Bìa Kỷ yếu Hội thảo Khoa học quốc tế “Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay”.
Bộ sách Kỷ yếu Hội thảo Khoa học quốc tế “Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay”, gồm 2 tập được in và đóng bìa cứng trang trọng. Mỗi tập trên dưới 800 trang, chia thành 5 phần. Quyển I, gồm: Phần thứ nhất - Tổng quát; phần thứ hai - Thời đại, quê hương và gia đình; phần thứ ba - Nhà thơ lớn, vị thế, giá trị và văn bản tác phẩm. Quyển II gồm phần thứ tư - Nhà văn hóa được UNESCO ghi danh; phần thứ năm - Bảo vệ và phát huy di sản của Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu.
Trong từng nhóm chủ đề, Ban tổ chức sắp xếp các bài viết theo thứ tự a, b, c tên tác giả. Mỗi tham luận được tóm tắt tiếng Việt, tiếng Anh và toàn văn tham luận bằng tiếng Việt. Các nhà khoa học trong nước và nước ngoài nghiên cứu vấn đề mà tác giả trình bày có thể trao đổi và tranh luận học thuật để tiến trình nghiên cứu về Nguyễn Đình Chiểu có thể phát triển hơn nữa.
Các bài tham luận đăng toàn văn trong 2 tập kỷ yếu của 14 giáo sư, 24 phó giáo sư, 39 tiến sĩ đến từ các trường, viện, vụ, hội và các trường đại học như: Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Sử học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh)... Trong đó, có 17 bài của các nhà khoa học quốc tế ở các nước: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp, Bỉ, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Nga.
Các nhà khoa học đến từ các quốc gia khác nhau, các nhà khoa học trong nước cũng đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học khác nhau, với cách tiếp cận khác nhau và nội dung đề cập khác nhau nhưng đều tập trung khẳng định tầm vóc của Nguyễn Đình Chiểu - Danh nhân văn hóa được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc UNESCO vinh danh.
Trong Báo cáo đề dẫn Hội thảo Khoa học quốc tế, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam có đề cập đến tiến trình nghiên cứu về Nguyễn Đình Chiểu từ trước đến nay. Ông cho biết: “Nhìn ở phương diện thời gian, việc nghiên cứu khoa học về nhà thơ, nhà văn hóa Nguyễn Đình Chiểu đã có một lịch trình gần 160 năm. Nhiều công trình nghiên cứu về cụ đã được công bố dưới các hình thức khác nhau như chuyên luận, tiểu luận, bằng các thứ tiếng khác nhau”.
Như vậy, tính đến nay, có 3 lần hội thảo khoa học quy mô lớn về Nguyễn Đình Chiểu đã được tổ chức. Lần thứ nhất vào năm 1972, kỷ niệm 150 năm Ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu, các hội thảo khoa học được tổ chức tại Hà Nội để các nhà khoa học công bố những nghiên cứu về cụ, hội thảo khoa học do Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức với sự tham gia tham luận của các giáo sư: Nguyễn Khánh Toàn, Vũ Đức Phúc, Phạm Thiều, Ca Văn Thỉnh, các nhà nghiên cứu Cao Huy Đỉnh, Bùi Thanh Ba, Nguyễn Quang Vinh, Nguyễn Liệu... Tổng hợp các bài tham luận được Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản thành sách “Nguyễn Đình Chiểu, tấm gương yêu nước và lao động nghệ thuật”. Lần thứ hai vào năm 1982, kỷ niệm 160 năm Ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu, Viện Khoa học xã hội tại TP. Hồ Chí Minh thừa ủy quyền của Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp cùng tỉnh Bến Tre tổ chức hội thảo khoa học với sự tham gia của gần 200 nhà khoa học. Kỷ yếu của hội thảo được Sở Văn hóa và Thông tin cùng Hội Văn nghệ Nguyễn Đình Chiểu Bến Tre xuất bản năm 1984.
Báo cáo đề dẫn hội thảo cũng nêu lên các vấn đề đặt ra, gợi mở cho nghiên cứu tiếp theo như: Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu có vị thế như thế nào trong xu hướng giải thực dân hóa ở Việt Nam, ở khu vực và thế giới, qua tác phẩm và sự kiện trong cuộc đời. Vai trò của vùng đất Bến Tre với Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, ảnh hưởng của Nguyễn Đình Chiểu với các đời sau như thế nào? Tư tưởng nhân văn và sáng tạo văn hóa của cụ cần được tiếp tục nghiên cứu để thành hành trang của thế hệ hôm nay đi tới tương lai. Trên lĩnh vực văn học, Nguyễn Đình Chiểu đã nối tiếp truyền thống và đổi mới truyền thống của các thể loại văn chương (truyện thơ Nôm, văn tế, thơ luật Đường) ra sao? Nhà văn hóa Nguyễn Đình Chiểu: triết lý và mẫu người văn hóa, sự nhất quán giữa hành động trong đời thực và triết lý thể hiện trong tác phẩm văn chương cần nghiên cứu kỹ hơn, nhất là người thầy thuốc, người thầy giáo Nguyễn Đình Chiểu.
“Thời đại ngày nay ắt khác với thời đại mà Nguyễn Đình Chiểu sống. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư khiến nhiều vấn đề trong đời sống của nhân loại biến đổi. Vấn đề bảo vệ, phát huy di sản văn hóa, giá trị của di sản văn hóa của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu cần đặt trong bối cảnh thời đại này”, đề dẫn nêu.
Bộ sách Kỷ yếu Hội thảo Khoa học quốc tế “Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay” thật sự là tài liệu quý, góp phần vào nguồn tài liệu khoa học có giá trị tham khảo dành cho bạn đọc muốn tìm hiểu, nghiên cứu về Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trên nhiều phương diện khác nhau.
Theo Báo Đồng Khởi