Phân vùng phát triển
Tiếp giáp với TP Vĩnh Long, Long Hồ có tiềm năng quỹ đất lớn thuận lợi cho phát nông nghiệp, ĐT, công nghiệp và du lịch. Bên cạnh, huyện còn có hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, có tiềm năng phát triển du lịch sông nước, du lịch sinh thái, phát triển loại hình du lịch homestay miệt vườn, đặc biệt khu vực các xã cù lao.
Theo QH, định hướng huyện có 3 vùng phát triển. Cụ thể, tiểu vùng trung tâm, phát triển ĐT, thương mại dịch vụ, du lịch nằm tại vị trí trung tâm huyện gồm TT Long Hồ, một phần xã Long An, Phú Đức, Long Phước, Phước Hậu (diện tích 46km2). Trung tâm tiểu vùng là ĐT Long Hồ.
Tiểu vùng là trung tâm chính trị, kinh tế, thương mại dịch vụ và du lịch, có trục giao thông quan trọng là QL1, QL53 và các trục đường tỉnh, đường tránh thành phố là các trục hành lang kinh tế động lực. Đây cũng là khu vực phát triển đa dạng và năng động nhất của huyện.
Định hướng TT Long Hồ thuộc tiểu vùng trung tâm, phát triển đô thị, thương mại dịch vụ, du lịch.
Phát triển dựa trên thế mạnh của ĐT Long Hồ và các xã phía Bắc- thuộc phạm vi mở rộng TP Vĩnh Long. Các khu ĐT, khu dân cư, khu du lịch... kết nối không gian dọc theo hai bên trục QL1, QL53, các trục vành đai thành phố, hình thành các trung tâm chuyên ngành của thành phố và trung tâm thương mại dịch vụ của tỉnh.
Bên cạnh, phát huy tiềm năng du lịch về nguồn, tham quan di tích lịch sử, là khu vực cung cấp dịch vụ hậu cần cho các dịch vụ du lịch của huyện cũng như của tỉnh.
Bên cạnh, tiểu vùng phát triển công nghiệp dịch vụ, dân cư và sản xuất nông nghiệp gồm các xã dọc trục QL1: Phú Quới, Hòa Phú, Thạnh Quới, Lộc Hòa và một phần xã Phú Đức, Long An (diện tích khoảng 76,3km2).
Trung tâm tiểu vùng này là ĐT Phú Quới. Động lực của tiểu vùng là phát triển công nghiệp và dịch vụ: KCN Hòa Phú diện tích 251ha; phát triển thương mại dịch vụ và ĐT ở khu vực ĐT Phú Quới; phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi,…
Cùng với đó, tiểu vùng phát triển du lịch và sản xuất nông nghiệp gồm các xã An Bình, Đồng Phú, Hòa Ninh, Bình Hòa Phước và Thanh Đức (diện tích khoảng 74km2). Trung tâm tiểu vùng là trung tâm xã An Bình.
Theo đó, phát huy tiềm năng du lịch sinh thái, khám phá thiên nhiên sông nước, vui chơi giải trí, du lịch miệt vườn, tham quan vườn cây ăn trái, nghỉ dưỡng... Đồng thời, phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi, cây ăn trái.
Là xã tiếp giáp với TP Vĩnh Long và có thế mạnh nông nghiệp, thời gian qua, kết cấu hạ tầng của xã Phước Hậu được quan tâm đầu tư. Việc huy động Nhân dân để thực hiện các chương trình, dự án ngày càng chuyển biến tích cực.
Từ ngày tuyến đường nhựa từ cầu Tỉnh Đoàn đến cầu Út Tu (dài hơn 1.400m) được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng, việc chuyên chở rau màu càng trở nên thuận lợi, những căn nhà, hàng rào được chỉnh trang, xây mới, một số hộ ven đường mở ra mua bán nhỏ…
Chị Nguyễn Thị Thu Thủy (ở ấp Phước Hanh A) cho biết: “Hồi trước đường này là đường đan nhỏ, nhiều đoạn xuống cấp. Giờ có đường nhựa rộng nên xe 4 bánh có thể lưu thông”. Riêng chị Thủy “sau khi có đường mới thì cất nhà, mở rộng quán; mua bán khởi sắc hơn”.
Mở ra các cơ hội, không gian phát triển mới
Theo ông Nguyễn Thế Quân- Chủ tịch UBND xã Phước Hậu, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế của địa phương, xã đã QH đối với một phần ấp Phước Hanh A và một phần ấp Phước Lợi B phát triển vùng màu xuất khẩu, hiện đang xây dựng các kết cấu hạ tầng đối với khu vực này nhằm đảm bảo thủy lợi, giao thông để QH và kêu gọi đầu tư phát triển vùng rau màu xuất khẩu.
Xã cũng QH ấp Phước Lợi B và Phước Lợi C thành vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, xã đã QH phát triển ấp Phước Ngươn A, Phước Lợi A và một phần ấp Phước Hanh A tập trung phát triển thương mại dịch vụ vì 3 ấp này có tốc độ ĐT hóa cao. Đối với một phần ấp Phước Hanh A, Phước Hanh B, Phước Lợi B và Phước Lợi C thì phát triển kinh tế nông nghiệp.
Theo ông Hồ Văn Minh- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Long Hồ, QH sau khi được phê duyệt sẽ mở ra các cơ hội, không gian phát triển mới; phát huy có hiệu quả các nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế- xã hội nhanh, bền vững.
Mục tiêu huyện đề ra là phát triển hiện đại, sinh thái, văn minh, phát triển nhanh và bền vững; trở thành huyện phát triển mạnh về kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, công nghiệp chế biến chế tạo công nghệ cao, du lịch, dịch vụ, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo được chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng; tạo dựng môi trường sống bền vững; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của địa phương, đồng thời củng cố quốc phòng, an ninh; đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.
QH nhằm cụ thể hóa các khu vực phát triển ĐT và các khu dân cư nông thôn phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế- xã hội, bảo vệ cảnh quan môi trường hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, làm cơ sở để các ngành, các cấp chính quyền lập các dự án QH, chương trình đầu tư và hoạch định các chính sách phát triển, quản lý ĐT và các khu vực nông thôn, các khu vực phát triển công nghiệp, du lịch, nông nghiệp... và hệ thống các công trình chuyên ngành, đảm bảo vùng huyện phát triển hài hòa, bền vững và tạo cơ hội thu hút đầu tư.
Theo TUYẾT XUÂN (Báo Vĩnh Long)