Để đón tết bình yên, người dân cần tuân thủ nghiêm quy định “đã uống rượu bia, không lái xe”.
Tết là dịp để mọi người sum họp, cũng là thời điểm nhiều người uống bia rượu “thả ga” với tâm lý “một năm có ba ngày tết”. Song, đây là một trong những nguyên nhân đáng kể dẫn đến tình trạng ẩu đả, gây thương tích và nhất là tai nạn giao thông.
Từ khi có Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, Nghị định 100/2019 “quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt”, tình trạng vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông được khắc phục đáng kể. Nhiều người chọn giải pháp đi phương tiện giao thông công cộng hoặc đã uống rượu bia thì không lái xe.
Luật gia Lê Hồng Dũng, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, cho rằng, tại Điều 5, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia quy định nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Còn theo Nghị định 100/2019 thì nếu người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn thì với lỗi này, người vi phạm có thể bị phạt tiền đến 8 triệu đồng đối với xe gắn máy và 40 triệu đồng đối với người điều khiển phương tiện là ô tô.
“Trong trường hợp điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn nghiêm trọng rồi bỏ trốn hoặc gây tai nạn do say rượu có thể bị xem xét xử lý theo Điều 260 Bộ luật Hình sự với mức phạt từ 3-10 năm tù”, luật gia Dũng cho biết.
Bên cạnh việc không sử dụng rượu bia khi lái xe, người dân cũng cần cẩn trọng với các tình huống mất an toàn khi tham gia giao thông. Bởi thường trong dịp tết, mật độ lưu thông cao, ai cũng có tâm lý vội vàng nên nếu bất cẩn, không tuân thủ các quy định về an toàn giao thông thì rất dễ xảy ra va quẹt, tai nạn. Một số lỗi thường gặp như không đội mũ bảo hiểm, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, lấn làn, chở ba, chở hàng cồng kềnh… không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân mà còn cho người đi đường.
Một hoạt động diễn ra khá phổ biến trong dịp tết là đánh bạc. Bản thân đánh bạc dù dưới dạng nào cũng chưa phải vi phạm pháp luật, nhưng nếu có ăn thua bằng tiền hoặc các hình thức vật chất mà pháp luật nghiêm cấm thì là vi phạm pháp luật. Có người nghĩ đánh bạc thông qua các trò chơi như đá gà, lắc bầu cua, bài lá, cờ cá ngựa, lô tô,… hay các loại đánh bạc bằng máy, trò chơi điện tử hoặc đánh bạc trực tuyến, chỉ là vui chơi, giải trí, có khi nhằm cầu may mắn đầu năm.
Tuy nhiên, theo Nghị định số 144/2021, nếu chưa đến mức xử lý hình sự, thì người vi phạm có thể bị xử lý hành chính (bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 2 triệu đồng) được áp dụng cho hành vi đánh bạc bị xử lý lần đầu, với hành vi đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, 3 cây, tứ sắc, tiến lên, đá gà, tài xỉu hoặc các hình thức khác với mục đích được, thua bằng tiền, tài sản, hiện vật; đánh bạc bằng máy, trò chơi điện tử trái phép... Tức là, hành vi này hoàn toàn có thể bị xử lý vi phạm hành chính bất kể số tiền tham gia đánh bạc là bao nhiêu. Nếu tái phạm, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Mặt khác, từ năm 2021, Nghị định số 137/2020 về quản lý, sử dụng pháo có hiệu lực thi hành, trong đó cho phép người dân được sử dụng pháo hoa. Với quy định này, một số người hiểu nhầm rằng mọi loại pháo hoa đều được sử dụng, trên thực tế chỉ áp dụng cho pháo hoa không nổ như pháo bông (pháo que), pháo phụt sinh nhật, pháo điện, pháo hoa lễ hội bằng giấy… Các trường hợp đốt pháo hoa nổ, pháo nổ là vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý nghiêm.
Theo luật sư Phan Văn Hùng, Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh, tại Điều 17, Nghị định 137/2020 quy định về quản lý, sử dụng pháo thì người dân được phép sử dụng pháo hoa.
“Cụ thể, cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Tuy nhiên, cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa”, luật sư Hùng khẳng định.
Tết Nguyên đán là dịp đặc biệt trong năm. Để tết diễn ra lành mạnh, vui tươi, ý nghĩa, mỗi cá nhân cần tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật. Tết là những ngày vui, nhưng đã vui thì phải chấp hành đúng pháp luật!
Theo B.B (Báo Hậu Giang)