Vị Thanh: Hình thành và phát triển - Hoạt động văn hóa trong kháng chiến

07/02/2025 - 09:30

Thực dân Pháp chiếm Vị Thanh được vài năm, phải rút đi do sức phản kháng của lực lượng cách mạng. Từ năm 1948-1954, nơi đây trở thành vùng giải phóng, địch chỉ thỉnh thoảng đưa quân càn quét hay cho máy bay dội bom.

Văn hóa - văn nghệ tại vùng giải phóng Vị Thanh - Hỏa Lựu xưa.

Giai đoạn này, văn hóa kháng chiến được hình thành do ảnh hưởng từ hoạt động văn hóa của Khu ủy Khu 9, của chính quyền cách mạng tỉnh Rạch Giá và huyện Giồng Riềng. Đặc biệt là các tài liệu, báo chí và công tác tuyên truyền văn nghệ được cấp trên đưa về phục vụ nhân dân trong vùng; vừa mở rộng phong trào thi đua ái quốc.

Tại các làng Vị Thanh, Hỏa Lựu, phong trào văn hóa văn nghệ gắn với tuyên truyền phát triển mạnh.

Theo sách Lịch sử Giồng Riềng 1945-1975: “Về văn hóa, các làng (bao gồm Vị Thanh - Hỏa Lựu) đều có cất cơ quan, sửa sang đàng hoàng... Nông dân thời đó rất thích chơi cổ nhạc, làng nào cũng có một nhóm trở lên...”. Ở một đoạn khác, sách đánh giá: “Năm 1948-1949 là thời kỳ ổn định có điều kiện phát triển các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, là thời kỳ vàng son của vùng giải phóng”.

Đáng chú ý, từ năm 1949 huyện Giồng Riềng tổ chức lớn các ngày kỷ niệm lịch sử, Ngày thành lập Đảng, sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cách mạng tháng Tám và Lễ Độc lập 2-9.

Những năm kháng Pháp, địa bàn Giồng Riềng - Vị Thanh thường xuyên đón các đoàn văn nghệ Cửu Long (Khu 9), đoàn cải lương Lam Sơn (Cần Thơ) về diễn phục vụ với các chương trình ca, vũ, nhạc, kịch, cải lương... với nhiều sáng tác mới, như bài nhạc “mã tấu” của nhạc sĩ Trần Kiết Tường, trở thành điệu vũ được phổ biến rộng rãi trong bộ đội, du kích và nam nữ thành niên địa phương.

Để tuyên truyền cổ vũ tham gia bộ đội, du kích, học lớp bình dân học vụ, các đoàn thể phụ nữ, thanh niên thường dùng các điệu “hò lơ hò”, đặt lời mới kháng chiến đối đáp, vừa phục vụ giải trí; vừa cổ động tinh thần mọi người. Nhờ học chữ, biết đọc, biết viết nên người dân cũng đọc được báo, truyền đơn cách mạng.

Theo tư liệu lịch sử, khoảng thời gian đình chiến theo Hiệp định Genève, hòa bình lập lại, đồng bào các xã Vị Thanh, Hỏa Lựu, Thuận Hòa, Ngọc Chúc, Hòa Hưng,... tổ chức từng đoàn ghe, xuồng mang băng cờ cùng đồng bào từ thị xã Cần Thơ kéo về ngã tư Ông Dèo dự lễ mít-tinh mừng kháng chiến thắng lợi. Đồng thời, xem đoàn cải lương Lam Sơn của tỉnh Cần Thơ, cùng đoàn ca múa nhạc trình diễn vở Mười Năm Gian Khổ của soạn giả Điêu Huyền, buổi tối tiếp sau được xem phim kháng chiến, phim Liên Xô, phim Trung Quốc.

Tiếp sang giai đoạn chống Mỹ, các hình thức văn hóa, văn nghệ tuyên truyền kháng chiến nhanh chóng thích nghi tình hình mới, với cách làm táo bạo và sáng tạo. Từ giai đoạn đấu tranh chính trị, đến đấu tranh vũ trang, góp phần đánh địch trên mặt trận tư tưởng văn hóa. Vào lúc này, địch bắt đầu xây dựng khu trù mật, thành lập tỉnh Chương Thiện, tình hình phong trào cách mạng hết sức khó khăn.

Tuy vậy, “cái khó” đã ló “cái khôn” như: In truyền đơn, khẩu hiệu bằng khuôn đất sét, dùng mo cau, vỏ bầu khô làm loa phóng thanh kêu gọi dân nổi dậy đấu tranh; làm cổng tam quan trong xóm ấp bằng cây lá vườn, căng khẩu hiệu đấu tranh với địch. Do lực lượng địch đông, đồn bót tứ phía, nên các đơn vị cách mạng địa phương thường tổ chức đánh địch, hay hoạt động tuyên truyền về đêm.

 Tại Hỏa Lựu, lợi dụng đêm tối, ta thả bè chuối có gắn biểu ngữ, khẩu hiệu chống Mỹ - Diệm, chống đi làm khu trù mật, đã cổ vũ tinh thần quật khởi của nhân dân; tác động mạnh, khiến bọn địch hoang mang, lo sợ. Để hỗ trợ quần chúng trong khu trù mật nổi dậy, lực lượng vũ trang và quần chúng bên ngoài đồng loạt đánh trống, mỏ, thùng thiếc, đốt đuốc sáng rực, hò reo vang dội. Từ đó, bọn địch hoang mang, quần chúng nêu cao khí thế, nổi dậy phá khu trù mật, trở về quê cũ.

Trong vùng giải phóng, các xã Vị Thanh, Hỏa Lựu đều có cơ quan tuyên truyền, lập đoàn văn nghệ hay đội vũ để tập hợp thanh niên, tuyên truyền vận động phong trào tòng quân, đóng thuế đảm phụ, tổ chức biểu dương lực lượng thị uy, trấn áp các đồn bót bằng trống, mõ, truyền đơn. Khi thị xã Vị Thanh thành lập, có cơ quan Ban Tuyên huấn thị xã phụ trách công tác tuyên truyền văn nghệ.

Hoạt động văn hóa, văn nghệ kháng Pháp và chống Mỹ, là một phương thức đấu tranh chính trị đầy sáng tạo, mưu trí, thông minh và dũng cảm.

Dù cận kề, đối đầu với bộ máy chiến tranh tâm lý của địch, nhưng hoạt động văn nghệ cách mạng có sức tác động mạnh đến tinh thần bọn địch ở Vị Thanh - Chương Thiện.

Theo Báo Hậu Giang