“Bảo tàng” độc đáo của nghệ nhân Nguyễn Văn Léo

05/01/2021 - 09:37

Được xem như một “bảo tàng mini” với hàng trăm mô hình các loại (mô hình chiến tranh, tàu, thuyền...), ngôi nhà của nghệ nhân Nguyễn Văn Léo (Ba Léo), ngụ tại ấp Thới Lợi 2, xã Thới Thuận, huyện Bình Đại (Bến Tre), trong nhiều năm qua đã thu hút một lượng lớn khách đến tham quan, tìm hiểu.

A A

Từ kinh nghiệm bản thân và nghiên cứu, ông đã thổi hồn vào các mẫu vật mô hình, qua đó giúp người xem tìm hiểu về chứng tích lịch sử thời kỳ kháng chiến hay những dụng cụ đánh bắt thủy sản của bà con sông nước miền Tây.

Người lưu giữ hồn quê, sông nước

Trong không gian trưng bày các hiện vật thời kỳ kháng chiến nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi, tôi đặc biệt ấn tượng với 38 mẫu sáng tác về những phương tiện phục vụ chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Hỏi ra mới biết, tất cả các mẫu sáng tác đều được nghệ nhân Nguyễn Văn Léo chế tác thủ công. Chuyện về nghệ nhân Nguyễn Văn Léo tôi đã biết từ lâu, nhưng hồi đó do thiếu kinh nghiệm trong khai thác thông tin nên bài viết nhàn nhạt, thiếu điểm nhấn. Ấp ủ “sửa sai” nhiều lần mà tôi chưa có dịp gặp lại ông.

Tìm về tận nhà nghệ nhân Ba Léo ở làng chài Thới Thuận, trước mắt tôi là một ngôi nhà khang trang, bày vô số mô hình máy bay, tàu chiến, ghe, xuồng... Quả thực nếu không biết trước, rất dễ khiến người ta nhầm tưởng ông làm nghề bán đồ chơi cho trẻ em! Như hiểu thắc mắc của tôi, ông cười hiền: “Mấy thứ này mục đích không phải bán, mà tôi làm chỉ vì yêu thích thôi. Ai đến ngắm cũng được. Ngắm để hoài niệm, nhắc nhở chúng ta về một thời gian lao của dân tộc, của đất nước và những người con đã ngã xuống cho mảnh đất này hồi sinh”.

Dẫn tôi tham quan 3 gian nhà trưng bày gần 500 mô hình được sắp xếp theo từng chủ đề như: Các phương tiện sinh hoạt của quân dân Đồng khởi trong chiến đấu (vũ khí, nhà hội họp, khăn rằn, tầm vong, mõ tre...); phương tiện vận chuyển hành khách các loại (máy bay, tàu, ghe xuồng, hạm đội); phương tiện chiến đấu của hải quân Việt Nam; dụng cụ đánh bắt thủy sản của người dân Nam Bộ; máy bay, tàu chiến của Mỹ... ông Ba Léo hào hứng cho biết, tuổi thơ của ông gắn liền với những chuyến tàu vượt trùng khơi đi đánh bắt thủy sản, rồi nối nghiệp cha đến mãi sau này. Mấy mươi năm làm tài công cho những chuyến tàu khai thác thủy sản ở nhiều vùng biển, từ Bình Đại (Bến Tre) đến Phan Thiết (Bình Thuận) và nhiều vùng biển Nam Bộ, ông Ba Léo gần như nằm lòng những con tàu và đời sống ngư dân.


Nghệ nhân Nguyễn Văn Léo và các mô hình do ông chế tác

Trong nhiều năm gắn bó với biển cả, ông luôn suy nghĩ làm sao lưu giữ lại cho bản thân và con cháu mai sau hình ảnh những con tàu. Mặc dù không biết nghề mộc nhưng với quyết tâm cao, năm 1989, ông quyết định bắt tay vào làm những mô hình tàu, thuyền và ngư cụ bằng chất liệu gỗ (cùng một số phụ kiện khác) để tái hiện lại những con tàu qua nhiều thời kỳ trên sông nước Việt Nam.

Với tay chọn một chiếc tàu được xếp gọn gàng trên kệ, ông Ba Léo chậm rãi kể: "Đây là con tàu được ví như chiếc xích lô, chuyên chở hàng trên sông phục vụ việc buôn bán của người dân những năm 1950-1960. Loại tàu này có nhiều nhất ở khu vực TP Mỹ Tho (Tiền Giang), hiện vẫn còn nhưng rất hiếm và không được nguyên bản như trước. Con tàu chở hàng sau khoảng hai thập kỷ phát triển thịnh vượng thì giờ đây ít được sử dụng hơn do đường bộ phát triển. Một số chiếc được chủ tàu cải biến nhằm chuyển đổi mục đích sử dụng, như: Lắp thêm ghế phục vụ chở khách du lịch...".

Cầm một chiếc đò mô hình được chế tác từ gỗ mít, nhỏ gọn và dài hơn một gang tay, ông Ba Léo tiếc nuối: “Chiếc này giờ vắng bóng trên các dòng sông, kênh rạch miền Tây thật rồi”. Đó là chiếc đò ủi Long An. Chiếc đò được ông chế tác theo lời kể của các vị cao niên ở tỉnh Long An. Khi làm xong và trình làng chiếc đò, ai cũng thán phục vì giống đến từng chi tiết. Trên thân chiếc đò ủi, ông Ba Léo còn đề thêm hai câu thơ “Thân em nhỏ bé cùng anh/ Lưu thông vận tải khắp miền quê hương” như nhắc nhở về một loại hình vận tải phổ biến của người dân Long An một thời trên các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây...

