TP Cần Thơ tăng cường công tác bơm tát, phục vụ sản xuất nông nghiệp trong mùa khô, hạn 2024.
Trong thời gian này, vùng thượng ĐBSCL, bao gồm phần đất tỉnh An Giang, Đồng Tháp, thượng nguồn Long An, Kiên Giang và TP Cần Thơ mực nước thấp hơn trung bình nhiều năm, khó khăn hơn cho bơm tưới, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Vùng giữa và khu vực ven ĐBSCL, bao gồm phần đất thuộc TP Cần Thơ, tỉnh Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và vùng được kiểm soát mặn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, ranh mặn 4g/l có thể vào 50-60km. Các địa phương cần tranh thủ lấy nước ngay khi mặn còn thấp ở vùng giữa và ven biển. Riêng, khu vực ảnh hưởng mặn sông Cái Lớn, Cái Bé thuộc các tỉnh Kiên Giang và Hậu Giang, dự báo mặn cuối tháng 3 lên cao với ranh mặn 4g/l vào sâu từ 50-55km, các địa phương này cần tăng cường giám sát mặn và vận hành hợp lý các công trình đảm bảo nước cho sản xuất.
Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam khuyến cáo: Mưa trái mùa không xuất hiện ở vùng ĐBSCL, các đập thủy điện thượng nguồn tích nước bất thường, hạn chế xả nước về hạ nguồn sông Mekong nên tình hình khô hạn, XNM tại ĐBSCL còn kéo dài. Các địa phương vùng ĐBSCL cần chủ động các giải pháp thích ứng với hạn hán và XNM trong năm ở điều kiện như dự báo, theo dõi cập nhật các bản tin dự báo và chủ động các kế hoạch ứng phó; tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, XNM, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô, hạn năm 2024…
Theo HÀ VĂN (Báo Cần Thơ)