Nghệ nhân Ngọc Cần đờn kìm cho NSƯT Ngọc Đợi ca bản Dạ cổ hoài lang.
Nhà hát Cao Văn Lầu (tỉnh Bạc Liêu) chuẩn bị chu đáo để tham gia cuộc thi lần này. Chương trình dự thi của quê hương bản Dạ cổ hoài lang gồm 5 tiết mục, với 2 tiết mục độc tấu và 3 tiết mục hòa tấu với sự tham gia của các nghệ nhân đến từ Nhà hát Cao Văn Lầu và Ðoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu. Ấn tượng nhất phải kể đến tiết mục đờn 20 câu bản Dạ cổ hoài lang của “kỳ nữ” Ngọc Cần - vốn nổi danh với tiếng đờn kìm, được xem là một trong những “đệ nhất” hiện nay. Ngoài ra, nghệ nhân Ngọc Cần sẽ cùng với các nghệ nhân đờn tranh Thanh Sử, đờn bầu Hoàng Phỉ hòa tấu 10 câu thể điệu Liêu Giang. Các tiết mục còn lại là hòa tấu và độc tấu nhạc cụ dân tộc Khmer, với dàn ngũ âm làm chủ đạo. Theo NSƯT Thạch Mô Ly, Phó Giám đốc Nhà hát Cao Văn Lầu, Trưởng Ðoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu, trong các tiết mục hòa tấu nhạc cụ Khmer, ngoài tạo sự hòa quyện thì mỗi tiết mục sẽ thể hiện dấu ấn, tiết tấu riêng để làm nên sự độc đáo cho tiết mục dự thi.
Những tỉnh, thành có truyền thống phát triển biểu diễn nhạc cụ dân tộc như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Ðắk Lắk... cũng chuẩn bị chương trình dự thi rất công phu, ấn tượng. Ví dụ như tỉnh Ðắk Lắk, đơn vị đã khai thác những nét đặc sắc các nhạc cụ của đồng bào dân tộc Tây Nguyên để hòa thành những giai điệu hùng vĩ núi rừng.
Cuộc thi Ðộc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020 do Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chủ trì, phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức. Ðể đảm bảo phòng dịch COVID-19, cuộc thi được tổ chức tại 5 điểm: Ðắk Lắk (từ ngày 18 đến ngày 19-9), TP Hồ Chí Minh (từ ngày 21 đến ngày 23-9), Thanh Hóa (từ ngày 25 đến ngày 26-9), Vĩnh Phúc (ngày 28-9), Hà Nội (từ ngày 30-9 đến ngày 2-10). Cuộc thi chia làm 4 bảng: Hòa tấu dành cho các đơn vị kịch hát dân tộc; Hòa tấu dành cho các đơn vị ca múa nhạc, học viện âm nhạc, nhạc viện; Ðộc tấu dành cho nghệ sĩ thuộc các đơn vị kịch hát dân tộc; Ðộc tấu dành cho nghệ sĩ thuộc các đơn vị ca múa nhạc, học viện âm nhạc, nhạc viện và các nghệ sĩ ngoài công lập. Năm nay, có khoảng 650 thí sinh của 35 đoàn nghệ thuật trong cả nước tham gia cuộc thi.
Theo Cục nghệ thuật biểu diễn, cuộc thi là hoạt động nghề nghiệp nhằm tôn vinh, quảng bá, bảo tồn và phát huy các giá trị của âm nhạc dân gian Việt Nam, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Ðây cũng là dịp để các nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ dân tộc tại các đơn vị nghệ thuật, các giảng viên, học sinh, sinh viên đang giảng dạy, học tập chuyên ngành nhạc cụ dân tộc tại các cơ sở đào tạo nghệ thuật thể hiện tài năng, giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong hoạt động nghệ thuật và bảo tồn, gìn giữ, phát huy những tinh hoa âm nhạc truyền thống Việt Nam.
Ðể phục vụ khán giả, các buổi thi diễn đều được phát trực tiếp trên kênh YouTube “Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam”.
Theo DUY LỮ (Báo Cần Thơ)