Các tỉnh ĐBSCL sau hợp nhất: Cần tái cấu trúc sản phẩm du lịch

03/07/2025 - 10:01

Với điều kiện sinh thái đặc thù, cùng hệ thống sông ngòi chằng chịt, vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hội tụ tiềm năng, thế mạnh du lịch sông nước (DLSN). Thế mạnh này sẽ tiếp tục được phát huy mạnh mẽ hơn khi các tỉnh hợp nhất trong điều kiện tương đồng về lợi thế. Song, cũng cần nhìn nhận, đánh giá lại mô hình tăng trưởng gắn với tái cấu trúc các sản phẩm du lịch để tạo ra “cú huých” bằng chính bản sắc đặc trưng.

Hay, nhưng chưa hấp dẫn!?

Qua tìm hiểu du lịch chợ nổi Cái Răng (TP Cần Thơ) trên các trang quảng cáo và mạng xã hội, gia đình ông Mã Quới (Việt kiều Mỹ) quyết định từ sân bay Tân Sơn Nhất về thẳng TP Cần Thơ nghỉ lại vài đêm để có thể khám phá chợ nổi Cái Răng với sông nước hữu tình, cảnh mua bán sầm uất và tận hưởng cảm giác ăn sáng trên sông với tô bún cá nóng hổi chòng chành sóng nước.

Vậy là từ 4 giờ sáng, gia đình ông Quới đã thức dậy thật sớm, ra bến thuê ghe khám phá chợ nổi. Qua trải nghiệm thực tế, ông đúc kết: “Chợ nổi không giống như trong phim hay quảng cáo trên mạng, cảnh mua bán lèo tèo và chưa tạo được dấu ấn gì ngoài việc chụp vài tấm ảnh ăn sáng trên ghe, mua vài thứ trái cây”. Thế là kế hoạch ở lại TP Cần Thơ du lịch được rút ngắn và cả gia đình trở về nhà sớm hơn dự định.

Từ câu chuyện trên cho thấy, DLSN ở các tỉnh ĐBSCL tuy có nhiều lợi thế nhưng tổng thể vẫn là làm du lịch theo kiểu “na ná” nhau và chưa tạo được bản sắc đặc trưng riêng. Bằng chứng là tại các điểm DLSN ở các tỉnh như: Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cà Mau…, các dịch vụ và sản phẩm du lịch gần như giống nhau; cũng là các món ẩm thực như: cá lóc nước trui, tép trấu trộn gỏi điên điển, bánh xèo, canh chua và cá kho tộ… Rất ít những sản phẩm mang tính đặc trưng và gắn với những câu chuyện hấp dẫn cho từng sản phẩm.

Mô hình du lịch thử nghiệm thưởng thức món ngon và nghe đờn ca tài tử trên tuyến sông ngã ba Cái Tàu (địa bàn huyện Hồng Dân cũ).

Thậm chí, có một số địa phương ở tỉnh Cà Mau cũng tổ chức mô hình du lịch thử nghiệm thưởng thức món ngon và nghe đờn ca tài tử trên sông, nhưng cũng là mô hình cũ mà các tỉnh khác đã làm nên chưa thể phát triển.

Tuy vậy, thực tiễn cho thấy, DLSN còn nhiều dư địa để khai thác lợi thế, nhất là thu hút khách nước ngoài. Sự tăng trưởng DLSN đã chứng minh điều đó. Năm 2024, DLSN vùng ĐBSCL đón khoảng 52 triệu khách, tổng doanh thu dịch vụ du lịch đạt trên 62 ngàn tỷ đồng. Con số này cho thấy, DLSN vẫn là mảnh đất màu mỡ, giàu tài nguyên cho phát triển thế mạnh đặc trưng này trong việc phục dựng lại chợ nổi hay nâng chất các sản phẩm DLSN một cách bài bản, có chiều sâu và phải tạo dựng được bản sắc đặc thù riêng.

Chẳng hạn như, các tỉnh vùng ngọt nổi tiếng với sản phẩm trái cây và các sản vật từ đồng quê, thì các tỉnh có hệ sinh thái mặn, lợ như Cà Mau nên chăng xây dựng chợ nổi chuyên bán hàng thuỷ hải sản tươi sống gắn với chế biến ngay các món ngon trên ghe, vì hải sản ngon là phải ăn khi còn tươi, và đây cũng đánh trúng nhu cầu, thị hiếu thích khám phá, trải nghiệm, ăn món ngon của du khách ở vùng đất nổi tiếng có thế mạnh về thuỷ hải sản.

