Viếng chùa Bà Bài­­­

26/09/2019 - 08:54

 - Tọa lạc bên bờ kênh Vĩnh Tế (xã Vĩnh Tế, TP. Châu Đốc, An Giang) hiền hòa, Bồng Lai tự với tên thường gọi là chùa Bà Bài đã trở thành nơi lui tới của đông đảo tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương. Trong lần đến thăm ngôi cổ tự này, chúng tôi được nghe kể về những câu chuyện linh thiêng gắn với vùng đất Vĩnh Tế - núi Sam hàng trăm năm trước.

Viếng chùa Bà Bài­­­

Chùa Bà Bài là di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh

Chiếc cầu treo bắc qua kênh Vĩnh Tế đưa chúng tôi đến chùa Bà Bài. Có lẽ, tiền nhân xưa đã chọn nơi này là đất thiêng để khai tự nên trải qua hơn trăm năm ngôi chùa này vẫn nằm biệt lập bên kia bờ kênh, tránh xa sự ồn ào của cuộc sống đời thường. Theo ông Nguyễn Văn Hiếu (thành viên Ban Hội tự chùa Bà Bài), Bồng Lai tự do ông Đạo Lập (Phạm Thái Chung) về dựng lên vào năm 1861. Ông Đạo Lập là 1 trong 12 đại đồ đệ của Phật thầy Tây An, cùng thời với Quản cơ Trần Văn Thành. Cho nên, ngôi chùa có thể đã tồn tại từ giữa thế kỷ thứ XIX. Sau khi thọ pháp với Phật thầy, Đạo Lập về làng Vĩnh Tế xưa dựng chùa để “độ bệnh” cho người dân và truyền bá tư tưởng yêu nước. Vì là người tài đức nên ông được nhân dân vùng Vĩnh Tế xưa rất kính trọng và họ đã gìn giữ, tôn tạo ngôi chùa này cho đến ngày nay.

Tương truyền, ông Đạo Lập chỉ chữa bệnh cho dân bằng giấy vàng đốt lên pha nước, chứ không theo phương thuốc nào cả. Bằng đức độ của mình, ông đã cứu bệnh cho rất nhiều người dân trong vùng. chùa Bồng Lai do ông gầy dựng đã trải qua bao biến cố, nhiều lần sụp đổ do chiến tranh nhưng vẫn được tín đồ và nhân dân phục dựng trên nền cũ. Vì theo giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương nên chùa Bà Bài thời kỳ đầu chỉ thờ trần điều, không có tượng Phật. Về sau, có một sư cô đến xin ở tu hành và được người dân chấp thuận. Vốn là con nhà Phật, vị sư cô đó đã thỉnh tượng Phật ở nơi khác về thờ cúng trong chùa. Do đó, điểm đặc biệt của chùa Bà Bài chính là sự hòa hợp của giáo Phái Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật giáo.

Đến chùa Bà Bài vào mùa nước nổi dễ làm cho lòng người lắng lại với thiên nhiên. Cánh đồng giáp biên trở nên mênh mông với một màu của nước. Tiếng sóng vỗ ì oạp vào bờ kè ngôi chùa mang đến một chút sơ khai thời mở đất. Mái chùa cổ kính nằm giữa những hàng cây mát rượi đem đến cảm giác thanh bình. Với tư tưởng “đại đồng”, những người phục vụ công quả trong chùa Bà Bài luôn xem khách đến là người thân, họ vui vẻ chào hỏi cứ như cố nhân lâu ngày gặp lại. Điều đó khiến bất cứ ai đến đây đều cảm thấy gần gũi và muốn trở lại lần sau. Nhà bếp của chùa lúc nào cũng có sẵn bún chay cho khách đến cúng viếng đỡ lòng.

Qua trao đổi với ông Nguyễn Văn Hiếu, chúng tôi biết được chùa Bà Bài còn có một “chi nhánh” ở núi Sam (phường Núi Sam, TP. Châu Đốc). Trong những năm tháng chiến tranh, chùa Bà Bài là nơi nuôi chứa cán bộ hoạt động cách mạng nên bọn Mỹ - ngụy đã tìm mọi cách san bằng nơi này. Người dân đã dời ngôi chùa về núi Sam và vẫn lấy tên chùa Bà Bài (Bồng Lai tự). Ngôi chùa ấy đến nay vẫn còn tồn tại song song với chùa Bà Bài ở xã Vĩnh Tế, như minh chứng cho quá trình lịch sử đầy thăng trầm, biến động của công trình này.

Viếng chùa Bà Bài­­­

Di tích “ông thẻ” ở chùa Bà Bài

Viếng chùa Bà Bài­­­

Cùng vị trí với chùa Bà Bài là di tích “ông thẻ” của giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương. “Ông thẻ” thực chất là những chiếc trụ do Phật thầy Tây An giao cho Quản cơ Trần Văn Thành đi cắm ở 4 nơi thuộc 4 địa phương khác nhau là Vĩnh Tế (TP. Châu Đốc), Vĩnh Thạnh Trung (Châu Phú), Vĩnh Hanh (Châu Thành) và Vĩnh Điều (Tri Tôn). Đến nay, các “ông thẻ” này vẫn còn tồn tại và được tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương thờ cúng như một huyền thoại liên quan đến Phật thầy Tây An Đoàn Minh Huyên.

Hiện nay, chùa Bà Bài do đã qua nhiều năm tháng “dãi nắng dầm mưa” nên xuống cấp khá nhiều nên đang rất cần được bảo quản, trùng tu để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của tín đồ và người dân khắp nơi. Viếng chùa Bà Bài dù chỉ trong thời gian ngắn nhưng cũng giúp chúng tôi có điều kiện hiểu rõ hơn về một di tích lịch sử cách mạng gắn liền với những huyền thoại. ngôi chùa tọa lạc bên bờ kênh Vĩnh Tế hiền hòa này vẫn sẽ là chốn tìm về của những ai muốn lắng nghe những chuyện xưa hay đắm chìm trong khung cảnh thanh bình của vùng quê biên giới.

Ông Đạo Lập (1832-1891) là một trong “thập nhị hiền thủ” của Phật thầy Tây An Đoàn Minh Huyên. Ông có biệt tài trị bệnh cứu người và thấm nhuần tư tưởng yêu nước của Phật thầy. Hàng năm, hàng vạn tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương và người dân đến tổ chức Lễ vía ông khá long trọng tại chùa Bà Bài vào ngày 30 - 9 (âm lịch) như sự tri ân đối với một nhân vật lịch sử đã gắn liền với những huyền thoại linh thiêng.

          THANH TIẾN