Xóa "rào cản" để du lịch bứt phá

18/11/2019 - 14:37

Dù được quan tâm đầu tư từ hạ tầng đến công tác quảng bá, nhưng du lịch ở tỉnh Tiền Giang vẫn phát triển chưa như mong muốn. Do đó, việc khắc phục những tồn tại và tập trung đầu tư cho ngành Du lịch đang được tỉnh đặc biệt quan tâm.

Du khách tham quan Khu du lịch sinh thái cù lao Tân Phong, huyện Cai Lậy. Ảnh: VÕ NGUYÊN PHÚ

“TẮC” Ở ĐÂU?

Qua thời gian khai thác du lịch tại cù lao Tân Phong (xã Tân Phong, huyện Cai Lậy), bà Nguyễn Thị Quế Hân, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Mê Kông Xanh cho biết, Tân Phong là một trong những điểm đến lý tưởng dành cho khách du lịch yêu mến sự yên bình và muốn trải nghiệm bản sắc văn hóa của người dân địa phương. Những năm gần đây, du lịch nơi đây nhận được sự quan tâm và hỗ trợ rất lớn từ các cấp chính quyền, nên từng bước được đầu tư bài bản hơn.

Đó là những tín hiệu đáng mừng, song dưới góc nhìn của doanh nghiệp, bà Hân cho rằng vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế trong bước đầu “hội nhập”. Trước hết, sản phẩm du lịch còn “nghèo nàn”, thiếu tính độc đáo. Cụ thể, chợ nổi Cái Bè, vườn cây ăn trái trên cù lao Tân Phong bị thu hẹp do người dân không được định hướng rõ ràng, không thấy được lợi ích kinh tế từ việc cho khách du lịch vào vườn tham quan.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đối với công tác đầu tư hạ tầng, huy động nguồn vốn để phát triển du lịch, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã tiếp nhận 17 dự án đầu tư phát triển du lịch, với tổng số vốn khoảng 3.162 tỷ đồng.

Đặc biệt, Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang năm 2018 đã thu hút 6 dự án du lịch với tổng vốn đầu tư khoảng 1.800 tỷ đồng. Về đầu tư công, tỉnh đã đầu tư hạ tầng du lịch cho huyện Cái Bè, TP. Mỹ Tho, trùng tu các di tích, mở các tuyến đường để phục vụ du lịch.

Bên cạnh các điểm du lịch cù lao Thới Sơn, Làng cổ Đông Hòa Hiệp, chợ nổi Cái Bè, vườn cây ăn trái Tân Phong, thời gian qua ở tỉnh đã hình thành một số điểm du lịch như: Khu du lịch sinh thái Gò Công, Điền Lan Thôn Trang, Làng Tre… Về cơ sở lưu trú, 2 năm qua, cơ sở lưu trú phát triển nhanh chóng. Tới đây, nhiều khách sạn lớn sẽ đầu tư tại tỉnh, đảm bảo phục vụ khách lưu trú dài ngày.

Từ đó, người dân không thiết tha với việc làm du lịch, thậm chí có thái độ phản cảm với du khách. Mặt khác, môi trường sinh thái chưa được quan tâm, một bộ phận người dân địa phương còn thiếu ý thức bảo vệ môi trường; chưa có biện pháp xử lý rác thải, dẫn đến việc vứt rác bừa bãi… gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến tâm lý du khách khi đến cù lao này.

Ngoài ra, phần lớn hộ kinh doanh, điểm du lịch trên cù lao Tân Phong phát triển theo kiểu riêng lẻ, tự phát, không được đào tạo chuyên môn, thiếu sự tương tác, phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau...

Còn theo ông Lê Bá Duy, Giám đốc Công ty TNHH Lữ hành Tiền Giang, tỉnh có tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn để xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, bền vững. Tuy nhiên, những lợi thế này vẫn còn ở dạng riêng lẻ, chưa có sự liên kết mạnh để tạo thành sản phẩm du lịch chung hấp dẫn, độc đáo, tiêu biểu cho khu vực; còn tính trùng lắp và cạnh tranh giữa các địa phương. Sở dĩ du lịch ở tỉnh chưa thể có một sản phẩm đặc thù của Đồng bằng sông Cửu Long là do các điểm du lịch chưa liên kết thành một chuỗi trong tour tham quan.