Cần liên kết, quy hoạch tổng thể

Sau khi các tỉnh ĐBSCL được sắp xếp, hợp nhất, không gian phát triển sẽ mở ra và tăng tính kết nối. Do vậy, sự tăng cường kết hợp giữa các địa phương trong khai thác DLSN được kỳ vọng sẽ vẽ nên bức tranh mới cho du lịch vùng đất Chín Rồng.

Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm và mang tính chiến lược về tầm nhìn, đó là phải cùng liên kết với nhau trong xây dựng quy hoạch tổng thể mang tính cấp vùng chứ không dừng ở phạm vi riêng lẻ của từng địa phương. Bởi với quy hoạch chung ấy, sẽ phân công trách nhiệm, hình thành các điểm dừng chân, các sản phẩm du lịch đặc thù, tạo ra kết nối mạnh trên nền tảng xây dựng được bản sắc riêng cho từng vùng sông nước, nhằm chủ động tránh trùng lắp hay “na ná” như nhau, cũng như khơi dậy sở thích khám phá của du khách theo phương châm “mỗi điểm dừng chân là một trải nghiệm mới” và khai thác, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh đặc thù về sinh thái, văn hoá của từng địa phương.

Du khách tham quan du lịch sông nước miền Tây trải nghiệm và thưởng thức bánh dân gian tại Phong Điền, Cần Thơ.

Về tầm nhìn, phát triển DLSN hay du lịch đường sông vẫn là nền tảng cơ bản của các tỉnh vùng ĐBSCL.

“Với 28.000 km đường thuỷ, đây là cơ sở quan trọng trong xây dựng và phát triển các tuyến giao thông rộng khắp ở ĐBSCL, cũng chính là điều kiện để phát triển du lịch đường sông và để các tỉnh ĐBSCL khai thác tốt lợi thế sông nước", ông Trần Tường Huy, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch xã hội, nhận định. 

Song, theo ông Huy, để một sản phẩm du lịch đường sông hoàn chỉnh cần hội tụ 6 yếu tố cơ bản, đó là cơ sở hạ tầng (bến bãi, cầu cảng, hạ tầng giao thông kết nối các điểm tham quan); cơ sở vật chất phục vụ du lịch đường sông (cơ sở lưu trú, điểm tham quan, mua sắm, ăn uống...); các phương tiện vận chuyển (trong đó, các loại phương tiện vận chuyển phải phù hợp với sản phẩm du lịch và điều kiện hạ tầng của từng tuyến); phải có sản phẩm du lịch đường sông. Đặc biệt, 2 yếu tố cuối cùng chính là sự hấp dẫn của môi trường, cảnh quan, nhất là yếu tố con người, văn hoá sông nước; cùng dịch vụ du lịch đường sông gắn với hoạt động vui chơi giải trí, văn hoá nghệ thuật, hoạt động thể thao trên sông như: đua xuồng, đi cầu khỉ, chơi lắc cầu ván, thi bắt cá, bắt vịt…

Tất cả những mô hình và cách làm nói trên phải không ngừng được sáng tạo, bổ sung và nâng chất. Nếu được như vậy thì khả năng làm giàu từ DLSN là rất khả thi khi lợi thế này được tăng cường đầu tư theo hướng tăng trưởng xanh, hiện đại, chuyên nghiệp và giàu bản sắc.

“Để khai thác tốt lợi thế sông nước và thu hút nhiều du khách trong, ngoài nước đến với các tỉnh ĐBSCL, thì cần phải tăng cường đầu tư, nâng cao hạ tầng và dịch vụ du lịch. Trong đó, phải đầu tư hạ tầng đường sông và cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch đường sông, gắn với mở thêm các tuyến kết nối du lịch đường sông giữa TP Hồ Chí Minh với ĐBSCL”, bà Hồng Thu Mai, Trưởng phòng Cung ứng dịch vụ và sản phẩm, Công ty TNHH MTV Du lịch lữ hành Saigontourist, góp ý. 

Một trong những trụ cột quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh vùng ĐBSCL chính là ngành du lịch. Vì vậy, rất cần cái “bắt tay” thật chặt của các tỉnh sau hợp nhất, để tạo nên sức mạnh tổng hợp cho DLSN nói riêng và du lịch nói chung của ĐBSCL cất cánh vươn xa./.

Theo Báo Cà Mau