lồ.
Quan Âm Phật Đài
Quan Âm Phật Đài ở Bạc Liêu
Khi nắng chiều dần tắt, tôi viếng thăm Quan Âm Phật Đài cách điện gió 20 phút di chuyển. Nơi đây tấp nập người dân đến cúng viếng cả ngày lẫn đêm.
Đứng bên hồ sen trắng rất lớn, tôi ngắm cảnh chiều tà nơi đây, cảm thấy tâm trạng thật thoải mái, như được nạp lại năng lượng cho một tuần mới sắp tới.
Sau một ngày đi xe máy qua các điểm du lịch và tích lũy kha khá những bức ảnh đẹp, tôi tranh thủ đón chuyến xe trong đêm về lại TP.HCM. Kết thúc chuyến hành trình đầy những trải nghiệm thú vị.
Bạc Liêu ngọt ngào qua giọng nói người dân địa phương, đa sắc trong sự giao thoa văn hóa giữa những dân tộc khác nhau nhưng chung sống hòa thuận cùng nhau.
Những món ăn ngon đậm đà hương vị còn vương vấn trong tâm trí. Những công trình kiến trúc tuyệt đẹp là nhân chứng lịch sử. Tất cả hòa quyện lại một Bạc Liêu không thể quên trong tâm trí du khách.
Theo Tuổi Trẻ