Nếu chỉ một vài điểm riêng biệt thì chưa đủ sức hấp dẫn, lôi cuốn khách du lịch. Nhìn một cách tổng thể, phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện tập trung khai thác những điểm có sẵn ở cù lao Thới Sơn, huyện Cái Bè, biển Tân Thành mà chưa quan tâm mở rộng tour, tuyến khai thác sản phẩm mới để thu hút du khách đến tham quan, du lịch. Cũng theo ông Lê Bá Duy, một số doanh nghiệp muốn đầu tư, mở rộng tìm thị trường và sản phẩm mới nhưng chưa đủ sức, chưa đủ điều kiện, cần phải được hỗ trợ.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Đức Đảm cho rằng, đến thời điểm này, hạn chế của du lịch Tiền Giang là phần lớn các điểm du lịch, doanh nghiệp du lịch là vừa và nhỏ, các điểm du lịch chủ yếu là du lịch sinh thái, cộng đồng là chính. Tỉnh chưa có những điểm du lịch tiêu biểu, các resort lớn để thu hút khách cao cấp…

XÓA “RÀO CẢN”

Có thể nhận thấy, để du lịch của tỉnh phát triển tương xứng với tiềm năng, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, việc xây dựng chiến lược phù hợp là một trong những yêu cầu đặt ra hiện nay. Nhìn vào thực tế, do đặc thù riêng nên sản phẩm du lịch ở tỉnh chủ yếu là tham quan sông nước, miệt vườn và nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng… “Bài toán” đặt ra hiện nay là làm sao đưa du lịch của tỉnh thoát khỏi sự “na ná” giữa các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, tạo được nét riêng và khắc phục được những tồn tại.

Theo bà Nguyễn Thị Quế Hân, để tạo sự khởi sắc trong phát triển du lịch ở tỉnh, lãnh đạo các cấp cần tuyên truyền, vận động và sớm có những định hướng cụ thể về phát triển du lịch giúp người dân nhận thức đúng đắn về quyền lợi khi làm du lịch. Đồng thời, cần có những biện pháp khắc phục các tồn tại như: Tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân cách xử lý rác đúng nơi quy định; đặt các thùng rác công cộng trên các tuyến đường mà khách tham quan thường đi qua; thường xuyên mở các lớp tập huấn, đào tạo về kỹ năng giao tiếp và ứng xử cho tất cả những người làm dịch vụ du lịch…

Còn theo ông Lê Bá Duy, tỉnh cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển các cơ sở, dịch vụ du lịch như: Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, lưu trú dạng homestay, bán sản phẩm lưu niệm địa phương… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn tỉnh cần liên kết, hỗ trợ nhau trong sử dụng, khai thác dịch vụ. Các doanh nghiệp cần có tiếng nói chung trong chia sẻ sản phẩm, hài hòa lợi ích trong hoạt động du lịch.

Trong định hướng phát triển du lịch thời gian tới, ngoài việc tập trung xây dựng các quy hoạch phát triển du lịch, tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, triển khai nhiều giải pháp khác như: Tiếp tục hợp tác, liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành trong khu vực; hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển du lịch…

Để đẩy mạnh hoạt động du lịch ở tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Dũng yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan tập trung xây dựng các quy hoạch phát triển du lịch như: Cù lao Thới Sơn, Khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười, Cồn Ngang, cù lao Tân Phong... Về đầu tư hạ tầng du lịch, đối với đầu tư hạ tầng giao thông, các địa phương tập trung đẩy nhanh việc triển khai các dự án đã được tỉnh quy hoạch. Đối với các dự án mời gọi đầu tư, nếu nhà đầu tư không thực hiện theo đúng tiến độ cam kết thì tiến hành thu hồi để tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư, đáp ứng yêu cầu của tỉnh…

Theo Báo Ấp Bắc