Khách hàng thưởng thức món kem dưa lưới của nông trại Cần Thơ Farm, đường Võ Văn Kiệt, quận Bình Thủy.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã khiến người sản xuất sản phẩm nông sản tươi vấp phải tình trạng tiêu thụ khó khăn. Ngược lại sản phẩm qua chế biến đã khẳng định thế mạnh, bởi sự tiện lợi và thời gian bảo quản lâu. Do đó, việc tập trung vào công nghệ chế biến, bằng những hình thức mới, tạo ra những sản phẩm mới đã giúp các sản phẩm nông sản tiêu thụ dễ dàng hơn; đồng thời, giúp người sản xuất vượt qua thời điểm khó khăn, tăng ưu thế cạnh tranh cho mặt hàng nông sản trên thị trường.
Anh Nguyễn Văn Phong, chủ nông trại Cần Thơ Farm, quận Bình Thủy, chia sẻ: Với mong muốn đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng nông sản sạch, Cần Thơ Farm đã mở rộng vùng trồng nông sản theo hướng hữu cơ, với diện tích trên 5ha tại tỉnh Tây Ninh và các tỉnh Cà Mau, TP Cần Thơ. Phần lớn diện tích của Cần Thơ Farm là trồng dưa lưới theo quy trình sạch, phục vụ tiêu dùng tại chỗ và cung cấp cho nhiều cửa hàng bán nông sản sạch ở TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành vùng ÐBSCL. Song, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhất là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội đã khiến việc tiêu thụ dưa lưới và các mặt hàng rau, quả tươi của Cần Thơ Farm gặp nhiều khó khăn. Theo đó, để việc tiêu thụ dưa lưới cũng như các sản phẩm nông sản được dễ dàng hơn, Cần Thơ Farm đã xây dựng đội ngũ chuyên bán hàng nông sản qua kênh online. Không chỉ tập trung bán dưa lưới tươi đơn thuần, Cần Thơ Farm còn sáng tạo, thiết kế mẫu giỏ đựng dưa lưới bằng chất liệu tự nhiên, vừa đẹp mắt, vừa gần gũi. Với ý tưởng này, giờ đây trái dưa lưới của Cần Thơ Farm không chỉ để ăn, mà còn là món quà dùng để biếu tặng cho người thân, bạn bè… sau khi đến tham quan Cần Thơ Farm.
Cần Thơ Farm còn mở rộng kinh doanh liên quan đến các sản phẩm nông nghiệp sẵn có. Trước tiên là ứng dụng công nghệ chế biến, tạo ra 10 dòng sản phẩm từ trái dưa lưới, như: nước dưa lưới, các loại mứt dưa lưới, bánh dưa lưới… Trong đó, có món kem dưa lưới đang được bày bán tại Cần Thơ Farm, đường Võ Văn Kiệt, quận Bình Thủy đã nhận được tín hiệu tốt của thị trường. Ước tính, bình quân mỗi tháng Cần Thơ Farm sản xuất trên 600kg kem dưa lưới, chủ yếu phục vụ cho khách đến tham quan nông trại Cần Thơ Farm. Rõ ràng việc năng động, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ chế biến sâu, tạo sự đa dạng cho sản phẩm nông sản đã giúp Cần Thơ Farm làm nên sự khác biệt, gia tăng giá trị cho nông sản hữu cơ, khẳng định uy tín và thương hiệu trên thị trường. Ðiều quan trọng hơn là Cần Thơ Farm nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, nhất là trong điều kiện nhiều địa phương trong và ngoài vùng ÐBSCL đang đẩy mạnh phát triển vùng trồng dưa lưới.
Ðể mở rộng chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ; đồng thời, tạo chỗ đứng cho hàng hóa, nông sản tại thị trường nội địa, ngành chức năng TP Cần Thơ đã triển khai nhiều hội nghị kết nối giao thương, kết nối cung - cầu cho các doanh nghiệp, tổ hợp tác, HTX… Cùng đó, nhiều HTX đã bắt nhịp thị trường, vừa sản xuất hàng hóa đa dạng theo yêu cầu thị trường, vừa nỗ lực tìm kiếm đầu ra cho nông sản. Ông Trần Văn Quang, Phó Giám đốc HTX nông nghiệp Thạnh Ðạt, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: HTX có trên 157 hộ thành viên, với 377ha đất canh tác đa dạng các giống lúa OM, Ðài Thơm 8, Jasmine 85… Trong đó, đáng chú ý có 130ha diện tích nếp thơm Thái được trồng theo đơn đặt hàng của các đối tác, với giá ổn định từ 6.200-6.300 đồng/kg. Ước tính một công đất trồng nếp thơm Thái, có diện tích 1.300m2, cho sản lượng đạt từ 1 tấn/công, nông dân sẽ kiếm lời hơn 1,4 triệu đồng/công. Không chỉ trồng nếp theo đơn đặt hàng của đối tác, HTX còn sản xuất giống gạo đỏ theo quy trình sạch, mang thương hiệu Thạnh Ðạt. Theo ông Quang, gạo đỏ Thạnh Ðạt có nhiều ưu điểm là trồng theo quy trình sạch, có giá trị dinh dưỡng cao… nhưng, HTX chưa tìm được đối tác ký hợp đồng liên kết tiêu thụ đầu ra, chỉ bán nhỏ lẻ và giá cả vẫn còn thấp so với giá trị và tiềm năng của sản phẩm. Ðể gia tăng giá trị cho gạo đỏ Thạnh Ðạt, ngoài đăng ký nhãn hiệu tập thể, HTX còn tham gia nhiều chương trình liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản… Qua đó, HTX tìm kiếm đối tác, doanh nghiệp bao tiêu đầu ra cho sản phẩm; đồng thời, liên hệ với ngành chức năng thành phố hỗ trợ HTX thiết kế bao bì sản phẩm cho gạo đỏ Thạnh Ðạt, vừa có chức năng bảo quản tốt, vừa có hình thức đẹp nhằm thu hút khách hàng, nhất là các doanh nghiệp bao tiêu, góp phần tăng giá trị thương hiệu và mang lại thu nhập cho nhà nông canh tác giống gạo đỏ Thạnh Ðạt.
Theo Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, khi yêu cầu tiêu dùng ngày càng cao, đòi hỏi doanh nghiệp, hộ sản xuất… phải chú trọng đầu tư cho sản xuất, đảm bảo các yếu tố chất lượng và chuẩn mực cho sản phẩm nông sản. Ðể hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn, tạo ra sản phẩm đạt chất lượng an toàn, tăng sức cạnh tranh thị trường trong bối cảnh hội nhập, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao đã phối hợp với các tổ chức quốc tế xây dựng bộ tiêu chuẩn Local GAP. Tiêu chuẩn Local GAP chính là bước đệm, gắn kết các khâu trong các chuỗi giá trị, nâng tầm giá trị cho nông sản Việt.
Theo M.HOA (Báo Cần Thơ)