Vĩnh Long: Lao động rộng cửa nghề nghiệp, việc làm

09/05/2023 - 09:08

Ngày hội Việc làm- Giáo dục nghề nghiệp tỉnh Vĩnh Long năm 2023 mới đây đã kết nối thông tin tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp, nhu cầu tìm kiếm việc làm và nhu cầu tuyển dụng giữa đông đảo sinh viên, người lao động và doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

A A

Các con đường giáo dục nghề nghiệp và việc làm

Võ Phước Bình là học sinh khóa 1 (2008-2009) của Trường CĐ Nghề Vĩnh Long. Phước Bình kể sau tốt nghiệp lớp 12 thì định hướng và chọn đi học nghề theo điều kiện năng lực bản thân và hoàn cảnh gia đình. Ra trường, Phước Bình có 4 năm làm việc với nghề đã học. Tích lũy kinh nghiệm, vốn liếng, Phước Bình lập nghiệp và hiện tại đang là giám đốc một công ty chuyên mua bán máy in văn phòng ở TP Hồ Chí Minh.

Nhìn lại quyết định học nghề của mình là phù hợp, đến dự ngày hội này Phước Bình chia sẻ: “Các bạn học sinh sau học xong THCS hoặc tốt nghiệp THPT có thể hoàn toàn yên tâm chọn con đường học nghề. Thời gian đào tạo ngắn, học phí thấp và đây là “con đường ngắn nhất” để các bạn hoàn cảnh khó khăn tiết kiệm và đầu tư cho tương lai”.

Tại sàn giao dịch việc làm của Trung tâm Dịch vụ việc làm, người lao động đến tìm hiểu, đăng ký xuất khẩu lao động Nhật Bản, Hàn Quốc.

Năm 2020, Phạm Thị Thu Uyên (SN 2000, ngụ TP Vĩnh Long) đi xuất khẩu lao động Nhật Bản, làm nghề thực phẩm. Về nước tháng 2/2023, Thu Uyên cho biết tích lũy được một số vốn cho bản thân và sẽ lập nghiệp bằng cách: “Tận dụng các kỹ năng, kiến thức, giúp các bạn có nhu cầu xuất khẩu lao động Nhật Bản”.

Có những đường hướng khác nhau nhưng với Phước Bình, Thu Uyên, bước đầu đã đạt được mục tiêu của mình thông qua hoạt động giáo dục nghề nghiệp và tham gia đi làm việc ở thị trường lao động nước ngoài. Các thông tin này góp phần làm cơ sở để khoảng 1.500 học sinh THPT, sinh viên các trường ĐH, CĐ, người lao động trong tỉnh đến dự ngày hội việc làm tìm hiểu, định hướng nghề nghiệp cho mình.

Đối với khoảng 40 doanh nghiệp tuyển dụng lao động trong nước, hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm... ngày hội tạo điều kiện để tiếp tục đẩy mạnh kết nối thông tin, liên kết giữa các doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng, cung ứng lao động, dịch vụ việc làm, cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thực hiện các hoạt động tuyển dụng, hỗ trợ việc làm trong và ngoài nước, đào tạo nghề nghiệp cho người lao động...

Kết nối, mở ra cánh cửa nghề nghiệp tương lai

Bạn Nguyễn Phạm Thanh Tuyền đang học lớp 12 tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên huyện Long Hồ đến dự ngày hội này tìm hiểu thông tin tuyển dụng, cơ hội nghề nghiệp. Nói sở thích là nghề điều dưỡng, nữ sinh chia sẻ: “Em tham quan các gian hàng cơ sở đào tạo và đã chọn được cho mình một đơn vị để đăng ký theo học nghề này, theo đuổi làm nghề và có thể đi xuất khẩu lao động”.

Tại ngày hội, bạn Nguyễn Khoa Lợi đang là học sinh lớp 12 Trường THPT Trưng Vương cũng đã suy nghĩ: “Em thấy ngày hội việc làm rất hay. Em tới đây để tìm một nghề phù hợp với điều kiện học tập của bản thân. Em đã tìm hướng học nghề để làm nghề hoặc tham gia xuất khẩu lao động như các anh chị đã chia sẻ”.

Các bạn Mộng Duyên và Tấn Lộc cùng là sinh viên ngành điện- điện tử của một trường ĐH tại tỉnh, mong muốn tìm cơ hội thực tập và làm việc tại các doanh nghiệp. 2 bạn tương đồng: “Sẽ ưu tiên tìm kiếm việc làm ngay sau khi ra trường để tích lũy kinh nghiệm, có cơ hội sẽ đi xuất khẩu lao động để có thêm kiến thức, kỹ năng và điều kiện kinh tế cho mình”.

Ông Trương Nhật Tài- Phó Giám đốc Công ty Hasu Asia (TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Chúng tôi ưu tiên kết nối với các cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp tại tỉnh nhằm tạo nguồn lao động có tay nghề, kỹ năng để đưa đi làm việc ở thị trường Nhật Bản. Đồng thời kết nối, giới thiệu việc làm cho người lao động sau khi đi xuất khẩu lao động trở về, đặc biệt ưu tiên về làm việc ở tỉnh”.

Theo bà Huỳnh Thị Mỹ Hà- Phó Giám đốc Sở Lao động-TB-XH, thời gian qua, công tác đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm của tỉnh Vĩnh Long tiếp tục có nhiều khởi sắc. Giai đoạn 2020-2023, bình quân hàng năm có trên 32.000 lao động của tỉnh được đào tạo, bồi dưỡng nghề nghiệp; tạo việc làm mới cho gần 25.000 lao động, trong đó bình quân mỗi năm đưa trên 1.400 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Ngày hội là điều kiện để tiếp tục đẩy mạnh kết nối giữa giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp theo Chỉ thị số 24/CT-TTg, ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ, góp phần mở ra cơ hội nghề nghiệp và việc làm có thu nhập cao và ổn định, thúc đẩy và không ngừng nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ giải quyết việc làm, đào tạo nghề nghiệp cho người lao động, góp phần thực hiện tốt các chỉ tiêu nhiệm vụ về công tác lao động việc làm, phát triển nguồn nhân lực của địa phương.

Theo MINH THÁI (Báo Vĩnh Long)