Vĩnh Long: Cảnh báo bệnh sốt xuất huyết tăng mạnh vào cuối năm

04/11/2022 - 08:33

Ngành y tế Vĩnh Long dự báo số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) có nguy cơ tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm, do thời tiết mưa nhiều, thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Đồng thời, khuyến cáo người dân chủ động vệ sinh môi trường và diệt lăng quăng để phòng bệnh.

Nhân viên y tế giám sát mật độ lăng quăng, muỗi... tại ấp Thành Công, TT Tân Quới - Bình Tân.

Bệnh SXH vẫn còn diễn biến phức tạp

Theo thống kê của Bộ Y tế, tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận trên 281.200 trường hợp mắc SXH, 110 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số mắc tăng 4,8 lần; số tử vong tăng 89 trường hợp. Riêng ở 20 tỉnh thành phía Nam, phát hiện hơn 200.000 ca SXH.

Trong đó, SXH người lớn chiếm 53%. Tỷ lệ SXH ở trẻ cũng đáng báo động, càng cho thấy không nên chủ quan với bệnh truyền nhiễm này.

Tại Vĩnh Long, dù triển khai nhiều biện pháp phòng chống SXH, song, số ca mắc vẫn còn ở mức cao. Theo Sở Y tế, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận trên 2.840 ca mắc SXH. So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc cao gấp 6,8 lần; số ổ dịch tăng hơn 7 lần (782/109 ổ).

Đặc biệt, các ca nặng chiếm tỷ lệ khá cao với 42 ca và gây tử vong 3 trường hợp do SXH Dengue (từ năm 2018 - 2021, không ghi nhận ca tử vong).

Theo nhận định của bác sĩ điều trị, bệnh SXH năm nay diễn tiến rất khó lường. Số ca SXH nặng, có sốc dẫn đến biến chứng chiếm tỷ lệ khá cao.

Điều đáng lưu ý là một số bệnh nhân khá chủ quan, khi cảm thấy sốt, mệt thì ra tiệm mua thuốc về uống. Đến lúc bị nặng mới vào bệnh viện cấp cứu, khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn.

Khi có dấu hiệu sốt, người dân cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị.

Tại huyện Tam Bình, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 395 ca SXH, có 1 trường hợp tử vong. Số ca mắc xuất hiện ở 17/17 xã, thị trấn với 59 ổ dịch nhỏ.

Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tam Bình Bùi Thanh Tùng cho biết, tình hình số ca mắc cao và tăng là do mùa mưa kéo dài, tạo điều kiện cho lăng quăng phát triển.

Tại một số địa phương, ý thức phòng chống SXH của người dân chưa đồng đều, việc diệt lăng quăng, diệt muỗi và phòng muỗi đốt tại nhà chưa thường xuyên, công tác xử lý ổ dịch nhỏ còn gặp khó khăn do một số hộ dân không đồng tình phun thuốc…

Cảnh báo bệnh tăng mạnh vào cuối năm

Phó Giám đốc Sở Y tế - Hồ Thị Thu Hằng nhận định, mặc dù số ca mắc SXH mới có giảm so với giai đoạn đầu, song vẫn ở mức cao, có nguy cơ diễn biến phức tạp vào tháng 11 và 12.

Nguyên nhân là do thời tiết còn mưa nhiều kết hợp với triều cường dâng cao liên tục trong nhiều ngày, tạo điều kiện thuận lợi cho lăng quăng phát triển.

Với quyết tâm không để bệnh SXH bùng phát thành dịch trên địa bàn, tỉnh Vĩnh Long triển khai nhiều giải pháp khống chế và nâng cao nhận thức phòng bệnh của người dân.

Ngành y tế tăng cường giám sát ở các địa phương, đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân các giải pháp phòng, chống SXH, đặc biệt là hướng dẫn người dân ở gần khu vực có ổ dịch thực hiện các biện pháp dự phòng để hạn chế dịch bùng phát trên diện rộng.

Theo BS.CK2 Bùi Thanh Tùng - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tam Bình, ngành y tế huyện tích cực thực hiện công tác điều tra và xử lý ổ dịch, phối hợp với các địa phương và đoàn thể tổ chức diệt lăng quăng và phun thuốc diệt muỗi tại các xã có nguy cơ.

Huyện tăng cường tuyên truyền thông qua hệ thống loa truyền thanh và xe loa di động, nhằm nâng cao nhận thức và kiến thức phòng chống bệnh SXH cho người dân.

Qua đó, đã từng bước giảm mật độ muỗi và nâng cao ý thức người dân đồng thuận, cùng tham gia diệt lăng quăng, vệ sinh các khu vực xung quanh nhằm hạn chế môi trường sinh sản của muỗi truyền bệnh SXH.

Là địa phương có số ca mắc bệnh SXH tăng cao của tỉnh, huyện Bình Tân triển khai nhiều biện pháp khống chế như phun thuốc diệt muỗi trưởng thành mang mầm bệnh, ra quân diệt lăng quăng. Điểm “nóng” SXH của huyện thời gian qua là địa bàn TT Tân Quới và các xã: Tân An Thạnh, Tân Bình, Thành Lợi.

Do đó, ngoài triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống, xử lý ổ dịch thì vấn đề chủ động trong điều trị đang được ngành y tế địa phương đặc biệt quan tâm, tránh để các trường hợp mắc SXH chuyển biến nặng, bảo vệ an toàn sức khỏe cho người bệnh.

Phó Giám đốc Sở Y tế - Hồ Thị Thu Hằng cho biết, ngành y tế sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường giám sát bệnh tại các cơ sở y tế, thực hiện phân tầng điều trị, đảm bảo đủ thuốc, vật tư, hóa chất trong điều trị cũng như xử lý ổ dịch kịp thời, không để dịch lây lan trong cộng đồng, giảm số ca chuyển nặng và tử vong.

Bên cạnh đó, phối hợp với các ngành, đoàn thể và địa phương tăng cường tuyên truyền để người dân cùng chung tay thực hiện các giải pháp phòng bệnh.

UBND tỉnh chỉ đạo ngành y tế rà soát lại các cơ số thuốc, trang thiết bị để bổ sung kịp thời, đảm bảo cho địa phương trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, lưu ý các địa phương cần tập trung rà soát, đánh giá tình hình ổ dịch trên địa bàn, đề xuất các giải pháp hiệu quả xử lý triệt để các ổ dịch phát sinh, huy động sự tham gia của các ngành, đoàn thể cùng chung tay thực hiện các giải pháp phòng, chống SXH...

Theo THÚY QUYÊN (Báo Vĩnh Long)