Tín dụng chính sách- nguồn vốn hỗ trợ kịp thời
Hộ gia đình anh Phương chị Thảo canh tác và có thu nhập ổn định từ trồng rau diếp cá.
Gia đình anh Phương, chị Thảo (xã Thuận An, TX Bình Minh) như nhiều hộ dân ở địa bàn trồng rau diếp cá trong nhiều năm nay. Hiện anh Phương có 6 công đất trồng loại rau này.
Vật tư nông nghiệp tăng cao, để có chi phí đầu vào, anh thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn ở ấp, được Phòng Giao dịch NHCSXH TX Bình Minh giải ngân vay 40 triệu đồng theo chính sách duy trì và giải quyết việc làm từ Nghị quyết 11/NQ-CP trên địa bàn để đầu tư vào ruộng rau diếp cá. “Tôi làm lại hệ thống tưới và dành cho phân phướng chăm sóc”- anh Phương kể việc sử dụng đồng vốn.
Một phần trong đó là trợ lực từ nguồn vốn tín dụng chính sách.
Anh cho biết, rau diếp cá dễ trồng, ít công và phân thuốc, từ trồng tới thu hoạch khoảng 2- 2,5 tháng, sản lượng 2- 2,5 tấn/công. Vào đợt thu hoạch, mỗi ngày anh cũng như các nhà trong xóm cắt hàng trăm ký rau diếp cá, tỏa ra các thị trường địa phương, qua TP Cần Thơ, đi An Giang, TP Hồ Chí Minh,...
Hộ gia đình chị Mỹ Hạnh chăn nuôi dê sinh sản, đầu tư từ vốn vay chương trình tín dụng chính sách.
Anh chân tình: “Với giá bán thương lái hiện tại 9.000- 10.000 đ/kg, người trồng rau diếp cá có lời. Hàng rau lá này hút nhất vào lúc nắng nóng tháng 3- 5 âm lịch”.
Bên ruộng rau diếp cá với chúng tôi và cán bộ tín dụng NHCSXH, anh Phương dự tính thuê thêm 2 công đất gần đó nhằm mở rộng vùng trồng. Kể trả gốc lãi ngân hàng đúng kỳ hạn, anh nói sẽ đăng ký đáo hạn nguồn vốn vay để mở rộng rẫy rau đã gắn với gia đình mình mười mấy năm qua.
Cùng Nghị quyết 11, tháng 10/2021, UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Đề án cho vay đối với cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19.
Thông qua đoàn thể phụ nữ, hộ gia đình anh Lương Văn Đạt (ấp Mỹ Khánh, xã Mỹ Hòa) được Phòng Giao dịch NHCSXH TX Bình Minh giải ngân vay 90 triệu đồng. Với 20 chảo đã có, vốn này anh đầu tư thêm 24 chảo sản xuất tàu hủ ky (mỗi chảo inox trị giá 2 triệu đồng), còn dư anh làm vốn cho nguyên liệu đầu vào.
Anh Đạt vay vốn từ đề án của tỉnh, khôi phục và phát triển nghề truyền thống ở làng nghề tàu hủ ky xã Mỹ Hòa.
Anh Đạt rất mừng khi được hỗ trợ nguồn vốn vay: “Hiện mỗi tháng nhà tôi nấu đậu trên 10 ngày, mỗi ngày cho ra khoảng 90kg tàu hủ non và khô thành phẩm giao ra thị trường. Giá bán hiện tại 60.000 đ/kg tàu hủ non, 100.000 đ/kg tàu hủ lá. Đó là nguồn thu nhập chính của gia đình”.
Tại xã Hòa Lộc, gia đình chị Mỹ Hạnh được Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Tam Bình giải ngân vay 100 triệu đồng từ chương trình hộ mới thoát cận nghèo để chăn nuôi dê sinh sản.
Từ nguồn đầu tư này, hiện tại chị có gần 20 con dê nái, dê lứa, dê con để cung cấp cho thị trường. Ông Nguyễn Văn Dũng- Trưởng ấp Hòa Thuận kiêm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc đoàn thể Nông dân ấp- cho biết tổ có 50 hộ vay, chủ yếu chăn nuôi dê/bò.
“Chúng tôi theo dõi, giám sát kỹ và đôn đốc bà con làm ăn, sử dụng đồng vốn tín dụng vào sản xuất, nuôi trồng sao cho hiệu quả nhất. Đến nay hầu hết hộ vay đạt hiệu quả kinh tế từ đồng vốn này”- ông Dũng chia sẻ.
Góp phần giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội
Báo cáo 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn TX Bình Minh, tổng dư nợ 16 chương trình tín dụng chính sách đến nay đạt hơn 338 tỷ đồng, tăng hơn 328 tỷ đồng so với ngày đầu.
Theo ông Nguyễn Hữu Khánh- Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH TX Bình Minh- đến nay nguồn vốn tín dụng chính sách đã đầu tư đến 100% xã- phường, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận đồng vốn kịp thời, thuận lợi.
Tại huyện Tam Bình, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Tam Bình Nguyễn Hoàng Minh Luân cho biết, thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều hộ nghèo, cận nghèo vay vốn và phát huy hiệu quả. Đến nay, tổng dư nợ 15 chương trình tín dụng chính sách ở huyện đạt trên 341 tỷ đồng, tăng gần 333 tỷ đồng (gấp 40 lần) trong khoảng 20 năm thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị định 78.
Theo ông Trần Lê Thanh Thảo- Phó Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh Vĩnh Long- các chương trình tín dụng và khối lượng tín dụng do NHCSXH ủy thác cho các tổ chức chính trị xã hội ngày càng tăng.
Từ những năm đầu mới thành lập chỉ có 3 chương trình được ủy thác, đến nay chi nhánh đang triển khai thực hiện 17 chương trình tín dụng chính sách theo chỉ định của Chính phủ và một số chương trình do UBND tỉnh và Quỹ “Vì người nghèo” ủy thác.
Tổng doanh số cho vay 9.939 tỷ đồng với 917.454 lượt khách hàng vay vốn; tổng doanh số thu nợ 7.330 tỷ đồng; tổng dư nợ của chi nhánh 2.661 tỷ đồng với 90.202 hộ vay vốn còn dư nợ (108.115 món vay), tăng so với thời điểm mới thành lập là 2.591 tỷ đồng (gần 37 lần).
Hiện nay, các tổ chức chính trị xã hội đang thực hiện ủy thác 17 chương trình tín dụng chính sách tại tỉnh thông qua 2.272 tổ tiết kiệm và vay vốn.
Theo NHCSXH chi nhánh tỉnh Vĩnh Long, chính sách tín dụng ưu đãi cùng với chương trình phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, phục hồi, phát triển kinh tế nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
Đặc biệt, vốn vay ưu đãi đã giúp nhiều hộ nghèo, hộ khó khăn ở nông thôn phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, khôi phục làng nghề truyền thống; tạo được sự phấn khởi, đồng tình trong Nhân dân; giúp nhiều hộ có điều kiện thoát nghèo và cận nghèo, vươn lên ổn định phát triển đời sống...
Theo Báo Vĩnh Long