Vĩnh Long: Phát huy tối đa nguồn lực để phát triển bền vững

28/03/2024 - 10:36

Xác định nhiều lợi thế cạnh tranh cùng với Quyết định Quy hoạch địa phương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là quy hoạch), Vĩnh Long cần tận dụng, phát huy tối đa nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững.

A A

Cơ hội phát triển mới

Theo UBND tỉnh, bước vào giai đoạn mới, tỉnh Vĩnh Long xây dựng quy hoạch trên cơ sở tích hợp các ngành, lĩnh vực; với quan điểm, định hướng kiến tạo không gian phát triển hợp lý, hài hòa giữ các vùng, tiểu vùng gắn với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, tạo ra các động lực phát triển mới, bền vững cho sự phát triển của tỉnh; khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh theo hướng bền vững để khơi thông, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế- xã hội.

Theo đó, quy hoạch tỉnh phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước; phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của cả nước, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, bền vững. Phát triển kinh tế theo mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số.

Tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp, công nghiệp chế biến, dịch vụ và đô thị gắn với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội đồng bộ, hiện đại và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng thời, phát huy nhân tố con người, lấy con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu của sự phát triển; xây dựng, phát huy các giá trị văn hóa là nền tảng, sức mạnh nội sinh để phát triển bền vững. Phát triển kinh tế- xã hội gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, quốc phòng, an ninh...

Đến năm 2030, Vĩnh Long sẽ là tỉnh nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái; với định hướng tập trung phát triển khu vực nông nghiệp- dịch vụ, du lịch- công nghiệp, cơ cấu kinh tế khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao hơn khu vực công nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo tỉnh xem sa bàn quy hoạch tỉnh tầm nhìn đến năm 2050.

Hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại kết nối thông suốt với các địa phương trong vùng ĐBSCL. Phát triển hài hòa giữa 3 trụ cột: kinh tế- xã hội- môi trường dựa trên 19 chỉ tiêu phát triển…

Tầm nhìn đến năm 2050, Vĩnh Long là tỉnh phát triển toàn diện, văn minh, hiện đại, sinh thái, bền vững, có trình độ phát triển khá so với cả nước; với định hướng cơ cấu kinh tế là dịch vụ, du lịch- nông nghiệp- công nghiệp; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội đồng bộ, hiện đại và thích ứng với biến đổi khí hậu; các di tích lịch sử, bản sắc văn hóa được bảo tồn, tôn tạo và phát huy; người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc. Quy hoạch đã xác định và tập trung vào 1 trục động lực, 2 hành lang kinh tế, 3 đột phá phát triển, 4 trụ cột tăng trưởng và 5 nhiệm vụ trọng tâm.

Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời nhận định, quy hoạch là cơ sở để tỉnh thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội, hướng đến mục tiêu đưa Vĩnh Long là tỉnh nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, là một trong những trung tâm kinh tế nông nghiệp của vùng ĐBSCL.

Đồng thời phát triển kinh tế nông nghiệp làm nền tảng phát triển du lịch, dịch vụ, đô thị và công nghiệp; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại kết nối thông suốt với các địa phương trong vùng, hình thành được một trục động lực, hai hành lang kinh tế, vùng không gian phát triển, các trung tâm đô thị động lực hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu; quốc phòng- an ninh được đảm bảo, các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy, người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc…

Tại hội nghị công bố quy hoạch, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long trao 13 quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác cho doanh nghiệp, nhà đầu tư với tổng vốn cam kết hơn 19.600 tỷ đồng.

Nhắn gởi đến các nhà đầu tư, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong muốn các nhà đầu tư, doanh nghiệp cùng chia sẻ, cùng lắng nghe, cùng phát triển tầm nhìn, tư duy, cùng hành động, cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển.

Phát huy tối đa nguồn lực

Xác định rõ tiềm năng, lợi thế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, Vĩnh Long hội tụ các yếu tố của vùng như có truyền thống yêu nước hào hùng; con người hài hòa, thân thiện; văn hóa đặc sắc miền tây;...

Vĩnh Long có vị trí địa lý kinh tế hết sức thuận lợi, nằm ở trung tâm châu thổ ĐBSCL, tiếp giáp 7 tỉnh, thành phố trong vùng, bao quanh bởi sông Tiền và sông Hậu, một vùng đất hiền hòa, trù phú.

Thủ tướng nêu rõ, Vĩnh Long phải tập trung phát triển các thế mạnh về thiên nhiên, phải phát triển chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, lấy công nghiệp hóa phát triển kinh tế nông nghiệp,…

Phải xây dựng thương hiệu, có quy hoạch vùng nguyên liệu, phải hợp tác với doanh nghiệp, phải ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý tỉnh phải chú trọng phát triển hạ tầng để giảm chi phí logistics…

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, tỉnh cần coi trọng văn hóa cũng là một nguồn lực trong phát triển, văn hóa là nền tảng tinh thần, ví dụ như cần bảo tồn, phát huy di sản lò gạch, gốm sứ ở Mang Thít…

“Trong quá trình phát triển, Vĩnh Long cần coi trọng yếu tố con người là trung tâm, chủ thể, là mục tiêu, động lực cho sự phát triển; không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, không để môi trường xuống cấp.

Do đó, quy hoạch của tỉnh phải toát lên được những vấn đề này; không dàn trải trong đầu tư; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thật tốt để thu hút các nhà đầu tư đó là thể chế, hạ tầng, cải cách hành chính…”- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý.

Vĩnh Long có nhiều lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh để thu hút đầu tư. Trong ảnh: Một góc KCN Bình Minh.

Vĩnh Long có nhiều lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh để thu hút đầu tư. Trong ảnh: Một góc KCN Bình Minh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại tinh thần tự lực, tự cường, quyết tâm làm, không ngại khó, tư tưởng phải thông từ trên xuống dưới, quyết tâm phải cao của cả hệ thống chính trị, của toàn dân; nỗ lực phải lớn; hành động phải quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm. 

“Tôi tin tưởng Vĩnh Long với truyền thống cách mạng, với đà phát triển những năm qua, với sự ủng hộ của các bộ, ngành Trung ương, các nhà đầu tư sẽ phát triển đúng tầm nhìn, tư duy, sự đổi mới theo như quy hoạch đã công bố; tin tưởng Vĩnh Long sẽ nhanh chóng trở thành tỉnh phát triển khá trong cả nước, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và Nhân dân”- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Ông Bùi Văn Nghiêm- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cho biết, sẽ bổ sung ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào Nghị quyết Đảng bộ tỉnh và khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch của tỉnh phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành với tầm nhìn dài hạn, gắn với định hướng phát triển tổng thể, liên kết vùng, phát huy tiềm năng, lợi thế, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế- xã hội; phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

“Phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua khó khăn, thách thức, khai thác hết tiềm năng, thế mạnh, phát huy những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của quê hương, đất nước, quyết tâm đưa Vĩnh Long phát triển toàn diện, văn minh, sinh thái, bền vững, có trình độ phát triển khá so với cả nước”- Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Nghiêm nhấn mạnh.

Theo KHÁNH DUY (Báo Vĩnh Long)