Báo động bạo lực gia đình
Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa và phát triển nhanh của xã hội, những hệ lụy từ tiêu cực, tệ nạn xã hội cũng có chiều hướng gia tăng. Một số ít người dân có lối sống thực dụng, ích kỷ, thiếu trách nhiệm, vô cảm; suy thoái đạo đức, ứng xử thiếu văn hóa trong gia đình đã trở thành vấn nạn đáng lo ngại.
Theo Thượng tá Trần Văn Vụ- Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, thống kê của Công an tỉnh Vĩnh Long, tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay phát hiện 9 trường hợp vi phạm pháp luật liên quan đến BLGĐ.
Kết quả xử lý đã khởi tố 6 vụ 6 bị can về các tội: giết người, hiếp dâm người dưới 16 tuổi, hành hạ vợ; xử phạt vi phạm hành chính 3 trường hợp. Có thể thấy tuy số lượng các trường hợp vi phạm pháp luật liên quan BLGĐ là không nhiều nhưng hậu quả để lại hết sức nặng nề.
Hội thi nấu ăn được tổ chức nhấn mạnh bữa ăn gia đình sẽ gắn kết các thành viên.
Điển hình một vụ án hình sự như vụ giết người xảy ra ngày 28/8/2022 tại ấp Mỹ Hưng 1, xã Mỹ Hòa, TX Bình Minh. Trương Hoài Thương sống chung gia đình với cha ruột và mẹ kế là bà N.T.T.N. và con riêng của cha và mẹ kế tên T.H.T..
Giữa Thương và bà N. phát sinh mâu thuẫn, Thương ôm hận nên đêm 28/8/2022 sau khi uống rượu bia, Thương nhớ lại mâu thuẫn nên muốn giết chết bà N.. Thương đi mua 3 lít xăng mang về đổ ra thau nhựa, đi đến chỗ bà N. và T. nằm ngủ. Thương tạt hết thau xăng vào mùng ngủ của bà N. và T. rồi bật quẹt đốt cháy.
Hậu quả xảy ra bà N. và T. bị bỏng nặng, được đưa đi cấp cứu điều trị nhưng sau đó cả hai tử vong. Trương Hoài Thương bị khởi tố điều tra về tội giết người. Ngày 24/3/2023, Trương Hoài Thương bị TAND tỉnh Vĩnh Long xét xử tuyên phạt tử hình.
BLGĐ vẫn còn là một vấn đề nhức nhối, nan giải ở Việt Nam. Nhiều vụ việc xuất hiện những hành vi BLGĐ có mức độ gây hại nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường và khó xử lý bằng các quy định pháp luật hiện hành.
Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa-TT-DL tổng hợp từ báo cáo của các tỉnh, thành, trong giai đoạn 2009-2021, tổng số vụ BLGĐ các địa phương đã phát hiện trên cả nước là 324.641 vụ.
Điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ được Bộ Lao động-TB-XH, Tổng cục Thống kê, Quỹ Dân số Liên hiệp quốc tại Việt Nam thực hiện năm 2019, có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong 12 tháng (kể từ lúc điều tra), cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác/hoặc bạo lực tình dục. Đáng chú ý có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ.
Thượng tá Trần Văn Vụ khẳng định: “BLGĐ xảy ra do một số người dân còn chưa nhận thức về pháp luật, về bình đẳng giới. Bên cạnh đó, vấn đề điều tra, tố giác tội phạm rất khó khăn bởi đa phần đều là thành viên trong gia đình, những vấn đề tế nhị khó mà tự tố giác, trình tự thủ tục phức tạp.
Vấn nạn BLGĐ có xu hướng trầm trọng hơn, đa dạng hơn, phức tạp hơn đã và đang để lại những hậu quả thương tâm, đau xót cho nhiều gia đình, tạo ra những thiệt hại to lớn cho toàn xã hội.
Nếu không được giải quyết kịp thời, BLGĐ sẽ đe dọa đến sự phát triển bền vững của gia đình, làm xói mòn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, làm suy yếu động lực phát triển và là rào cản đối với tiến trình phát triển bền vững của đất nước”.
Đưa kiến thức về phòng, chống bạo lực gia đình vào đời sống
Theo ông Nguyễn Minh Hải- Phó Trưởng Phòng Quản lý văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa-TT-DL), thời gian qua công tác phòng, chống BLGĐ ngày càng được các cấp, các ngành quan tâm.
Nhiều mô hình, đề án, CLB được triển khai, nhân rộng ở các địa phương. Riêng ngành văn hóa đã triển khai, nhân rộng mô hình can thiệp phòng, chống BLGĐ và đề án tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam tại 104/107 xã, phường, thị trấn.
Các địa phương đã thành lập 696 CLB gia đình phát triển bền vững, 562 nhóm phòng, chống BLGĐ, 752 tổ hòa giải cơ sở…Các CLB gia đình phát triển bền vững và nhóm phòng, chống BLGĐ đã tổ chức sinh hoạt được khoảng 10.000 cuộc, ước khoảng 150.400 lượt người tham dự.
Bên cạnh đó, sở cũng triển khai nội dung chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình và một số chuyên đề về xây dựng gia đình hạnh phúc… cho người cao tuổi, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh.
Trà Ôn là một trong những địa phương tích cực tuyên truyền, quan tâm công tác phòng, chống BLGĐ. Ông Trần Văn Ẩn- Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin, cho biết, từ đầu năm 2023, trưởng các ấp, khu tại huyện phối hợp với các ngành, đoàn thể thực hiện tuyên truyền, vận động hộ gia đình đăng ký thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.
Số hộ gia đình đăng ký thực hiện bộ tiêu chí năm 2023 có 33.690/38.488 hộ, đạt tỷ lệ 87,53%. Tích cực tuyên truyền thực hiện Luật Bình đẳng giới, hoạt động triển khai phổ biến các chính sách, pháp luật về bình đẳng giới.
Qua tuyên truyền đã góp phần chuyển biến tích cực, nhận thức, tư tưởng của chị em phụ nữ được nâng cao, đặc biệt là nhận thức về Luật Bình đẳng giới, sự quan tâm chia sẻ và cách ứng xử của phụ nữ và trẻ em gái trong mỗi gia đình tại cộng đồng và trong cơ quan đã có những chuyển biến rõ rệt, vị thế của người phụ nữ trong xã hội ngày càng được nâng cao, tỷ lệ nữ tham gia vào các vị trí lãnh đạo cũng tăng dần.
Công tác tuyên dương, khen thưởng được chú trọng, lan tỏa tấm gương gia đình văn hóa.
Ông Nguyễn Minh Hải chia sẻ: “Hạnh phúc sẽ tỏa sáng trong gia đình không có bạo lực”. Trong chiến lược phát triển gia đình Việt Nam tại Vĩnh Long, phấn đấu đến năm 2030 đạt 100% gia đình được cung cấp thông tin, kiến thức về văn hóa ứng xử, kỹ năng giáo dục đạo đức, lối sống, tình yêu thương, truyền thống dân tộc và các giá trị văn hóa tốt đẹp, phòng ngừa rủi ro, tệ nạn xã hội, BLGĐ; đặc biệt quan tâm số hộ gia đình chính sách, hộ nghèo và cận nghèo, gia đình dân tộc thiểu số.
Xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi BLGĐ theo đúng quy định của pháp luật. Đề cao công tác giáo dục, ngăn chặn, phòng ngừa BLGĐ, để người người tuân thủ pháp luật và luật thực sự bảo vệ lợi ích của mỗi người.