Tìm tư liệu và nhân chứng lịch sử để làm mô hình về đề tài lịch sử

Không chỉ có ngư trường, ông Ba Léo còn quan tâm đến chủ đề chiến tranh, bởi ký ức đau thương của một vùng quê bị giặc đánh phá vẫn còn hiện hữu trong ông đến tận bây giờ, dù thời điểm khi ấy, ông chỉ là một thiếu niên 14, 15 tuổi. Để có thể phục chế mô hình chính xác với hình ảnh xưa, ông lặn lội đi tìm hiểu ở bảo tàng nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có Bảo tàng Chứng tích chiến tranh ở TP Hồ Chí Minh. Hiện ông có nhiều mô hình về đề tài chiến tranh như: Bộ chông, hầm trốn đạn pháo, bom thời chiến; bộ máy bay, tàu chiến phục vụ chiến tranh Việt Nam của đế quốc Mỹ... Cầm tác phẩm nào lên, ông đều nói rõ ràng từng chi tiết về lịch sử xuất xứ, thời gian tồn tại đến quá trình chế tác của mình. Ông Ba Léo cho biết: “Chế tác giống nguyên bản là việc không quá khó, điều quan trọng là mình phải nắm chắc các thông số kỹ thuật như: Tải trọng, phạm vi hoạt động, mức tiêu hao nhiên liệu, khả năng sát thương, kết cấu chất liệu... của từng loại phương tiện. Khi không nắm bắt được các yếu tố quan trọng này thì tôi không bắt tay vào việc. Mình làm ra sản phẩm thì phải biết tường tận những vấn đề có liên quan đến chúng. Tính tôi là vậy”.

Đam mê thấm vào máu thịt nên công việc “làm cho vui” này đã lấy hết thời gian rảnh rỗi của ông trong suốt gần 30 năm qua. Vừa vất vả, vừa tốn kém nhưng ông vẫn vui vẻ hết mình với nó. Ông chưa bao giờ nghĩ đến việc tạo sinh lợi từ các sản phẩm của mình. Nhiều lần người thân trong gia đình không ủng hộ việc làm của ông, bởi nó chẳng mang lại lợi ích gì, nhưng những lần như thế, ông lại cố gắng thuyết phục vợ con, giảng giải để mọi người hiểu giá trị tinh thần của các mô hình. Bà Trần Thị The (vợ ông) bộc bạch: “Ngày trước, thấy ông ấy suốt ngày đục, đẽo, tôi cũng nhiều lần khuyên can nhưng chẳng được. Không những làm tại nhà mà kể cả lúc theo ghe đi câu mực trên biển, cứ có thời gian rảnh là ông ấy lại mang đồ nghề ra để đục, đẽo. Lâu dần, biết không thể ngăn cản được nên tôi cũng chiều theo ý ông ấy. Ngay cả việc xây cất nhà, tôi cũng thuận ý chồng dành riêng một phòng phía trước để ông làm nơi trưng bày sản phẩm, nay trở thành “bảo tàng” chuyên lưu giữ mô hình về những chiếc tàu, thuyền... mà ông tạo ra”.

Với từng ấy sản phẩm, "bảo tàng" của nghệ nhân Nguyễn Văn Léo đã xác lập kỷ lục Việt Nam năm 2012 với tên gọi “Bộ sưu tập tàu chiến, tàu khai thác thủy sản nhiều nhất Việt Nam”. Bản thân ông được công nhận danh hiệu nghệ nhân cấp quốc gia. Theo thời gian, bảo tàng của ông đón tiếp, phục vụ nhiều tầng lớp trong xã hội đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu như: Những người nghiên cứu về lịch sử, hàng thủy, hàng không; các nhà di sản văn hóa; thanh niên, học sinh và nhiều du khách... Ông không kinh doanh, nhưng nếu ai có thích và đặt mẫu loại tàu, thuyền nào thì ông sẽ làm mẫu đó và bán lại. Đã có người hỏi mua bộ sưu tập của ông với giá khá cao, thậm chí giá trị lên tới hàng tỷ đồng, nhưng ông không đồng ý. Ông chỉ có một tâm nguyện duy nhất và là điểm tựa để ông miệt mài chế tác không ngơi nghỉ suốt 30 năm qua là phục chế sản phẩm để thế hệ trẻ biết, không quên lãng cội nguồn, những hy sinh, cống hiến vì sự nghiệp giải phóng đất nước, giải phóng dân tộc của các thế hệ cha anh. “Tôi làm vì đam mê, mong muốn lưu giữ lại những hình ảnh của thời kỳ kháng chiến gian khổ về quê hương mình, những hình ảnh tàu, thuyền xưa, những nét văn hóa lâu đời và trưng bày cho mọi người cùng chiêm ngưỡng”, ông Ba Léo chia sẻ.

Gió từ biển Bình Đại phần phật thổi vào khiến những sản phẩm treo ngoài trời của "bảo tàng" nhà ông Ba Léo cứ rung lên, bay bay trong gió lộng biển khơi. Chia tay tôi, người nghệ nhân già quê biển dặn dò: “Tôi xin tình nguyện làm thuyết minh viên miễn phí cho những ai muốn tìm hiểu, khám phá về văn hóa, lịch sử vùng Đồng bằng sông Cửu Long qua hơn 400 sản phẩm của gia đình. Tìm hiểu về văn hóa, lịch sử dân tộc nói chung, văn hóa, lịch sử vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng chính là cách để vun đắp, củng cố vững chắc lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc trong mỗi con người của thế hệ hôm nay...". 

Bài và ảnh: THÚY AN (Quân đội nhân dân)