Đập ngăn mặn trên sông Tiền chảy qua địa bàn xã Song Thuận, huyện Châu Thành. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Mục tiêu đảm bảo nước tưới tiêu cho gần 16.000 ha đất trồng trọt; trong đó có 8.700 ha lúa vụ Đông Xuân, còn lại là các cây trồng khác. Đồng thời, các địa phương chuyển đổi cây trồng những địa bàn khó khăn để phát triển bền vững vùng ven biển theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu.
Ngay từ đầu mùa khô 2022 – 2023, Gò Công Đông và Tân Phú Đông triển khai nhanh những giải pháp cần thiết, tập trung giải phóng các chướng ngại vật lòng kênh, khai thông dòng chảy trên các tuyến kênh trục, kênh cấp 1 và kênh cấp 2; tích cực đầu tư sửa chữa những cống ngăn mặn bị hư hỏng hoặc không đảm bảo phòng, chống thiên tai.
Mặt khác, tuyên truyền, vận động nhân dân trữ ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt, sử dụng nguồn nước tiết kiệm, giữ vệ sinh nguồn nước, không xã rác và nước nhiễm bẩn vào nguồn nước nhằm hạn chế tình trạng gây ô nhiễm nguồn nước trong mùa khô 2022 – 2023.
Trưởng phòng Nông nghiệp vả Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông Nguyễn Văn Hải cho biết, Tân Phú Đông cũng đã đưa vào vận hành trạm bơm tại cống Lổ Ô kịp thời bơm bổ cấp nước ngọt cho vùng dự án Phú Thạnh – Phú Đông khi chân triều thấp và độ mặn cho phép cũng như kiểm tra chặt chẽ hiện trạng các công trình cống, tổ chức lấy nước tại các cống đầu mối trong vùng dự án bổ sung vào nội đồng khi có nước ngọt; thường xuyên thông báo lịch vận hành công trình cống và diễn biến tình hình mực nước, độ mặn trên hệ thống thông tin đại chúng để người dân biết và chủ động ứng phó.
Trong mùa khô 2022 – 2023, huyện Tân Phú Đông còn triển khai đầu tư 8,3 tỷ đồng làm 4 cống ngăn mặn, trữ ngọt, phục vụ sản xuất và ừng phó thiên tai ở các địa bàn trọng điểm. Ngoài ra, UBND huyện Tân Phú Đông yêu cầu các xã xây dựng phương án phòng chống và ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn một cách cụ thể, phù hợp với từng địa bàn và mang lại hiệu quả cao, đáp ứng được mục tiêu bảo vệ sản xuất và đảm bảo nước sinh hoạt cho nhân dân.
Tại huyện Gò Công Đông, địa phương khuyến cáo nông dân thực hiện cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng nhằm hạn chế thiệt hại do hạn, mặn gây ra nhất là đối với các khu vực cuối nguồn không thuận lợi về nguồn nước theo yêu cầu của Ngành Nông nghiệp và chính quyền các cấp.
Đối với diện tích lúa Thu Đông 2022 trễ vụ không thể xuống giống kịp lịch thời vụ Đông Xuân 2022 - 2023 thì khuyến cáo người dân chuyển sang canh tác cây trồng cạn ngắn ngày nhằm đảm bảo vụ Đông Xuân thu hoạch an toàn trước khi mùa khô vào cao điểm, tránh được nguy cơ hạn mặn hoặc đề phòng thiếu nước bơm tát. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông Nguyễn Văn Quí cho biết, đơn vị phối hợp Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi Tiền Giang rà soát gia cố, sửa chữa kịp thời những cống qua đê không đảm bảo ngăn mặn cũng như theo dõi chặt chẽ tình hình nguồn nước vùng trũng Tân Điền và Tân Thành để có kế hoạch tiêu úng hợp lý khi dự án Ngọt hóa Gò Công trữ nước trong nội đồng.
Huyện cũng yêu cầu các xã tập trung giải phóng các chướng ngại vật lòng kênh, khai thông dòng chảy trên các tuyến kênh cấp 1 và kênh cấp 2; thường xuyên tổ chức trục vớt lục bình, rong cỏ, duy trì thông thoáng lòng kênh, rạch trên địa bàn huyện theo Kế hoạch số 213/KH-UBND ngày 22/10/2018 của UBND huyện.
Nhờ những giải pháp tích cực, Gò Công Đông đã đảm bảo tốt nguồn nước bơm tát phục vụ sản xuất trên 8.900 ha lúa vụ Đông Xuân, tạo tiền đề cho vụ sản xuất mới thắng lợi, bội thu.
Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông, đến nay, bà con đã cơ bản thu hoạch nhanh gọn trà lúa với năng suất đạt 68 tạ/ha. Nông dân địa phương cũng đã trồng được trên 5.500 ha rau màu thực phẩm trên nền đất trồng lúa khó khăn, xa nguồn nước hoặc trên đất rẫy mang lại nguồn thu nhập cao. Thực hiện đề án “Cắt vụ, chuyển đổi cây trồng và mùa vụ các huyện phía Đông đến năm 2025” gắn với ứng phó hạn, mặn và thích ứng biến đồi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, huyện Gò Công Đông đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích gần 310 ha, chủ yếu chuyển sang trồng rau màu, trồng cây ăn trái đặc sản. Xã Kiểng Phước giáp biển Đông những năm qua là địa bàn ảnh hưởng hạn – mặn gay gắt đã chuyển đổi hàng tră ha đất trồng lúa canh tác khó khăn sang trồng thanh long ruột đỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo ông Nguyễn Tấn Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã Kiểng Phước, địa phương phấn đấu đến năm 2025, mở rộng vùng chuyên canh thanh long thích ứng biến đổi khí hậu lên 250 ha.
Còn huyện Tân Phú Đông cũng chuyển trên 3.700 ha đất trồng lúa 1 vụ năng suất bấp bênh sang trồng chuyên canh sả mang lại hiệu quả kinh tế cao vừa giảm được nguy cơ thiệt hại do hạn – mặn hàng năm. Nhờ đó, trong mùa khô 2023, người dân vùng đất nhiễm mặn ven biền Gò Công nhiều khó khăn đã sớm ổn định sản xuất, đời sống, không lo thiên tai gây hại như các năm trước đây.
Theo MINH TRÍ (TTXVN)